Bạn đã từng băn khoăn về niềm đam mê của mình? Làm thế nào để biết đâu là đam mê và theo đuổi nó? Bài viết dưới đây của Cal Newport sẽ chia sẻ với bạn một góc nhìn khác về đam mê.
Mùa xuân năm 2004, khi còn là sinh viên năm cuối, tôi phải đối mặt với một quyết định khó khăn về sự nghiệp tương lai của mình. Tôi nhận được lời mời làm việc từ Microsoft và thư chấp nhận từ chương trình tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Massachusetts (M.I.T). Tôi cũng vừa mới nộp bản thảo quyển sách đầu tay của mình. Việc này có thể mở ra một lựa chọn mới cho tôi đó là trở thành nhà văn toàn thời gian. Đây là ba con đường sự nghiệp hoàn toàn khác nhau, và tôi cần phải chọn một con đường phù hợp với tôi.
Đối với một nhóm nhỏ, thì lời khuyên này khá hợp lý, vì họ đã có một niềm đam mê rất rõ ràng. Có lẽ họ đã luôn muốn trở thành bác sĩ, nhà văn, nhạc sĩ…, và họ không thể nghĩ ra mình sẽ làm nghề gì khác ngoài niềm đam mê này.Đối với bạn bè tôi, lựa chọn này chắc chắn chứa đầy nỗi lo âu băn khoăn trong đó. Từ khi bé cho đến trưởng thành, chúng tôi được nghe các chuyên gia tư vấn, các quyển sách định hướng nghề nghiệp, và các phương tiện truyền thông bảo rằng hãy “đi theo đam mê của bạn.” Lời khuyên này giả định rằng mỗi người chúng tôi đều có sẵn một đam mê đã tồn tại từ trước và đang chờ đợi chúng tôi khám phá. Nếu chúng tôi có đủ can đảm tìm ra niềm đam mê này và biến nó thành sự nghiệp của mình, thì cuối cùng chúng tôi sẽ được hạnh phúc. Nếu chúng tôi thiếu can đảm, chúng tôi sẽ làm một công việc chán chường và không hề thấy mãn nguyện.
Nhưng triết lý này lại đặt một gánh nặng rất lớn lên vai những người còn lại như chúng tôi – và nó đòi hỏi một quá trình cân nhắc rất lâu. Nếu chúng tôi không cẩn thận, chúng tôi có thể để lỡ mất đam mê thật sự của mình. Và kể cả khi chúng tôi đã ra quyết định, chúng tôi vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Mỗi khi công việc của chúng tôi trở nên khó khăn, chúng tôi bị đẩy vào tình trạng khủng hoảng, và mọi thứ bắt đầu xoay quanh câu hỏi khó tìm được lời giải đáp sau: “Đây thật sự có phải là công việc mà mình muốn làm?” Nỗi nghi ngờ dai dẳng này tạo nên cảm giác băn khoăn, lo lắng kèm theo việc nhảy cóc công việc liên tục.
Trong quá trình cân nhắc các lựa chọn của mình, tôi đã biết đến lời khuyên “theo đuổi đam mê” này và các đòi hỏi của nó, nhưng tôi lựa chọn lờ nó đi. Có một triết lý khác về sự nghiệp thúc đẩy tôi hơn, và nó được dựa trên tiền đề đơn giản sau đây: Những đặc điểm dẫn dắt con người đến việc yêu thích công việc của mình đều rất chung chung và chẳng liên quan gì nhiều đến đặc thù của một công việc. Những đặc điểm này bao gồm cảm giác được tự chủ, cảm giác mình làm tốt cái mình đang làm, và đang có tác động đến thế giới này. Các nghiên cứu từ những thế kỷ qua đối với động lực trong công việc đã chứng minh điều này. (Quyển sách “Động lực 3.0” của Daniel Pink nói khá rõ về chủ đề này.)
Những đặc điểm này có thể được tìm thấy ở rất nhiều công việc, nhưng những đặc điểm này không tự nhiên mà có, bạn phải giành được nó. Xây dựng các kỹ năng giá trị thật sự rất khó và tốn nhiều thời gian. Đối với một người được giao nhận một vị trí mới, câu hỏi đúng không phải là: “Công việc này cho tôi cái gì?” mà phải là “Tôi tạo ra giá trị gì cho công việc này?”
Quay lại câu chuyện của tôi, sau khi cân nhắc thì tôi quyết định lựa chọn M.I.T. Tin tưởng vào triết lý nghề nghiệp của mình, tôi tự tin rằng cả ba lựa chọn sự nghiệp của mình có thể được chuyển đổi thành một nguồn đam mê, và sự tự tin này giải phóng tôi khỏi nỗi sợ mình đã lựa chọn sai lầm. Cuối cùng tôi lựa chọn M.I.T, chủ yếu là vì tôi thích bờ Đông hơn, nhưng thật ra tôi cũng hoàn toàn có thể thấy hạnh phúc nếu chọn trụ sở Microsoft tại Seattle. Hay sau khi xuất bản quyển sách đầu tay của mình, tôi cũng đã có thể tìm một thị trấn yên tĩnh để viết lách.
Trong suốt năm đầu tiên, tôi thật sự không cảm nhận được cảm giác rằng mình đã tìm thấy đam mê thật sự của mình. Giai đoạn đầu của quá trình đào tạo tiến sĩ rất khó khăn. Bạn chưa đủ khả năng để đóng góp vào các công trình nghiên cứu, và điều này thật sự rất khó chịu. Và tại một nơi như M.I.T, xung quanh bạn toàn là những kẻ kiệt xuất, khiến cho bạn phải tự hỏi liệu mình có thuộc về nơi này không?
Giả như mà tôi đã tin vào triết lý “theo đuổi đam mê của bạn”, có lẽ tôi đã bỏ ngang trong năm đầu tiên, vì nỗi lo rằng tôi sẽ không thấy cảm giác yêu công việc của mình mỗi ngày.Nhưng tôi biết rằng cảm giác mãn nguyện của mình sẽ lớn dần theo thời gian khi tôi trở nên giỏi hơn trong công việc của mình. Vì thế tôi đã làm việc rất chăm chỉ, và khi khả năng của tôi tăng lên, sự hứng thú của tôi cũng tăng lên.
Ngày hôm nay, tôi đã là một giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Georgetown, và tôi yêu công việc của mình. Bài học quan trọng nhất mà tôi rút ra được từ kinh nghiệm của mình đó là, tình yêu này của tôi chẳng liên quan gì đến việc xác định từ những ngày đầu rằng liệu tôi có được trời định sẽ trở thành một giáo sư hay không. Chẳng có gì đặc biệt trong việc lựa chọn con đường sự nghiệp này của tôi cả. Cái quan trọng là những gì tôi đã làm sau khi tôi lựa chọn quyết định này.
Gửi đến các bạn trẻ, những người luôn hồ nghi rằng không biết liệu công việc kia (thay vì công việc bạn đang làm) có phải là đam mê của mình hay không, thì tôi cho bạn lời khuyên này:
Đam mê không phải là thứ gì đó mà bạn theo đuổi. Nó là thứ sẽ theo đuổi bạn khi bạn nỗ lực hết sức mình, làm việc chăm chỉ để trở thành một người có giá trị với thế giới này.
Theo Ybox.
Xem bài gốc tại đây.