2h03 phút chiều ngày 11.7.1995 giờ Washington DC tức 1h03 sáng ngày 12.7.1995, đúng 20 năm trước, Tổng thống Mỹ Bill Cliton đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm nay 2 nước Việt Nam và Mỹ có nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện lịch sử này. Nhưng chính trong khi kỷ niệm sự kiện lịch sử chúng ta đang chứng kiến một sự kiện lịch sử khác trong quan hệ giữa hai nước.
Những ngày này, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện chuyến thăm Mỹ lịch sử. Lần đầu tiên người đứng đầu Đảng CSVN thăm Mỹ. Quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước có lẽ đến bây giờ mới có thể nói là hoàn thành khi Mỹ công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, thừa nhận vị trí của Đảng CSVN trong nền chính trị của Việt Nam.
Vào những ngày mà mọi người bình luận nhiều về tầm quan trọng chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta không thể không nhớ lại những trang sử khó khăn của bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và những con người đã đặt nền móng cho quá trình bình thường hóa đó, trong đó trước hết phải kể đến cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Vào cuối những năm 1980, Việt Nam đã trải qua 10 năm chiến tranh biên giới cả phía tây nam lẫn phía bắc. Chiến lược làm cho Việt Nam kiệt quệ (bleed Vietnam white) dường như có phần thành công khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, gần như khủng hoảng vào giữa những năm 1980. Do đó, thoát khỏi bao vây cấm vận và cô lập quốc tế trở thành đòi hỏi tối thượng của đối ngoại Việt Nam trong thời gian này. Bên cạnh việc tìm cách bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, các chiến lược gia Việt Nam cũng phải tính tới cải thiện quan hệ với phương Tây trong đó có việc cải thiện quan hệ với Mỹ.
Là người nhiều năm tham gia đàm phán với Mỹ kết thúc chiến tranh Việt Nam cũng như đàm phán bình thường hóa không thành vào cuối những năm 1970, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một trong số hiếm người Việt hiểu về Mỹ. Cuối những năm 1970 Việt Nam kiên quyết đòi Mỹ bồi thường chiến tranh như một điều kiện để bình thường hóa. Đây là một đòi hỏi không phải là quá khi Mỹ rõ ràng đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, mang lại bao nhiêu đau thương cho Việt Nam và đặc biệt Tổng thống Nixon cũng đã có thư cam kết Mỹ sẽ tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh với hơn 3 tỉ USD. Nhưng chính trị Mỹ là như vậy. Tổng thống có thể cam kết nhưng quyền quyết lại là của quốc hội. Đây là lắt léo của chính trị Mỹ mà người nước ngoài không phải ai cũng hiểu.
Hơn ai hết, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hiểu cần phải lấp đầy sự thiếu hụt trong cách hiểu về Mỹ. Ông cho tăng cường công tác nghiên cứu về Mỹ. Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao trong những năm cuối 1980 trở thành một vụ nghiên cứu mạnh nhất của Bộ Ngoại giao. Những cán bộ ngoại giao đầu tiên của Việt Nam cũng bắt đầu được cử đi Mỹ để học. Đặc biệt, ông hiểu vận động hành lang trong chính trị Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo gợi ý của ông, Đại sứ Sullivan – người từng là đối tác của ông trong đàm phán Geneva về Lào 1962, đàm phán Paris về Việt Nam 1968-1972, và sau này trở thành người bạn thân thiết của ông – đã đứng ra thành lập Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ, quy tụ những người có mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mỹ vào trong một tổ chức. Trong những năm đầu 1990 Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ đã trở thành đầu tàu trong việc kết nối các hoạt động hợp tác đầu tiên giữa hai nước, tổ chức các hội thảo về Việt Nam, các chuyến thăm Việt Nam cho các doanh nghiệp cũng như chính trị gia Mỹ để hiểu hơn về thực tế Việt.
Các thượng nghị sĩ John Kerry, John McCain và nhiều chính trị gia khác đã thăm Việt Nam với sự thu xếp hậu cần của Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ. Đã từng “đào bới” trong núi hồ sơ tư liệu của Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ tôi hiểu rất rõ hoạt động vận động hành lang của Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ có ý nghĩa như thế nào trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và càng thấy rõ hơn tầm nhìn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Nói đến chính trị Mỹ phải nói đến vận động hành lang. Bên cạnh việc quan hệ trực tiếp, đàm phán trực tiếp với chính quyền, vận động hành lang có ý nghĩa thành bại đối với mọi nỗ lực ngoại giao với Mỹ. Từ rất sớm Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã hiểu vấn đề bản chất này của chính trị Mỹ.
Trong nhiều tài liệu của Hội đồng Thương mại Mỹ – Việt gửi đi các nơi người ta đều có thể tìm thấy đánh giá của hội đồng về tương lai chính trị xán lạn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Hội đồng có nhiều đánh giá đúng nhưng đánh giá này của hội đồng đã không đúng. Vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, nếu Việt Nam thiếu hiểu biết về Mỹ thì ngược lại Mỹ cũng thiếu hiểu biết về Việt Nam.
Tại Đại hội 7 của Đảng tháng 6.1991, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã không được giới thiệu tái cử vào Trung ương và ngay tháng sau ông đã được miễn nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đâu đó cũng vào thời gian này ông bị gắn với cái tên “ông Mỹ”. Thực ra, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hiểu cần phải thoát khỏi cô lập, cần phải mở không chỉ quan hệ với Mỹ mà cả với Trung Quốc.
Trong suốt cuối những năm 1980 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhưng không mang lại kết quả mong muốn. Giống như bất cứ điệu nhẩy nào cũng phải có đôi, sáng kiến, nỗ lực một phía không thể đưa lại kết quả.
Sau khi được miễn nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch không còn có thể đóng góp trực tiếp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhưng tôi vẫn ấn tượng với bức ảnh được xem ở đâu đó ông có phần lẻ loi đứng dưới làn mưa lất phất đón chào sự kiện Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận với Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước vào ngày 3.2.1994.
Khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mất tháng 4.1998, trong điện chia buồn với bà Phan Thị Phúc quả phụ của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Đại sứ Sullivan nhấn mạnh: “Tôi luôn nghĩ rằng kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ – Việt Nam là tượng đài cho những cống hiến của ông Thạch”. Hôm nay chứng kiến một mốc mới cho quan hệ Việt – Mỹ, tôi nhớ lại đánh giá của ông Sullivan và hoàn toàn đồng ý với ông về điều đó.
Theo báo Lao động
Xem bài gốc tại đây