Sinhvienusa.org xin giới thiệu tham luận của Giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Yale) tại hội thảo Cải cách giáo dục đại học VED 2014.
Nền giáo dục Việt Nam như một cơ thể ốm yếu, sắp chết. Đó là điều ai cũng công nhận. Ý tưởng nổi bật từ nhiều bài tham luận trong hội thảo này ta phải có nhiều liều thuốc rất mạnh như cải cách vai trò tự quản của các trường đại học. Để làm được điều này cần những thay đổi lớn về chính sách và phương pháp vận hành chính sách từ các bộ, từ chính phủ.
Trong bài nói này, tôi muốn đi theo một hướng hơi khác. Đó là việc bản thân người ốm, trong khi chờ đợi thuốc mạnh từ bên ngoài, vẫn có thể tự vận động, như tập một phép thở dưỡng sinh, để tự cải thiện tình trạng của bản thân. Phép thở mà tôi muốn nói tới ở đây là vai trò của ngừoi giảng viên trong các trường đại học, cụ thể là một số thực hành mà mỗi giảng viên chúng ta có thể làm được để xây đắp ngôi trường của mình, độc lập với các tác động từ bên ngoài.
Tôi có một may mắn là theo học tại Mỹ rất sớm, từ cách đây 20 năm, đã trải qua tất cả các cung bậc về hàn lâm, nên có một chút ít kinh nghiệm qua trải nghiệm bản thân và của các đồng nghiệp. Những kinh nghiệm đó có những việc có thể thực hiện được ở VN, có những việc có thể không, nhưng tôi hy vọng nó có thể mang lại một cách suy nghĩ khác về vai trò của người giảng viên trong ngôi trường của mình.
Một GS ở Mỹ chia thời gian làm việc làm 3 phần. Có hai phần ta đã bàn kỹ trong cuộc hội thảo này: giảng dạy và nghiên cứu. Phần còn lại mà tôi muốn nói tới là phục vụ (service). Thời gian của ba phần thường được chia theo tỉ lệ 40 – 40 – 20. Giảng dạy, nghiên cứu thì rõ ràng rồi. Còn “phục vụ” ? Chẳng nói ta cũng biết, phục vụ là vinh quang, nhưng phục vụ cụ thể là làm gì ? Ý nghĩa phục vụ mà tôi nêu ở đây là phục vụ cho một mục đích rất rõ ràng: làm cho trường ĐH của mình mạnh lên. Cũng nói thêm rằng, khi tôi nói trường ĐH của mình nghĩa là tôi nói trường ĐH của tôi, không phải trường ĐH của bạn, theo nghĩa kinh tế thị trường.
Công việc phục vụ có thể chia làm hai loại chính:
- Tại khoa (nơi mình trực tiếp làm việc), chẳng hạn tôi làm việc tại khoa toán. Các khoa, khoa nào cũng nhiều ủy ban (committees): ủy ban để tuyển người mới, để bàn chương trình dạy, để chọn học sinh học sau đại học vv. Những ủy ban đó họp rất tốn thời giờ, nhưng cần thiết. Thú vị nhất là ủy ban tuyển người mới. Ở Mỹ, tiêu chí duy nhất để tuyển một giảng viên mới là làm sao tìm được người tốt nhất có thể, trong khả năng tài chính của khoa. Khi đã xác đinh được lĩnh vực mình muốn tuyển chọn, chúng tôi phải tìm trên toàn thế giới xem có ai ở lứa tuổi và trình độ phù hợp. Rồi hỏi từng người một xem họ có muốn chuyển chỗ làm không và đọc tất cả những lý lịch (CV) của họ, cùng việc tham khảo ý kiến cá nhân từ các người đầu ngành. Tìm được một người thích hợp có thể mất cả năm hay nhiều tháng. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu. Để mang được người ấy về khoa còn là một quá trình gian khổ hơn nữa. Ở Mỹ có một thuật ngữ rất chính xác cho việc này là “courting”, dịch ra tiếng Việt là “tán tỉnh”. Khoa tôi muốn tuyển anh Châu thì phải tán tỉnh anh ấy. Thời gian và công phu các ủy ban dùng để tán tỉnh và tìm cách làm hài lòng những đối tượng mà họ muốn tuyển có thể so sánh một cách trực tiếp với việc lấy vợ. Về phần tốn kém chắc cũng tương tự, và kết quả, cũng tương tự như lấy vợ, không phải lúc nào cũng được như ý. Qua đó ta có thể hiểu lượng công sức và thời gian của các thành viên trong uỷ ban dành cho việc này, với một mục đích duy nhất là nâng cao chất lượng hàng ngũ giáo viên của khoa. (Việc tuyển gỉảng viên cũng được nói tới trong các bài nói của anh Châu và anh Vang.)
