Vào một ngày cuối năm 1993, một người Mỹ khi đáp máy bay xuống Nội Bài đã “thở gấp và đổ mồ hôi hột như thể thấy mình sắp bị bắt”
Đó là Christopher W. Runckel. Nhưng cảm giác đó trôi qua nhanh vì cựu binh này đến VN gần 20 năm sau chiến tranh với một sứ mạng hòa bình: dọn đường cho mối bang giao Việt – Mỹ. Tuổi Trẻ xin giới thiệu loạt bài của ông, với tư cách nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên được cử đến VN sau chiến tranh.
Vào đầu năm 1992, Joanne Jenkins, giám đốc Vụ Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, liên hệ với tôi và hỏi liệu có muốn nhận “ấn tiên phong” trong việc hoạch định và thực hiện việc mở văn phòng ngoại giao tại Hà Nội.
Tôi được cho biết rằng điều này đòi hỏi tôi phải học tiếng Việt ở Mỹ. Sau đó Vụ Đông Á cũng đồng ý mở rộng khóa đào tạo ngôn ngữ này cho vợ tôi, Soraya Runckel.
Học lại tiếng Việt
Nhiệm vụ này được coi là “khó” vì cơ sở hạ tầng cho một phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam chưa có gì. Nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng xấu và việc đàm phán với Việt Nam cho đến lúc này vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Tôi được lựa chọn cho vị trí này bởi vì trước đó tôi đã từng mở đại sứ quán Hoa Kỳ tại Suva, Fiji cho Vụ Đông Á và từng làm việc ở nhiều vị trí trong Vụ Đông Á tại Hong Kong, Fiji, Thái Lan (hai lần) và bây giờ là trong một nhiệm vụ lớn ở London.
Vợ tôi, Soraya, và tôi bắt đầu học tiếng Việt trong tháng 8-1992 và hoàn thành vào tháng 6-1993.
Chúng tôi được đào tạo tại Học viện Ngoại giao (FSI) ở Arlington, Virginia với Scot Marciel và vợ anh ta Mae Marciel, Heather Townsend, Eric Luftman và Elise Kleinwacks, những người đã là vợ chồng và đều phục vụ ở nước ngoài. Giáo viên của chúng tôi có ông Trần Đại Độ và bà Nguyễn Lang Hiền.
Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, trầm bổng và rất khó khăn cho nhiều người phương Tây để học và nói tốt. Tôi đã học được một số tiếng Việt trong quân đội nhưng bây giờ phát hiện ra rằng hầu hết những gì tôi nhớ cần phải quên, vì hoặc là phát âm sai hoặc chỉ là tiếng lóng và không thích hợp.
Chúng tôi học sáu giờ một ngày, cộng với hai tiếng đồng hồ trong phòng thực hành hoặc bên ngoài và dành 2 – 3 giờ mỗi ngày làm bài tập về nhà. Soraya và Mae học chăm chỉ nhất và luôn luôn đứng đầu lớp, họ dường như có nhiều năng khiếu cho các ngôn ngữ. Scot và tôi phải nỗ lực rất lớn và sự kiên trì đã giúp tôi đạt được trình độ tiếng Việt đủ để giao tiếp.
Tôi chưa bao giờ phát âm tốt như nhiều người khác nhưng tôi có một bộ não có thể nhanh chóng hiểu được những gì người khác nói ngay cả khi không nghe được một vài từ. Do vậy, kỹ năng nghe hiểu của tôi tốt hơn hầu hết mọi người.
Điều này thật sự đã giúp tôi rất nhiều khi chúng tôi đến Việt Nam và bắt đầu gặp gỡ nhiều người khác nhau ở những địa điểm ồn ào như các bữa tiệc cocktail, nhà máy, trên đường phố và đặc biệt với những người từ miền Trung Việt Nam và các khu vực khác, vì họ thường có giọng nhấn rõ rệt và tiếng địa phương mà nhiều người khác thấy rất khó hiểu.
Những người đầu tiên
Trong suốt năm 1993, Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành các bước cần thiết trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong tháng giêng và tháng 2 Ủy ban POW/MIA tiếp tục họp bàn.
Vào tháng 4, một đoàn đại biểu của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ do cựu ngoại trưởng Edmund Muskie dẫn đầu đến thăm Việt Nam và đề nghị chấm dứt lệnh cấm vận.
