Rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp gặp khó khăn và thất bại. Không ít trong số đó đã nản chí và khủng hoảng. Vậy làm sao đối mặt với thất bại khi khởi nghiệp, bài viết sau xin được đưa ra vài lời khuyên hữu ích.
Trao đổi với các bạn trẻ freelancerviet.vn tối ngày 24.04.2015 tại Solunoit, chị Phạm Thị Mỹ Lệ đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp quý báu trong đó có kinh nghiệm về đối mặt với thất bại trong khởi nghiệp.
Theo chị, việc thành bại trong cuộc đời là rất bình thường, đặc biệt là khi khởi nghiệp. Cá nhân chị cũng đã từng thất bại nặng nề nhiều lần mới rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. “Điều quan trọng là các bạn phải biết rút ra bài học, vững tâm lý khi thất bại để chuẩn bị cho những điều ở phía trước” chị Lệ chia sẻ.
Nhiều người rất hào hứng khi khởi nghiệp nhưng khi thất bại lại phản ứng rất tiêu cực với đối tác, người cùng sáng lập hay những bạn làm cùng mình. Đấy là một phản ứng không hề hay đối với thất bại. Có những phản ứng tiêu cực đến mức người đó đánh mất danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình khiến cho về sau không còn ai muốn hợp tác, làm việc cùng họ.
“Khi thất bại bạn có thể đánh mất của cải, công sức, thời gian nhưng tuyệt đối không được đánh mất nhân phẩm.” chị Lệ chia sẻ.
Tâm lý khi bị thất bại ban đầu vô cùng nặng nề, bạn có thể không chấp nhận nổi nó.Khi bạn sẵn sàng đối mặt với thất bại đó là lúc bạn sẵn sàng cho sự thành công. Sáu giai đoạn tâm lý sau đây là kinh nghiệm của những người đã thất bại trong khởi nghiệp mà gần như ai cũng trải qua:
1 Sốc và bất ngờ
2 Không chấp nhận thất bại
3 Nóng giận và đổ lỗi
4 Suy sụp tinh thần
5 Chấp nhận thất bại
6 Nhận thức vấn đề và thay đổi
Chị Phạm Thị Mỹ Lệ tốt nghiệp khoa Anh Văn, Trường ĐH Sư Phạm Huế. Từ năm 1998 đến 2001, không theo nghiệp đứng lớp, chị làm việc cho tập đoàn Akzo Nobel, quản lí kinh doanh và tiếp thị khu vực miền Trung và Nam Việt Nam. Vào năm 2001, chịbắt đầu làm việc cho Le & Associates với vai trò Giám đốc điều hành và trở thành Chủ tịch Cty vào năm 2009.