Trong cuộc họp cách đây mấy ngày ở văn phòng Thủ tướng, tôi có nói tới phương án tuyển các GS quốc tế đầu ngành tới Viet Nam. Nếu chỉ nhìn qua, số lương phải trả cho một GS đầu ngành so với thu nhập trung bình ở VN chênh lệch rất lớn. Nhưng nếu nhìn theo hướng đầu tư lâu dài thì đây chưa chắc đã là một phương án không khả thi. Xây một con đường, chi phí ban đầu rất khủng khiếp, nhưng nguồn lợi nó mang đến ổn định và lâu dài. Một GS đầu ngành cũng như một con đường bắt ra thế giới khoa học bên ngoài, và giá trị họ mang lại đôi khi không thể đo đếm. Tôi sẽ bàn về việc này kỹ hơn vào một dịp khác.
- Phục vụ trong hội đồng giáo viên của trường (academic senate; hội đồng giáo viện đã được nhắc tới trong bài của chị Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen). Tôi xin kể hai trường hợp cụ thể về hoạt đông và sức mạnh của hội đồng giáo viên. Điều đáng nói ở đây là những hoạt đông này hoàn toàn xuất phát từ bản thân người giáo viên. Nó không phụ thuộc vào vấn đề tự chủ hay khả năng tài chính của trường. Hai ví dụ này cũng đụng đến hai vấn đề thiết yếu: minh bạch tài chính và tự do học thuật.
Trường hợp thứ nhất: khoa toán tại đại học Arizona.Đây là trường hợp của anh Phạm Hữu Tiệp. Anh Tiệp là một GS toán của trường ĐH Arizona. Có một năm trường bị giảm rất nhiều tiền nên trường ra một chính sách là sẽ cắt hết những hỗ trợ (support) đối với khoa toán. Đây là việc rất quan trọng vì không có nguồn hỗ trợ thì khoa không thể tìm được người mới, không thể thuê được thêm nhiều sinh viên, một số GS không thể tiếp tục nghiên cứu của họ được. Anh Tiệp là người trong hội đồng giáo viên của trường, tìm mọi cách thay đổi này chủ trương mà theo anh là sai lầm. Anh đã phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu rất kỹ ngân sách (budget) của trường, (ĐH Arizona là trường lớn, có mấy chục nghìn SV, budgetcủa nó vô cùng phức tạp), và đi đến kết luận là với số người và đóng góp của khoa toán thì đáng ra khoa phải được thêm tiền (cỡ triệu đô) thay vì bị cắt hoàn toàn. Đứng trước lý luận sắc bén và những con số cụ thể và minh bạch thì trường không thể đi ngược lại được cái ý kiến của khoa, và cuối cùng phải đi đến một thỏa hiệp.
Truòng hợp thứ hai: Việc phát triển học xá (campus) của Yale ở Singapore (Yale– NUS campus). Cách đây vài năm, trường Yale định mở thêm một campus ở Singapore. Nghe tin này lúc đầu, tôi rất vui, vì đó sẽ là cơ hội thu hút được nhiều sinh viên giỏi ở châu Á về cho trường – tăng doanh số, tăng uy tín, tăng sự ảnh hưởng toàn cầu. Thế nhưng, quyết định này đã gặp sự phản đối kịch liệt của rất nhiều giáo sư trong hội đồng giáo viên tại Yale. Tại sao? Vấn đề ở chỗ Singapore có một số luật hạn chế tự do học thuật (academic freedom) theo cách nhìn của người Mỹ, và mặc dầu campus mới có thể sẽ mang lại lợi nhuận và tăng tầm ảnh hưởng đánh kể, việc này vấp phải sự phản kháng rất mạnh của rất nhiều giáo sư.
Theo một số luật ở Singapore thì tinh thần tự do học thuật của Yale và các trường đại học Mỹ khác sẽ không đượcc đảm bảo một cách toàn diện và việc này dẫn đến một cuộc tranh luận rất gay gắt trong nội bộ trường. Các cuộc tranh luận này rất thú vị, vì tại Yale có rất nhiều người rất hiểu biết về luật và có tài diễn thuyết. Cuối cùng, bởi campus đã xây rồi và bắt đầu tuyển sinh rồi nên Yale – NUS campus vẫn được đưa vào hoạt động. Nhưng một số luật lệ mới cũng được thảo luận để hạn chế sự can thiệp của các giới chức của Singapore vào việc giảng dạy ở trường này. Đồng thời một số quy chế cũng được xem xét lại để tăng thêm quyền của người giáo viên trong việc quản lý trường và tránh các trường hợp tương tự trong tương lai. Là một trường tư, Yale được vận hành bởi Yale Corporation (Hội đồng Yale), đứng trên cả ban giám hiệu. Có nhiều phương án được đưa ra để tăng đối trọng giữa hội đồng giáo viên và Yale Corporation trong những quyết định mang tính chiến lược.
Theo vuhavan.wordpress.com
Xem bản gốc tại đây