Mình đã từng bày tỏ quan điểm là mình sẽ mua điện thoại Bphone của BKAV. Đã có nhiều lí do được mọi người đưa ra để ủng hộ cũng như phản bác việc mua chiếc điện thoại này, mình chỉ xin kể 1 câu chuyện nhỏ có thật của mình, qua đó có thể bạn sẽ hiểu hơn phần nào lí do mình lại tỏ ra “nhất quyết” như vậy.
Gần đây khi mình đi học, tại 1 buổi học khi cô giáo đang nói về các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới, tình cờ có nhắc đến các hãng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) như Apple, Samsung. Cô giáo hỏi qua cả lớp về trụ sở, các mặt hàng chính cũng như chuỗi cung ứng của các công ty này. Khi nhắc đến Samsung, cô giáo (người Nhật) có nói hiện phần lớn các sản phẩm của Samsung đều gia công, lắp ráp tại Trung Quốc. Ngay lập tức như một phản xạ, mình định lên tiếng “chữa” thông tin này của cô giáo: thực tế thì 50% sản phẩm của Samsung hiện được cho lắp ráp tại Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc (ai chưa rõ có thể xem thêm tại đây: http://www.businesskorea.co.kr/article/8785/samsung-made-vietnam-50-samsung-mobile-phones-made-vietnam). Nhưng cũng lại trong 1 tích tắc, mình lại nghĩ: “Gượm đã. Thực sự thì điều này…có đáng để khoe ra như vậy không?”. Những đứa Hàn Quốc trong lớp sẽ nghĩ gì khi mình phải cố bon chen để giành cái suất làm “công nhân chính” cho nó? Lúc này nếu bạn là mình, bạn cảm thấy thế nào? Mình thì cảm thấy hơi cay đắng xíu xịu, vậy là lại thôi…
Sau khi bàn tán chán chê về Iphone, Samsung các kiểu, bỗng dưng cô giáo hỏi:
– À mà Trung Quốc mới đây cũng có một sản phẩm smartphone rất nổi phải không, tôi có đọc được một bài báo về điều này?
Mấy bạn TQ trong lớp liền lao xao:
– Đúng rồi cô, là điện thoại Xiaomi. Đây là dòng smartphone giá rẻ do TQ sản xuất.
5′ tiếp theo đó, lớp bỗng nhiên được “phổ cập” thông tin về dòng đt này, cô giáo cũng hỏi han thêm vài câu. Thật sự thì đây cũng là lần đầu tiên mình nghe nói về dòng điện thoại có cái tên Tiểu Mễ này. Đây đó có vài bạn bắt đầu google xem nó là cái gì, công ty này như thế nào…
Một vài suy nghĩ của mình sau câu chuyện nhỏ này:
1. Đối với người ở các nước lớn, họ không có khái niệm gì về ngành công nghiệp của Việt Nam. Họ vẫn nghĩ VN là cái xứ xa xôi, nghèo nàn lạc hậu ở đâu đó, đến mức để lắp ráp một sản phẩm công nghệ, chắc là…chưa đủ trình. Thực tế là sau đó mình có hỏi chính 1 người bạn HQ mà bạn cũng ko hề biết là Samsung có nhà máy tại Việt Nam. Vậy thì việc VN tự sản xuất được 1 smartphone, có đáng được chúng ta khuyến khích không?
2. Nhìn rộng một chút, các quốc gia sở hữu những thương hiệu lớn kể trên là ai: đó là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Họ đều là những cường quốc trong khối G20 – liên minh các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không cần phải nói nhiều thì ai cũng hiểu độ chênh lệch quá lớn về khả năng tài chính, nhân lực và ti tỉ thứ khác giữa ta và họ. Vậy nên có cần khắt khe quá cho một sản phẩm của một quốc gia vẫn “đang phát triển”, vẫn là một nước nông nghiệp?
