Các nhà lãnh đạo thành công nhất trên thế giới có một điểm chung: Họ có cách nghĩ không giống với bất cứ ai.
Trong cuốn sách bán chạy của mình có tựa đề How Successful People Think (tạm dịch: Cách tư duy của những người thành công), chuyên gia hàng đầu về lãnh đạo John C. Maxwell đã đưa ra những bí quyết để “tư duy hiệu quả”.
“Nếu bạn có thể xây dựng nguyên tắc tư duy tốt và thực thi nguyên tắc ấy như một thói quen lâu dài thì bạn sẽ thành công và là người hiệu quả trong suốt cuộc đời mình”, tác giả viết. Maxwelll tổng hợp cách tư duy khác biệt của những nhà lãnh đạo thành công như sau:
1. Xem tư duy là một kỷ luật
“Nếu bạn muốn tư duy tốt, bạn phải tập trung dành thời gian để làm điều đó”, Maxwell khuyên.
Chẳng hạn, Jeff Weiner, CEO của LinkedIn thường dành ra những khoảng thời gian 30 – 90 phút “không làm gì cả” trong lịch làm việc hằng ngày của mình. Đó là những khoảng thời gian cá nhân mà Weiner dùng để tư duy, suy ngẫm về mọi việc hoặc để huấn luyện, kèm cặp nhân viên.
Ron Shaich, CEO của Panera Bread, cũng dành ra một khoảng thời gian cuối năm để nhìn lại tiến triển công việc trong quá khứ và viết ra những ý tưởng cho tương lai.
2. Xác định những nơi tập trung sức lực
Maxwell khuyên các nhà lãnh đạo nên vận dụng nguyên tắc 80/20, có nghĩa là tập trung 80% nỗ lực, công sức vào 20% hoạt động quan trọng nhất. Nên nhớ rằng nhà lãnh đạo không thể đi khắp mọi nơi, biết tất cả mọi người và làm tất cả mọi việc.
Maxwell cũng khuyên các nhà lãnh đạo nên tránh làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking) vì điều đó sẽ làm cho họ giảm hiệu quả làm việc đến 40%.
3. Tiếp cận nhiều ý tưởng mới và nhiều loại người khác nhau
Theo Maxwell, những người thành công rất chọn lọc trong việc sử dụng thời gian và thường dành phần lớn thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc những người thách thức mình. Bởi lẽ thông qua những cuộc trò chuyện, những lần tiếp xúc, các nhà lãnh đạo có thể sơ đoán và nắm bắt được xu hướng tâm lý của đối phương để từ đó đề ra những phương án đàm phán, thương lượng, trao đổi thích hợp. Việc nắm bắt được tâm lý của nhiều loại người khác nhau là một lợi thế cho các nhà lãnh đạo trên bước đường ngoại giao, tuyển dụng- điều hành- quản lý nhân sự và thương lượng với đối tác.
4. Không chỉ đưa ra ý tưởng mà còn thực thi nó
“Ý tưởng có một vòng đời rất ngắn. Bạn phải thực thi một ý tưởng trước khi nó hết hạn”, Maxwell viết.
Đừng chờ đợi ai đó hiểu và giúp bạn thực thi ý tưởng trước khi bạn bắt tay vào việc tìm ý tưởng, thai nghén chúng, xử lý nội dung được đề xuất trên một bản kế hoạch hoàn chỉnh. Thay vì bạn đi thuyết trình về ý tưởng của mình với sếp của bạn hoặc đối tác kinh doanh hoặc lý thuyết hóa chúng trên văn bản, giấy tờ, bạn hãy tự bản thân tìm câu trả lời cho tính ứng dụng của nó thông qua những lần thực nghiệm. Thực hành chính là cách nhanh nhất và ngắn nhất đưa bạn đến với thành công.
5. Hiểu rằng cần thời gian để phát triển các ý tưởng
Bạn có thể nảy ra một ý tưởng vào lúc nửa đêm nhưng đến sáng hôm sau lại cảm thấy đó là một ý tưởng không bình thường.
