Trịnh Đình Lê Minh một Fulbrighter vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ nghệ thuật (MFA) chuyên ngành sản xuất phim trường đại học Texas – Austin. Anh đồng thời cũng là tác giả của hai đầu sách điện ảnh: Mười bí quyết hình ảnh và Khi đạo diễn trẻ già dặn. Chung cư của tôi và Ngọn gió về đâu do anh đạo diễn đã được trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế.
Cùng sinhvienusa tìm hiểu về ngành nghệ thuật thú vị này từ Minh!
Cơ duyên nào để anh quyết định chọn lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh để theo đuổi?
Những năm học cấp 3, tôi còn chưa phân biệt phim điện ảnh và phim truyền hình, chỉ biết phân biệt dựa vào thời lượng. Sau đó bắt đầu xem phim ở rạp 212 Lý Chính Thắng gần nhà. Xem xong thì có nhu cầu trao đổi, bình luận về phim nên tôi tìm thấy được những diễn đàn về điện ảnh trên mạng. Từ đó bắt đầu nghĩ mình sẽ theo học ngành đạo diễn điện ảnh. Khi thi đại học, ngoài sự lựa chọn là đại học Kinh tế và KHXHNV, tôi đã thi thêm trường Sân khấu điện ảnh. Lúc đó cũng ngây thơ và liều lĩnh, chỉ làm theo cái mình thích thôi. Và càng học, càng theo đuổi điện ảnh thì càng đam mê và nghiêm túc hơn với nghề.
Nói về ngành đạo diễn đã học tại Mỹ – anh nghĩ nó khác gì so với khi học tại Việt Nam?
Đào tạo ở Mỹ khác ở Việt Nam ở điểm giảng viên tạo điều kiện cho sinh viên phát huy sở trường riêng của mình. Lớp học chỉ là môi trường cho những quan điểm, góc nhìn, phong cách khác nhau va đập và tự hoàn thiện chứ không triệt tiêu lẫn nhau. Tuy khác nhau về phong cách nhưng sinh viên tôn trọng lẫn nhau và tất cả đều khá vững vàng về kỹ thuật làm phim, nên đều rất sẵn sàng giúp nhau, đảm nhận các vị trí khác nhau trong đoàn phim bài tập của mỗi người.
Cách dạy ở Mỹ chú trọng nhiều vào thực hành. Vì vậy ngay từ những buổi học đầu, sinh viên đã đặt ánh sáng, cầm máy quay, cầm cần thu âm thanh để làm bài tập. Hình thức tổ chức bài tập cũng yêu cầu sinh viên phải làm qua tất cả các vị trí trong đoàn phim. Vì vậy tất cả đều rất tự tin về kỹ thuật và hiểu biết vững chắc về các vị trí trong ekip làm phim. Cách này cũng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về sở trường của mình.
Do còn hạn chế về cơ sở vật chất và thiết bị nên lúc tôi còn học ở Việt Nam, trường của tôi chưa đào tạo nhiều cho sinh viên về thực hành và thảo luận, nhận xét bài tập lẫn nhau mà chủ yếu học lý thuyết.
Số lượng người Việt học nghệ thuật như anh tại trường là bao nhiêu? Tiêu chí để được chọn vào trường là như thế nào?
Đối với bậc master ngành sản xuất phim, một năm trường tôi tuyển 12 người, và có khoảng 200 hồ sơ gửi đến. Các trường khác trên toàn nước Mỹ cũng giới hạn số lượng vì đó là yêu cầu bắt buộc để đào tạo. Tôi nghĩ tiêu chí tuyển chọn của họ là sự trưởng thành về mặt cảm xúc, có những kỹ năng cơ bản, có tiềm năng để tiếp tục phát triển và đi xa hơn trong nghề. Quan trọng nhất là phải có cá riêng, khác biệt và không lẫn lộn. Các trường bên Mỹ rất chú trọng yếu tố ‘diversity’ nên sinh viên trong một lớp cũng thường khác nhau về background, ngành nghề, chủng tộc…
Đối với bậc undergrad thì họ tuyển với số lượng lớn hơn, cũng cả trăm sinh viên. Nhưng chất lượng đào tạo thì cũng tốt như bậc master.