Cách đây vài năm, VTV có đưa thông tin: “lợi nhuận bán 3 tấn gạo của Việt Nam mới đúng bằng lợi nhuận bán 1 chiếc Iphone 5 của Apple”. Con số so sánh đó nghe giật mình, nhưng cũng có thể có người cho rằng đây là sự so sánh khập khiễng, ai lại đi so sản phẩm nông nghiệp và 1 sản phẩm công nghệ cao? Có một thực tế là, chính các sản phẩm công nghiệp nhẹ và nông nghiệp hiện đang đem lại nguồn thu xuất khẩu chính và thực chất (vì sao lại có từ này, mời bạn đọc tiếp) cho nước ta. Theo Tổng Cục Thống kê (http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=629&idmid=&ItemID=14219), năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được trên 150 tỷ USD hàng hóa, trong đó chiếm tỉ trọng đứng đầu là nhóm hàng Điện thoại các loại và linh kiện (23,6 tỷ USD), hàng dệt may (20,9), máy ví tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (11,4), giày dép các loại (10,3), hàng hải sản (7,8), máy móc thiết bị (7,3), dầu thô (7,2), gỗ và sản phẩm gỗ (6,2), cà phê (3,5), gạo (2,9)…Đáng ngạc nhiên là nhóm hàng điện thoại cũng như máy vi tính đứng trong top đầu hàng xuất khẩu. Nhưng thực chất phần lớn lợi nhuận xuất khẩu sẽ về túi ai? Chính là những ông lớn Samsung, Intel, Canon…Và xuất khẩu tuy nhiều nhưng ta nhập khẩu linh kiện cho 2 lĩnh vực này cũng không ít. (Có một bài viết phân tích rất rõ chuyện này, bạn có thể xem thêm tại:http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/vef/165302/san-pham-cong-nghe-cua-viet-nam–den-khi-nao-moi-nhat-.html). Sản phẩm gạo ta vừa bàn tới ở trên, khi Việt Nam luôn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, kim ngạch xuất khẩu tuy cao (đối với ta) nhưng so với các mặt hàng công nghệ, cũng chỉ là “con nít”. Nói dài dòng như vậy, chắc bạn cũng hiểu tầm quan trọng của mặt hàng công nghệ cao đối với đất nước là như thế nào rồi. Mình có tự hào khi Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới không? Có chứ, nhưng có lẽ cũng cần bước tiếp…
Một người cũng khá nổi tiếng trên FB mới đây có chia sẻ quan điểm, đại ý rằng: đừng hô hào bán hàng trên lòng yêu nước của dân Việt, hèn lắm, cứ để thị trường quyết định. Mình thì lại có quan điểm khác, mình muốn hỏi anh ta rằng: Lòng yêu nước không dùng lúc này thì còn lúc nào? Không cần phải nói nhiều thì mọi người cũng biết quá rõ về các ví dụ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…họ đã ủng hộ hàng hóa của họ như thế nào và khiến nó lớn mạnh ra sao…đó là một thực tế. Ngay tại Việt Nam, Chính phủ từ năm 2009 cũng đã ban hành cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và vẫn tiếp tục các hoạt động đẩy mạnh cho đến ngày hôm nay (thậm chí có cả website riêng: http://www.tuhaoviet.vn/). Nhưng phải công nhận vế sau anh ta nói là đúng, chắc chắn sự sống còn hay lụi bại của 1 sản phẩm như BPhone để sẽ phụ thuộc vào “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường. Nếu anh làm sản phẩm chất lượng kém, hư hỏng nhanh, quá chậm so với tốc độ phát triển của công nghệ thế giới, thì anh sẽ dần biến mất khỏi thị trường. Nhưng ít nhất, khi họ mở đầu, hãy cho họ một sự ủng hộ, khích lệ về tinh thần cũng như vật chất (bằng cách mua sản phẩm để họ xoay vòng vốn, đầu tư vào R&D…).
Mình hi vọng rằng, nếu mình lâm vào tình huống như ở lớp học kể trên 1 lần nữa, mình có thể rút xoẹt chiếc BPhone ra và nói: “Đây, là smartphone Made in Vietnam!”
~~ Hôm nay tự dưng nổi hứng viết hơi dài, ai mà chịu khó đọc hết thì đúng là bạn tốt hahaha…
Titi Nguyen đang học thạc sĩ Kinh doanh quốc tế tại The University of Melbourne
Xem bài gốc tại đây.