Maxwell cho rằng các ý tưởng cần phải được hình thành cho đến khi chúng có đủ cơ sở để tồn tại và cần phải trải qua sự “kiểm nghiệm và nghi vấn”. Không nên vội vàng đưa ra kết luận về một ý tưởng mới nảy ra trong đầu bạn.
6. Hợp tác với những người thông minh
Suy nghĩ cùng với người khác thường đem lại nhiều kết quả hơn. Đó là cách tạo cho mình một con đường tắt để có những ý tưởng sáng tạo và mới mẻ. Đó cũng là lý do vì sao việc tư duy hội ý (brainstorming) thường có hiệu quả hơn.
7. Từ bỏ lối tư duy thông thường
Theo Maxwell, tư duy thông thường cũng có nghĩa là không hề tư duy gì cả. Khi từ bỏ lối tư duy thông thường, bạn sẽ có cảm giác không thoải mái.
Một số doanh nhân thành công nhất thế giới (trong đó có Ingvar Kamprad – nhà sáng lập của IKEA) là những người có tính cách khó thỏa hiệp. Họ không quan tâm nhiều về cách người khác nghĩ về mình.
8. Hoạch định công việc trước nhưng linh hoạt trong triển khai thực hiện
Khi tư duy một cách chiến lược, nhà lãnh đạo sẽ giảm được sai sót. Nếu chỉ có những ý tưởng mơ hồ về hiện trạng và đích đến mong muốn của mình, nhà lãnh đạo sẽ chẳng thể đưa tổ chức của mình đi đến đâu.
Maxwell đưa ra những nguyên tắc sau để tư duy chiến lược:
– Phân tích vấn đề thành nhiều chi tiết nhỏ
– Tìm hiểu lý do vì sao cần phải giải quyết vấn đề
– Nhận diện các vấn đề chính
– Đánh giá lại các nguồn lực
– Phân bổ nguồn nhân lực giải quyết vấn đề
Henry Ford đã từng nói: “Không có việc gì quá khó nếu anh phân tích nó thành những phần nhỏ”.
9. Không chỉ tư duy khác biệt mà còn hành động khác biệt
Maxwell khuyên các nhà lãnh đạo hãy thử nghiệm những cách làm mới, gặp gỡ những người mới, đọc sách ngay cả khi việc đó có vẻ nhàm chán. “Mục đích là tiếp cận với những ý tưởng mới và những hướng đi mới trong cuộc sống”, tác giả giải thích.
10. Tôn trọng ý kiến của người khác
Không thể cho rằng bạn lúc nào cũng đúng. Những nhà lãnh đạo thành công luôn tạo cơ hội để những người khác đưa ra các ý tưởng của họ.
Steve Jobs, nhà sáng lập của Apple, là một điển hình. Trong cuốnBecoming Steve Jobs (tạm dịch: Trở thành Steve Jobs) hai tác giả Brent Schlender và Rick Tetzeli đã viết về Jobs như sau: “Khi khởi nghiệp, Jobs luôn cho rằng cách làm của mình là tốt nhất. Nhiều năm sau đó, khi đã có đủ tự tin, Jobs bắt đầu lắng nghe các cộng sự của mình và công nhận thế giới tự nhiên xung quanh mình”.
11. Luôn có lịch trình làm việc
Chẳng hạn, Giám đốc tác nghiệp của Facebook, Sheryl Sandberg luôn mang theo một cuốn sổ tay đến mọi cuộc họp và điểm qua từng mục trong lịch trình làm việc.
Maxwell cũng cho rằng các nhà lãnh đạo tư duy thông minh thường lên kế hoạch các hoạt động trong ngày, trong tuần, tháng và các mục tiêu dài hạn, sau đó nghiêm túc thực hiện tất cả các mục.
12. Không chỉ phản ứng mà còn suy ngẫm
Theo Maxwell, khi nghĩ lại những việc đã làm, nhà lãnh đạo sẽ có cách nhìn tốt hơn về mọi vấn đề và tự tin hơn trong việc đưa ra các quyết định.
13. Suy nghĩ tích cực
Những nhà lãnh đạo thành công không nhìn thấy các giới hạn mà họ luôn nhận ra các khả năng. Họ luôn tư duy theo hướng “tôi sẽ” và “tôi có thể”.
Theo Ybox.
Xem bài gốc tại đây.