Nhân sự kiện tọa đàm về đề tài cuộc sống du học và chuyện làm thêm ở nước ngoài do Student Life Care tổ chức vào chủ nhật, ngày 28/6, Hotcourses đã có dịp phỏng vấn với hai cựu du học sinh Hàn Quốc và Canada về trải nghiệm làm thêm của họ.
Hai bạn có thể chia sẻ về ngành học của bản thân và lí do lựa chọn ngành học/trường học đó ?
Hằng: Lý do khiến mình chọn học tại SolBridge là vì trường mình giống như một ngôi nhà đa văn hóa cực kỳ năng động, phù hợp với tính cách mình. Tất cả các chương trình tại trường đều học bằng tiếng Anh và mình được học cùng với bạn bè và thầy cô từ khắp 5 châu 4 bể. Tất nhiên càng không thể bỏ qua lý do là trường có rất nhiều cơ hội học bổng để thu hút sinh viên quốc tế. Về thành phố Daejeon nơi mình sống thì đây là một trong năm thành phố lớn phát triển nhất của Hàn Quốc, và được biết đến như là một trong những “Thung lũng Silicon” của Châu Á với hơn 200 viện nghiên cứu, 17 trường Đại học và Cao đẳng. Vì nằm ở trung tâm đất nước, giao thông hiện đại, nên việc tham quan du lịch của du học sinh rất thuận tiện. Điều mình thích ở Daejeon đó là đời sống êm đềm, khí hậu ôn hòa và chi phí sinh hoạt rẻ hơn so với thủ đô Seoul.
Giang: Trước khi đi du học, mình có dự định học ngành quảng cáo sáng tạo (creative advertising) nhưng ngành này đòi hỏi đầu vào là kỹ năng về đồ hoạ sẵn có, nên trường đã nhận mình vào học Marketing. Ban đầu mình cũng rất lúng túng, nhưng chính cơ duyên này đã dẫn mình đến với mảng thời trang và quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ (fashion retail management). Trường mình theo học là một trong những trường cao đẳng lớn và có chất lượng ở Toronto. Lý do mình chọn cao đẳng vì học phí rẻ hơn và chương trình học thuần thực hành, có tính ứng dụng cao, thuận lợi cho việc xin việc và ở lại sau khi tốt nghiệp.
Đâu là những công việc làm thêm phổ biến của các du học sinh tại thành phố du học của hai bạn?
Giang: Việc làm thêm phổ biến cho các bạn sinh viên quốc tế ở Canada thường là những công việc như chạy bàn, làm ở quán cafe, làm nail, làm cho nhà hàng và event trong campus, bán hàng, viết blog, chụp ảnh sự kiện… Đối với bản thân mình, qua hai công việc làm móng và viết blog, mình đã có thể tự đóng tiền nhà cũng như tất cả các sinh hoạt phí (đi lại, ăn ở, các hoạt động xã hội) sau bốn tháng đến Canada. Khi đó bố mẹ chỉ đóng tiền học cho mình thôi chứ ko cần phải gửi tiền cho các chi phí khác nữa. Mình thương bố mẹ và cảm thấy rất tự hào về điều này.
Hằng: Sinh viên quốc tế du học tại Hàn Quốc được phép làm thêm 20 giờ/tuần sau khi học xong một học kỳ đầu tiên. Các công việc làm thêm thường bao gồm 2 loại: (1) công việc trong trường và (2) công việc ngòai trường.
Loại (1) thường gồm các việc như trông thư viện, phụ bếp tại nhà ăn/nhà hàng của trường, làm việc tại phòng lab, hay làm trợ giảng/trợ lý cho giáo sư. Thu nhập thường từ 6.000 đến 10.000 Won/giờ (khỏang 5.5 đến 9 USD/giờ). Trường mình còn cung cấp thêm cơ hội làm thêm vào kỳ nghỉ hè hoặc đông như làm điều phối viên cho các đoàn học sinh-sinh viên quốc tế, hoặc làm Nhóm trưởng (Peer Group Leader) trong tuần định hướng cùng các bạn sinh viên mới. Bản thân mình đã từng làm trợ lý cho giáo sư và Peer Group Leader. Công việc nào cũng bổ ích và rèn luyện cho mình các kỹ năng mềm rất đa dạng.
Loại (2) gồm các việc như: phiên dịch viên, dọn dẹp vệ sinh, làm việc tại các xưởng sản xuất, phục vụ nhà hàng/cửa hàng…Thu nhập tương đương với loại (1) nhưng cũng tùy vào từng công việc, ví dụ các bạn giỏi tiếng Hàn đi làm phiên dịch có thể kiếm đến 200.000-400.000 Won/ngày.
