Trong buổi tổng kết năm đầu tiên Chương trình Thắp sáng Khát vọng Việt năm 2015.
Đối thoại bàn tròn nằm trong buổi lễ tổng kết là nơi anh Trương Phạm Hoài Chung và các bạn thành công trong việc du học trong năm năm nay chia sẻ và giải đáp thắc mắc về quá trình chuẩn bị hồ sơ du học cũng như việc chuẩn bị cho hành trang tiếp theo.
Anh Trương Phạm Hoài Chung, người vừa được trúng tuyển chương trình Thạc sĩ Giáo dục của Đại Học Harvard chia sẻ rất nhiều người hỏi anh về việc muốn đi du học thì bắt đầu từ đâu? Anh cho biết, hãy luôn bắt đầu bằng Tiếng Anh, đây là điều kiện tiên quyết mà bạn phải đạt được. Bạn đã có IELTS hay TOEFL hay chưa? Nếu câu trả lời là có, hãy liên hệ với Khắp sáng Khát vọng Việt để được hướng dẫn các bước làm hồ sơ và đặc biệt chương trình sẽ tìm kiếm và giới thiệu mentor cho bạn. Mentor ở đây sẽ là người du học trước bạn có cùng ngành và phù hợp tính cách của bạn. Mentor là nguồn tài nguyên quan trọng và hữu ích cho hồ sơ xin học bổng của bạn vì mentor sẵn sàng chỉ ra lỗi nhỏ từ bài luận của bạn cũng như cho bạn những lời khuyên bổ ích.
Bên cạnh đó, khi được hỏi về du học sinh Việt Nam có lợi thế và khuyết điểm gì, anh Chung đã thẳng thắn trả lời lợi thế du học sinh Việt Nam là rất siêng năng. Do chúng ta được học tập và rèn luyện trong môi trường học tập có cường độ rất cao từ bé nên chúng ta rất chăm chỉ, “giỏi cày cuốc”. Tuy nhiên, “cày cuốc” kiểu Việt Nam sẽ “không có đất dụng võ” trong môi trường học tập ở nước ngoài. Học sinh, sinh viên Việt Nam rất giỏi việc học thuộc lòng nhưng cách thức học tập nước ngoài rất khác. Trong cơ cấu tính điểm thường dành 20% điểm số cho phần nói, các sinh viên xoay vòng phát biểu ý kiến của mình cho giáo sư hướng dẫn. Việc phát biểu rất tự nhiên, không cần phải giơ tay mà đi theo lần lượt. Anh Chung nhận thấy sinh viên nước ngoài đặc biệt sinh viên bản xứ họ đọc rất nhiều và có lối tư duy cực khác biệt với sinh viên Việt Nam. Vì thế, ngay từ bây giờ hãy đọc các sách nghị luận chuyên ngành mình quan tâm của các giáo sư nổi tiếng trong ngành.
Thêm vào đó, tư duy phản biện, ở đây phản biện chứ không phải là “hạ bệ” hay “dìm hàng” quan điểm của người khác. Tập phản biện bằng cách nhìn nhận sự việc theo nhiều khía cạnh và nêu lên quan điểm bản thân từ góc nhìn khác chứ không phải phủ nhận quan điểm người khác. Đây là điều mà sinh viên nước ngoài làm rất tốt mà du học sinh Việt Nam cần lưu tâm học hỏi.
Anh Chung còn cho biết thêm việc va chạm nhiều luồng văn hóa khi đi du học là điều hiển nhiên, vì thế phải luôn giữ tinh thần cởi mở. Nếu có thể, hãy luôn nhớ có 4 nhóm bạn mà du học sinh Việt Nam nên có khi đi du học.
- Nhóm một là nhóm các du học sinh quốc tế, có thể du học sinh Việt Nam hoặc đến từ các nước khác đều được và sẽ rất tuyệt nếu đó là nhóm những bạn gái thích nấu nướng.
- Nhóm thứ hai là nhóm sinh viên người bản xứ, bạn sẽ cải thiện ngoại ngữ nhanh chóng và thích nghi văn hóa bản xứ dễ dàng hơn.
- Nhóm thứ ba là nhóm các bạn cùng chí hướng, đây là bước đệm để bạn có thể bắt đầu thực hiện ước mơ ngay sau khi ra trường ,vì bạn sẽ không bao giờ thực hiện được điều này nếu chỉ có một mình.
- Nhóm thứ tư là nhóm bạn “giáo sư”thân thiện, cởi mở luôn sẵn sàng ăn trưa cùng bạn cũng như giải đáp mọi thắc mắc của bạn, các giáo sư hướng dẫn còn giúp bạn mở rộng mối quan hệ cũng như giúp đỡ nếu như bạn có ý định học tiếp lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Thế Du còn bổ sung thêm một nhóm bạn thứ năm mà các bạn du học sinh Việt Nam đi du học Mỹ nên có chính là Hội Sinh viên Việt Nam tại Mỹ. Đây là nơi có đến 17 ngàn du học sinh Việt Nam, vì thế các bạn sẽ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía và về nhiều mặt
Nguyên Lê