Thực tập là khoảng thời gian để học hỏi hay để vui chơi? Thực tập là làm việc hay chỉ là cưỡi ngựa xem hoa?
Thực tập là thời gian quý giá hay chỉ là cho đủ điểm để ra trường? Với tôi thực tập là nhiều hơn tất cả những điều đó.
Giống như mọi sinh viên năm cuối, tôi bước vào kì thực tập với niềm háo hức xen lẫn âu lo, tin tưởng xen lẫn sợ hãi. Một cô sinh viên báo chí cũng có những khi sợ hãi và nhỏ bé khi đứng trước cổng của một đài truyền hình và rồi có khi bối rối trước guồng quay công việc, trước những gì diễn ra trước mắt mình. Thế nhưng niềm vui, sự trưởng thành luôn đến phía sau sự nỗ lực và một thái độ học nghề nghiêm túc.
Hơn 3 tháng qua đi, giờ đọc lại những trang nhật kí của mình, tự mường tượng lại và nói với bản thân: Thì ra đã có một con đường như thế tôi đi qua, con đường thực tập với đầy những câu chuyện và bài học.
Mỗi ngày đều đi qua đường Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng – những con đường đẹp rợp bóng cây. Con đường của những gánh hàng hoa, của tiếng rao lẫn trong tiếng xe đêm… Nhờ thực tập mà tôi đã được đi qua những con đường đẹp như thế, được bước đi giữa những mùa hoa Hà Nội.
Một sinh viên báo chí khi đi thực tập mang theo bao nhiêu háo hức mong chờ bởi được mang kiến thức học trong nhà trường áp dụng vào thực tế. Có những ngày gặp các bạn đang thực tập tại phòng quay phim, chúng tôi vẫn nói vui với nhau: “Trước khi trở thành phóng viên thì hãy là người cầm mic chạy, ngó và nhìn. Còn trước khi muốn trở thành quay phim thì hãy là người vác chân máy giỏi đã…”. Nhiều bạn có thể tự ái bởi những ngày đầu đi thực tập, thay vì được viết, được phỏng vấn, được quay thì lại đi cầm mic, vác chân máy, xách đồ… Nhưng tôi thì không, bởi với tôi đó cũng là bài học.
Sau những ngày vác chân máy, xách đồ để quan sát, để học hỏi… sẽ đến một ngày tôi tự mình viết kịch bản, tự mình quay những đúp hình đầu tiên. Cảm giác khi được cầm vào chiếc mic và đứng trước nhân vật của mình, vừa hỏi vừa run nhưng xong rồi mới thấy, thì ra những buổi cầm mic chạy theo anh chị lại có giá trị đến vậy. Rồi khi những khuôn hình đầu tiên mình quay được phát sóng, có thể chỉ vài giây thôi nhưng hạnh phúc và có thêm biết bao nhiêu động lực.
Ngoài bài học kinh nghiệm, ngoài sự trưởng thành thì sinh viên báo chí còn có thêm một phần thưởng cho sự nỗ lực của mình. Lần đầu tiên nhìn thấy tên mình xuất hiện sau hai chữ “Thực hiện” thấy tự hào đến lạ, và thế nào cũng nhanh tay chụp ảnh rồi post lên mạng, ghi dấu thêm sự trưởng thành của chính bản thân mình.
Cứ dần dần, mỗi ngày đều cố gắng học hỏi để trưởng thành… chúng tôi đã như vậy suốt ba tháng qua để không lãng phí khoảng thời gian thực tập quý báu. Những tin bài viết rồi lại sửa, sửa đến khi đạt yêu cầu mới thôi. Những khuôn hình bị chê hay đơn giản là góp ý… Chúng tôi ai cũng phải trải qua những lúc như vậy, và vẫn luôn tự bảo nhau: “Đừng chạnh lòng hay tự ái”. Hôm nay chúng tôi sai thì sẽ có người chỉ ra cho rồi cùng chúng tôi sửa…còn ngày mai, khi chẳng còn trong “vòng tay” của nhà trường, khi bước chân ra ngoài cuộc sống, lao mình vào công việc thì mỗi sai lầm sẽ đều phải trả giá, phải đánh đổi.
Không chỉ là những bài học nghề, mỗi sinh viên báo chí như tôi còn nhận lại được nhiều hơn thế sau những tháng ngày đi thực tập. Những người bạn lớn trong nghề, những người thầy dạy chúng tôi bao bài học không có trong giáo trình và chỉ cho chúng tôi thấy sự khó khăn, nguy hiểm và vất vả của nghề mà chúng tôi đang theo đuổi. Những nhân vật, bằng câu chuyện của mình họ dạy chúng tôi những bài học nho nhỏ trong cuộc sống. Đó là câu chuyện của một phóng viên ảnh chiến trường người Pháp với biết bao trăn trở với đất và người nơi đây. Việt Nam là nơi ông khởi đầu nghề phóng viên chiến trường của mình và rồi 40 năm sau trở lại, ông đã làm nên một triển lãm ảnh ý nghĩa mang tên “Phóng viên chiến trường”.
Dũng cảm đối mặt và không bao giờ dừng bước trước khó khăn, cũng không bao giờ sống hèn nhát… đó là những gì ông đã dạy cho tôi. Đó là câu chuyện của cô sinh viên làm thơ về lính đảo với ước vọng một ngày sẽ tự tay mình tặng những tập thơ đó lại cho người đang công tác ngoài đảo xa. Cô bé ấy đã dạy cho tôi hiểu rằng: đừng ngại gần yêu thương và hãy sống xứng đáng với tuổi trẻ mình đang có… Có rất nhiều người tôi đã gặp, những câu chuyện tôi đã nghe, mỗi người góp một bài học để dạy tôi trưởng thành.
Những bài học nghề, những người bạn lớn, những câu chuyện… tôi thấy mình giàu lên, trưởng thành lên sau những ngày thực tập đáng quý.
Theo Tiin
Xem bài gốc tại đây