Được biết Hằng Kani đã từng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc trong nước trước khi lên đường du học. Vậy thì bạn đã tiếp diễn niềm đam mê nhạc Rap của mình như thế nào trong thời gian ở Hàn?
Thật ra trước khi đi du học, mình đã “từ giã” sân khấu được gần 2 năm để tập trung cho kế hoạch “xuất ngoại”, nhưng đúng là “không ai từ bỏ được Hiphop cả” :). Vào một ngày đẹp trời, anh bạn người Kazakhstan cùng lớp đã mở clip mình diễn từ xưa lên trước màn hình cho cả lớp và giáo sư xem. Thế rồi, được các bạn ủng hộ, mình tiếp tục biểu diễn trong các hoạt động ngoại khóa và sự kiện, ở cả trong lẫn ngoài trường. Thi thoảng, có cảm hứng, mình lại sáng tác và chia sẻ lên Facebook. Mỗi khi nhận được sự yêu mến từ bất kỳ ai, mình luôn nhớ cảm giác lần đầu tiên thử sức với nhạc Rap từ hơn 10 năm về trước. Nói chung, âm nhạc là một phần gắn kết không thể thiếu trong đời sống tinh thần của du học sinh xa nhà.
Còn Hương Giang, bạn có thể chia sẻ về công việc làm thêm đầu đời của mình?
Công việc làm thêm đầu tiên của mình là một công việc rất phổ biến, đó là làm móng. Vì sinh viên quốc tế lúc đó cần khoảng thời gian ít nhất 6 tháng để có thể xin work permit (giấy phép lao động) đi làm nên mình đã dự định đi học nghề trước rồi khi có giấy phép thì có thể hành nghề. Mình khi đó tìm việc trên các báo Việt Nam và may mắn được nhận vào một tiệm rất có uy tín. Cho đến khi tốt nghiệp, mình đã gắn bó với nghề nail gần hai năm. Ban đầu thì đơn thuần học nghề và hành nghề, tiếp nhận khách, trực điện thoại và đặt lịch hẹn cho khách hàng. Về sau mình đã xin cô chủ cho mình được chụp thêm ảnh về nghề này và quản lý trang facebook của cửa hàng (online marketing, email marketing) vì nó sẽ rất có lợi cho kinh nghiệm liên quan đến ngành nghề của mình sau này. Cũng nhờ kinh nghiệm này mà mình được nhận làm thực tập vào chuỗi cửa hàng áo cưới lớn ở Toronto, công việc lúc đó là phụ trách một mảng của online marketing cho công ty, bao gồm quản lý tài khoản twitter và viết blog tumblr. Đây là việc online nên mình làm song song với việc làm nail.
Đến năm 2013 mình đã chuyển thành phố và được nhận vào làm nhân viên cho Banana Republic thuộc công ty mẹ Gap Inc. Công việc bán hàng và tư vấn thời trang ở đây đã mở ra cho mình cơ hội sau khi tốt nghiệp đến với công việc làm quản lý hiện tại.
Song song đó, mình cũng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện của trường cũng như liên quan đến khoá học như chụp ảnh event, gây quỹ cho công ty phi lợi nhuận…
Đối với đất nước Hàn Quốc, theo Hằng thì khả năng tiếng Hàn có phải là yếu tố then chốt để xin việc làm thêm không? Có cơ hội làm thêm nào cho sinh viên sang Hàn du học những chương trình dạy bằng tiếng Anh?
Tiếng Hàn là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết mọi công việc, kể cả là làm thêm hay làm chính thức. Tuy nhiên, tùy vào từng nhà tuyển dụng cũng như yêu cầu công việc mà trình độ tiếng Hàn sẽ được yêu cầu với mức cao hay thấp. Các bạn sang Hàn du học nhưng lại học những chương trình dạy bằng tiếng Anh như mình thì hòan tòan có thể đăng ký các lớp tiếng Hàn tại trường, hoặc bên ngòai, để nâng cao trình độ. Nếu tiếng Hàn chưa tốt thì các bạn có thể làm các công việc trong trường như mình đã nói ở trên.
Được biết Hằng Kani hiện là Quản lý vùng của trường Đại học đang theo học, và Hương Giang là quản lý cửa hàng cho một hãng thời trang phổ biến ở Canada, hai bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về công việc của mình?