Ngày 2-7, Mỹ mở đường cho việc nối lại các khoản vay quốc tế từ cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam… Chúng tôi hoàn thành khóa đào tạo tiếng Việt vào tháng 6-1993. Đàm phán với Việt Nam không tiến triển nhanh lắm vào thời điểm này.
Tuy nhiên, văn phòng biết rằng tôi đã có kinh nghiệm đáng kể với các chuyến thăm của tổng thống. Vì vậy họ đã tạm thời tách tôi ra khỏi Việt Nam vì tổng thống Clinton và đại diện của Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị APEC lần đầu tiên gồm các nhà lãnh đạo diễn ra ở Seattle.
Tôi lần đầu tiên được gửi đến Seattle để gặp thống đốc, thị trưởng thành phố Seattle và Ủy ban tiếp tân APEC Seattle.
Ngày 10-8-1993 trong khi tôi đang ở Seattle chuẩn bị cho hội nghị lãnh đạo APEC đầu tiên, Scot Marciel bắt đầu chuyến đi với nhiệm vụ tạm thời tới Hà Nội. Scot sẽ hỗ trợ cho Lực lượng công tác hỗn hợp, trợ giúp thủ tục lãnh sự cho công dân Mỹ và các nhiệm vụ không liên quan MIA. Scot được điều về phòng chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok làm việc như một “quan sát viên Việt Nam”.
Ngày 13-8-1993, Eric Luftman và Elise Kleinwacks tham gia với Scot. Từ thời điểm này, ông Phạm Văn Dũng và một tài xế (ông Tiến) – người làm việc tại đội khách hàng quốc tế của Xí nghiệp xe V75, Bộ Ngoại giao Việt Nam – đã sử dụng xe hơi cho thuê và hỗ trợ các nhân viên làm nhiệm vụ tạm thời khi họ đến Hà Nội.
Scot, Eric và Elise làm việc ở biệt đội 2, trực thuộc Lực lượng công tác hỗn hợp tại Hà Nội, được thành lập vào năm 1992. Tại thời điểm này, đây là văn phòng đại diện duy nhất của Mỹ tại Việt Nam luôn có người làm việc. Văn phòng MIA đặt tại số 8 phố Đốc Ngữ. Cơ sở này gồm một căn nhà hai tầng ở phía trong khuôn viên dinh thự.
Tại thời điểm tôi đến, chuẩn tướng Thomas Needham, sĩ quan phụ trách chương trình POW/MIA, đang ở Việt Nam thực hiện một chuyến thăm hằng năm và chúng tôi gặp nhau trong bữa ăn trưa tại Lực lượng công tác hỗn hợp.
Hoạt động tại Hà Nội được giám sát vào thời điểm này bởi trung tá John Cray và chúng tôi làm việc với David Nguyễn, Keith Gary Flanagan và vài nhân viên văn phòng. Trong những ngày đầu, vấn đề POW/MIA là tiêu điểm chính không chỉ của Lực lượng công tác hỗn hợp mà còn của văn phòng Bộ Ngoại giao.
Thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ John Kerry (hiện là ngoại trưởng Mỹ) cùng với các thượng nghị sĩ, dân biểu và các quan chức Mỹ khác thường viếng thăm Hà Nội để bàn với Việt Nam về vấn đề này.
Thái Lan là nơi tôi gặp Soraya Vallibhakara và cưới cô ấy làm vợ. Tôi gặp Soraya vào ngày đầu tiên cô ấy đến xin việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok. Lúc đó tôi là bí thư thứ hai và là lần thứ ba lãnh nhiệm vụ hải ngoại. Tôi đang vội bước ra ngoài để dự một cuộc họp và nhìn thấy cô gái xinh đẹp này ở hành lang. Cô hỏi phòng nhân sự ở đâu. Mặc dù nó chỉ ở ngay phía đối diện và tôi đang trễ giờ họp, nhưng tôi đáp: “Tôi rất sẵn lòng đưa cô đi, chính tôi cũng đang đến đó”. Tôi nắm ngay cơ hội trò chuyện với cô ấy trên quãng đi bộ ngắn và sau đó xin số điện thoại… Tôi phải mất hai năm dài thuyết phục cha mẹ cô ấy rằng tôi sẽ đưa Soraya ra khỏi Thái Lan và sẽ là người chồng tốt. Thế rồi chúng tôi cưới nhau vào đầu nhiệm kỳ thứ hai (1984 – 1988) của tôi tại Thái Lan và một năm sau con trai Charles của chúng tôi ra đời. |
Theo báo Tuổi trẻ.
Xem bài gốc tại đây.