
Lựa chọn du học ở đâu là một trong những quyết định khó khăn và quan trọng của nhiều bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh. Trong khi hầu hết chúng ta đều nghĩ tới các nước điểm đến phổ biến như Anh, Úc, Mỹ hay Canada, nhiều bạn sinh viên đã và đang bỏ qua những cơ hội học tập tốt với chi phí thấp và những trải nghiệm văn hóa thú vị ở nhiều quốc gia Châu Âu khác.
Lợi thế học phí
Nếu như tấm bằng đại học của Mỹ, Anh hoặc Úc tiêu tốn tới vài trăm nghìn USD thì các quốc gia khác ở Châu Âu có thể mang lại cho các bạn một môi trường giáo dục không kém phần chất lượng song với giá rẻ hơn hàng chục lần. Với chính sách hỗ trợ giáo dục từ Chính Phủ, học phí các trường đại học ở nhiều nước Châu Âu chỉ rơi vào khoảng 250-500EUR/năm. Các bạn sinh viên còn được tạo điều kiện làm thêm ngoài giờ và được luật lao động bảo vệ chặt chẽ các quyền lợi. Hiện Châu Âu có khoảng 4000 cơ sở giáo dục bậc cử nhân, cao học và tiến sỹ, trong đó có tới trên 5000 chương trình đạo tạo bằng Tiếng Anh, đặc biệt ở bậc Thạc sỹ. Hơn bao giờ hết, Châu Âu đang mở cửa chào đón và cung cấp cho sinh viên quốc tế một môi trường giáo dục chuyên nghiệp và thích ứng với điều kiện thị trường quốc tế.
Cơ hội học bổng
Không chỉ có du học tự túc, rất nhiều trường đại học Châu Âu cũng đã và đang cung cấp rất nhiều cơ hội học bổng cho sinh viên quốc tế, đặc biệt sinh viên tới từ các nước đang phát triển. Ngoài các chương trình học bổng liên kết giữa các Chính Phủ, các bạn sinh viên còn có thể tự tìm kiếm các nguồn học bổng khác trực tiếp từ các trường đại học, từ Liên minh Châu Âu và từ các tổ chức quốc tế khác. Nếu như chưa có một điểm đến xác định, các bạn có thể truy cập vào các cổng thông tin giáo dục của các nước như www.studyinholland.nl vàwww.academictransfer.nl (Hà Lan); www.campusfrance.org (Pháp); www.daad.de và www.deutschlandstipendium.de (Đức); www.studyinsweden.se (Thụy Điển); www.studyinfindland.fi(Phần Lan); www.ethz.ch (Thụy Sỹ). Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin học bổng thông qua các trang cổng thông tin như http://www.studyineurope.eu/;http://www.mastersportal.eu/; http://scholarship-positions.
Môi trường đa văn hóa
Khác với du học Mỹ, Canada và Úc, Châu Âu mang lại một môi trường học tập đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Từ bất kỳ một quốc gia châu âu nào, chỉ với vài tiếng đồng hồ xe bus hoặc tàu, các bạn du học sinh có thể dễ dàng cảm nhận một màu sắc văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn mới và khác biệt của một quốc gia khác. Châu Âu là cội nguồn của những nền văn minh cổ đại nhất mà những ảnh hưởng của nó chúng ta có thể cảm nhận trong cuộc sống hàng ngày ở Mỹ, Úc hay Canada. Cùng với sự hội nhập kinh tế và văn hóa trong khối liên minh EU, du học sinh ngày nay được sống trong một Châu Âu thống nhất và sôi động song vẫn không mất đi những nét truyền thống riêng của từng nền văn hóa.
Cơ hội học thêm một ngoại ngữ
Dù lựa chọn một chương trình học bằng tiếng Anh hay một ngôn ngữ Châu Âu khác, việc sinh sống và tiếp xúc hàng ngày ở các quốc gia không nói tiếng Anh cũng mang lại một lợi thế cho các bạn sinh viên muốn khám phá và trau dồi một ngoại ngữ thứ hai. Không khó để nhận ra rằng các sinh viên Châu Âu hầu hết đều có thể nói ít nhất 1 ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Đây cũng là một lợi thế cực kỳ quan trọng cho các bạn du học sinh có ý định thử sức với thị trường việc làm sau tốt nghiệp, cho dù là ở Châu Âu, Mỹ hay bất kỳ đâu.
Cần chuẩn bị gì cho Châu Âu?
Nếu lựa chọn một chương trình học bằng tiếng anh, các bạn sinh viên nên chuẩn bị một chứng chỉ IELTS tốt (IELTS phổ biến và được chấp nhận rộng rãi hơn TOEFT ở hầu hết các quốc gia Châu Âu), các thủ tục xin visa (phụ thuộc vào từng quốc gia khác nhau), hạn nộp hồ sơ và kỳ nhập học. Các trường đại học Châu Âu thường chấp nhận hồ sơ từ khoảng tháng 1 tới tháng 5 cho kỳ học bắt đầu vào tháng 9 cùng năm, đối với cả bậc cử nhân và thạc sỹ.
Bên cạnh đó, nếu như hầu hết du học sinh quốc tế có thể dễ dàng bắt nhịp với chương trình giáo dục bậc cao học ở Mỹ, Úc hay Canada, điều này dường như khó khăn hơn đối với các bạn du học sinh muốn sang Châu Âu, đặc biệt nếu chương trình học không được giảng dạy bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu bắt đầu từ bậc đại học, sinh viên quốc tế sẽ có thời gian để trau dồi vốn ngoại ngữ đồng thời hòa nhập sâu sắc với hệ thống giáo dục và văn hóa bản địa trước khi tiến tới việc lựa chọn một ngành học bậc cao học. Việc có trong tay tấm bằng đại học từ nước sở tại cũng là một lợi thế vô cùng lớn trong mắt các nhà tuyển dụng Châu Âu.
Cuối cùng, cho dù lựa chọn du học ở bất kỳ đâu, du học sinh nên dành thời gian tìm hiểu văn hóa, tập tục địa phương và con người ở nơi sẽ theo học, đồng thời trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về lịch sử, hệ thống kinh tế và chính trị Châu Âu nói chung và quốc gia sẽ theo học nói riêng.
Huyền Trang