Hằng: Sau khi tốt nghiệp, mình may mắn có cơ hội ở lại trường và làm việc tại phòng Hợp tác Quốc tế. Công việc Quản lý vùng (Regional Manager) bao gồm 3 mảng chính: (1) quản lý các hoạt động đối ngoại và dự án hợp tác với các trường Đại học tại Việt Nam, (2) lên kế hoạch và thực hiện chiến lược marketing, tư vấn tuyển sinh (3) tổ chức và điều phối các sự kiện, các chương trình giao lưu văn hóa/học thuật quốc tế. Với đặc điểm là trường quốc tế nên đồng nghiệp trong phòng mình cũng đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo ra môi trường làm việc rất thú vị. Sau gần 2 năm theo đuổi, mình nhận thấy đây là công việc linh hoạt, thường xuyên được dịch chuyển, giao lưu và học hỏi từ nhiều người, và quan trọng là nó khiến mình luôn tươi mới do được tiếp xúc thường xuyên với các bạn học sinh – sinh viên trẻ trung.
Giang: Còn mình hiện đang là Store Manager (quản lý cửa hàng) cho một hãng thời trang khá phổ biến ở Canada. Để lên được đến vị trí quản lý như hiện giờ, chắc chắn những việc làm thêm khi còn đi học đã giúp ích mình rất nhiều. Mình cũng đã xác định rõ mình muốn làm về dịch vụ khách hàng cũng như tư vấn thời trang từ khi còn đi học nên khi tìm việc làm thêm mình cũng chú trọng tìm những công việc liên quan đến mảng này. Tận dụng lợi thế là người Việt, mình được tiếp cận nghề nail dễ dàng, một công việc rất bay bổng và thú vị. Rồi việc quản lý trực tuyến cho một công ty về áo cưới cũng cho mình nhiều kiến thức về thời trang cũng như tâm lý khách hàng. Sau cùng được nhận vào làm bán thời gian cho một công ty nổi tiếng như Banana Republic/Gap là bước đệm quan trọng nhất giúp mình tìm được việc làm toàn thời gian sau khi tốt nghiệp.
Cuối cùng, hai bạn nghĩ như thế nào với những trường hợp lên đường du học chỉ với một khoản tiền đủ để “trụ” lại đất nước sở tại một thời gian 1,2 năm và tin tưởng là “mình có thể tự kiếm việc làm thêm để sống tiếp những năm tháng còn lại” của nhiều bạn trẻ hiện nay? Bạn có lời khuyên gì về việc đi làm thêm thời du học?
Hằng: Ở Hàn Quốc, nếu đi học các chương trình chính khóa tòan thời gian, thì thu nhập làm thêm của bạn thường chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí. Tất nhiên, việc có thể tự mình bươn trải ở nước ngòai hay không phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, năng lực cá nhân và ý chí của mỗi người, nhưng các bạn cũng nên xác định rõ là mình đi “làm thêm” hay là đi “học thêm”, để sắp xếp kế hoạch cho hợp lý. Ngòai ra, nên cân nhắc với những rủi ro rất dễ gặp phải mà ở nhà bạn không lường trước được, ví dụ như ốm đau, bệnh tật, áp lực tâm lý từ học hành thi cử, khác biệt văn hóa… Mình nghĩ phương án tối ưu cho các bạn không dư dả về tài chính là cố gắng kiếm học bổng ít nhất là bán phần, trang bị đầy đủ ngoại ngữ, sức khỏe, kỹ năng, rồi sẽ có cách trang trải các khỏan phí còn lại.
Giang: Về những kinh nghiệm để có thể vừa học, vừa làm, vừa khám phá cuộc sống bản địa, mình chắc chỉ có hai lời khuyên là thu xếp lịch trình hợp lý và cố gắng trở nên đa nhiệm (multi tasking). Mình luôn cố gắng sắp xếp đan xen, đảm bảo vẫn có thời gian làm bài và ôn tập, vẫn có thời gian đi làm đủ để trang trải cuộc sống. Trước thời gian kì thi bận rộn một tháng, mình luôn báo trước với quản lý của mình về lịch ôn thi và mình luôn ưu tiên lịch học để ko xao nhãng việc ôn thi và quản lý cũng biết trước để ko bị ảnh hưởng đến công việc. Mình cũng là người nghiện du lịch và đi chơi nên khi có thời gian rảnh mình đều cũng bạn bè khám phá những địa điểm mới. Cuối tuần mình cũng rất thích đi chụp ảnh lễ hội, đời sống và văn hoá ở Canada. Mình cảm thấy những năm tháng tuổi trẻ sẽ trôi qua rất nhanh, nên cố gắng để vừa là người học tập và làm việc chăm chỉ, vừa cố gắng đi được nhiều nơi, khám phá và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.
Cám ơn hai bạn rất nhiều vì những chia sẻ hữu ích, tràn đầy cảm hứng. Chúc hai bạn mọi điều tốt lành!
Theo Hotcourses
Xem bài gốc tại đây