Anh so sánh như thế nào về điện ảnh Mỹ và Việt Nam? Tại sao những bộ phim VN sản xuất thường chỉ mang tính giải trí là chủ yếu như hiện nay?
Ở bất kỳ nền điện ảnh phát triển nào, nhiều ngạch phim phát triển đồng bộ. Họ có phim bom tấn, phim độc lập, phim art-house… Hiện tại điện ảnh Việt Nam chỉ mới đang chập chững tạo dựng bản sắc riêng của mình. Phim giải trí đã bắt đầu thu hút ngày càng nhiều khán giả đến rạp hơn. Phim độc lập cũng bắt đầu tạo dựng dấu riêng, tham dự liên hoan phim quốc tế nhiều hơn và các nhà làm phim cũng bắt đầu có tiếng nói riêng của mình. Tôi nghĩ điểm tựa của nền điện ảnh phải là một nền điện ảnh có khán giả. Vì vậy tôi mừng khi khán giả đã bắt đầu quay lại rạp để ủng hộ phim Việt. Khi họ đã tiếp thu những bộ phim giải trí, chắc chắn sẽ có một bộ phận có nhu cầu xem phim tác giả và phim art-house. Từ đó tạo ra sự cân bằng cho một nền điện ảnh còn non trẻ.
Trong suốt thời gian làm phim của mình, anh đã tạo ra bao nhiêu sản phẩm? Anh tâm đắc với tác phẩm nào nhất? Tại sao?
Tôi đã làm 2 bộ phim tài liệu trước khi sang học tại Mỹ. Bên cạnh đó tôi cũng làm thêm 4 phim ngắn trong khoảng thời gian học tại đây. Mỗi phim là một trải nghiệm, đánh dấu một giai đoạn phát triển về mặt nghề nghiệp và cả về trải nghiệm cá nhân, vì vậy tôi đều trân trọng chúng.
Điều gì giúp anh trưởng thành hơn trong quá trình làm phim tại Mỹ?
Tôi học được nhiều từ bạn bè mình. Người Mỹ vừa thực tế, lại vừa hài hước, lại lạc quan, nhưng họ cũng rất tự tin về kỹ thuật. Tham gia nhiều đoàn phim của các bạn trong lớp, cùng họ vượt qua những khó khăn, cùng nâng cao hơn nữa mặt kỹ thuật và nghề nghiệp đã giúp tôi tự tin hơn về bản thân. Bên cạnh đó, tôi cũng tự hào giữ bản sắc Á Đông và cá tính riêng trong phim của mình, bởi tất cả những người xung quanh đều trân trọng cái riêng đó.
Về Việt Nam tại sao anh lại lựa chọn con đường giảng dạy? Mà ko theo nghề đạo diễn chuyên nghiệp?
Để làm một bộ phim, từ lúc có ý tưởng đến khi phim đóng máy, dựng phim và phát hành, thời gian có thể tốn từ hai ba năm. Với một người đang chuẩn bị làm phim đầu tay như tôi, khoảng thời gian có thể còn dài hơn. Có nhiều điều để chờ đợi: kịch bản chín muồi, đủ tài chính, tìm được một ê kíp ăn ý… Làm phim khác với những bộ phim nghệ thuật khác đó là người đạo diễn cần tiền, cần êkíp và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa. Vì vậy, tôi chọn cách từ từ mà tiến. Công việc giảng dạy không chiếm quá nhiều thời gian nên tôi có thể dành thời gian viết kịch bản của mình. Hơn nữa, việc chia sẻ kiến thức mà mình học được là một điều nên làm. Và đôi lúc, sự tươi trẻ của các bạn sinh viên có thể là nguồn cảm hứng để mình refresh chính bản thân mình.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hạnh Nguyễn
Xem bài viết Fulbrighter Trịnh Đình Lê Minh tại đây