Trên tinh thần rớt đại học không phải là mất tất cả, bài viết sau mở ra hướng đi mới cho những bạn không may không trúng tuyển đại học trong nước hoặc có ý định đi du học cần được tham khảo.
Thời điểm cuối tháng 7/2015, kết quả kỳ thi tốt nghiệp được công bố rộng rãi, các trường sẽ đồng thời sử dụng điểm số này để xét tuyển thí sinh. Với những bạn đậu Đại học, một trang mới nhiều màu sắc của cuộc đời sinh viên ở giảng đường đang chờ đón phía trước. Với những bạn kém may mắn hơn, rớt Đại học đồng nghĩa với việc loay hoay nộp hồ sơ vào các trường có nguyện vọng điểm thấp hơn, nhập ngũ, hoặc nộp hồ sơ du học… Vậy nếu bạn muốn nộp hồ sơ xin học bổng du học thì việc rớt đại học có là một điểm trừ cho hồ sơ của bạn không?
“Rớt đại học” không làm “xấu” đi hồ sơ xin học bổng du học
“Hồ sơ nộp đơn du học bao gồm những thành phần quan trọng: Điểm thi bài thi tiếng Anh chuẩn hóa SAT (nếu muốn học Mỹ), TOEFL/IELTS, học bạ, bài luận và các hoạt động ngoại khóa. Việc được trường đại học nước ngoài nhận và cho học bổng phụ thuộc vào chất lượng hồ sơ của ứng viên có đáp ứng được yêu cầu của trường hay không và khả năng hỗ trợ tài chính của trường.
Trên thực tế, Hội đồng tuyển sinh chỉ quan tâm đến các thành phần trong hồ sơ kể trên và con người thực sự của bạn thể hiện qua hồ sơ, tại sao họ phải trao học bổng cho bạn, bạn sẽ đóng góp gì trong thời gian học tập tại trường?” – chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Ly, Phó Giám đốc Học vụ – Trưởng bộ môn IELTS, YOLA. Như vậy, việc rớt Đại học không ảnh hưởng đến hồ sơ xin học bổng du học của bạn, nên hãy yên tâm bắt đầu chặng hành trình lớn hơn nhé.
“Gap year” để trở lại bứt phá hơn
Đã từng có rất nhiều bạn sau khi rớt Đại học Việt Nam vẫn vào được những trường Đại học hàng đầu ở nước ngoài, với những suất học bổng danh giá. Bạn Phương Anh, cựu học viên YOLA, từng rớt Đại học Việt Nam, sau đó được nhận học bổng theo học Đại học Saint John’s, Mỹ năm 2014, chia sẻ bí quyết của mình: “Vì thời điểm biết kết quả thi Đại học Việt Nam và thời điểm nhận hồ sơ của các trường Đại học nước ngoài cách nhau đến khoảng một năm, nên “gap year” (năm nghỉ ngơi) là một lựa chọn tốt để làm mới bản thân, học những điều mới và trải nghiệm cuộc sống.
Và đây cũng sẽ là cơ hội quý giá để bạn chứng minh với các nhà tuyển sinh ở trường Đại học mơ ước của bạn rằng, một năm qua bạn vẫn “học” liên tục và không sống hoài, sống phí”.
1 năm sẽ rất nhanh
Tại các nước phát triển như Nhật, Mỹ, khối Tây Âu, khái niệm một năm nghỉ ngơi trải nghiệm (gap year) là điều rất bình thường. Đa phần các bạn đi làm để hiểu giá trị của lao động, cuộc sống và xác định đam mê của mình hoặc du lịch đó đây để có cái nhìn khái quát về thế giới. Đa phần sau một năm “gap year” các bạn đều tìm thấy những điều vô cùng bổ ích không có trong sách vở.
Nhiều bạn lo lắng rằng sau 1 năm mình sẽ sa sút về kiến thức hoặc thua bạn bè về mặt thời gian sau khi tốt nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, thà đợi một chuyến tàu còn hơn ngồi nhầm chuyến tàu. Vấn đề chọn sai ngành nghề, ra trường thất nghiệp đã quá phổ biến. Những gì quý giá của tuổi trẻ là trải nghiệm, xác định ưu thế bản thân và đam mê chứ không phải kết quả của một kỳ thi kéo dài gần 2 tuần quyết định 16 năm đèn sách.
Checklist cho một năm “gap year” ý nghĩa:
Xác định lại mục tiêu
Chọn trường Đại học nước ngoài mơ ước và lên kế hoạch cho một năm sắp tới là điều kiện tiên quyết để bạn đạt được mục tiêu của mình. Vì mỗi trường một khác nên nếu bạn có nguyện vọng nộp đơn thì nên tìm hiểu kỹ trường đó, xem trong những năm trước, điểm trung bình các kỳ thi tiếng Anh chuẩn hóa của sinh viên được nhận là bao nhiêu, đầu tư cho bài luận, tham gia tổ chức và lãnh đạo các hoạt động ngoại khóa, xem trường có hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế không và hạng mức hỗ trợ là bao nhiêu.
Tranh thủ luyện thêm SAT, TOEFL, IELTS
Hãy dùng khoảng thời gian này luyện thi và cố gắng đạt kết quả thật cao trong các kỳ thi tiếng Anh chuẩn hóa. Điểm càng cao, bạn càng có cơ hội được nhân vào trường tốt hơn, danh tiếng hơn với mức hỗ trợ tài chính cao hơn.
Lãnh đạo và tham gia tổ chức các hoạt động vì cộng đồng
Đây là một điểm cộng cực kỳ sáng giá cho hồ sơ du học của bạn. Các nhà tuyển sinh nước ngoài không tìm kiếm những học sinh chỉ biết học, họ cần những học sinh vừa học tập tốt và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Trải nghiệm mới
Bạn có thể đi du lịch, làm việc bán thời gian, học đàn, học nấu ăn, luyện tập một môn thể thao yêu thích…những điều mà trước đây bạn không có thời gian thực hiện vì bận luyện thi tốt nghiệp và Đại học ngày đêm.
Tìm ý tưởng cho bài luận
Với những trải nghiệm thú vị, những nơi bạn đã đi, những người bạn đã gặp, những câu chuyện bạn được nghe, những điều mới mẻ lẫn cũ kỹ bạn đã học được trong một năm qua, tin chắc rằng bạn sẽ tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai? Tôi đã có gì? Tôi muốn gì?” Và tất nhiên, bạn sẽ có nhiều ý tưởng cho bài luận Đại học của mình.
Nhà khoa học vĩ đại người Scotland, Alexander Graham Bell, đã từng nói: “Khi một cánh cửa đóng lại, thì một cánh cửa khác sẽ mở ra”. Cuộc đời luôn đầy những cơ hội mới. Rớt Đại học – Thất bại đầu đời năm 18 tuổi này sẽ không là gì nếu bạn đứng dậy xác định lại mục tiêu cho mình, mở một cánh cửa khác để đi. Chúc bạn đủ vững tin và thành công với lựa chọn của mình nhé.
Theo Một Thế Giới
Xem bài gốc tại đây