Khoản bồi thường năm Canh Tý
Cuối thế kỷ 19, do không chịu nổi ách áp bức bóc lột dã man của phong kiến Mãn Thanh, nông dân một số tỉnh ở Trung Quốc đã nổi dậy chống triều đình. Phong trào này mới đầu có tên Nghĩa Hoà Quyền; từ 1899 đổi tên là Nghĩa Hoà Đoàn, chuyển mục tiêu sang chủ yếu chống đế quốc phương Tây.
Năm Canh Tý (1900), Nghĩa Hoà Đoàn chiếm Bắc Kinh và một số thành phố. Triều đình nhà Thanh của Từ Hy Thái hậu chạy lên Tây An, bỏ ngỏ Bắc Kinh. Quân Nghĩa Hoà Đoàn mặc sức hãm hại giáo sĩ, kiều dân nước ngoài, cướp phá tài sản của họ và các sứ quán. Trước tình hình đó, lấy danh nghĩa bảo vệ kiều dân và sứ quán, quân đội 8 nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Ý và đế quốc Áo-Hung liên kết nhau tiến vào Bắc Kinh và các thành phố bị chiếm. Phong trào Nghĩa Hoà Đoàn bị dập tắt.
Tháng 9/1901, triều đình nhà Thanh phải đàm phán với 11 nước phương Tây và ký Điều ước Tân Sửu gồm 12 điều khoản; trong đó điều khoản nhận bồi thường toàn bộ phí tổn và thiệt hại của các nước này do việc Nghĩa Hoà Đoàn chống lại họ (các nước tự khai phí tổn và thiệt hại).
Khoản bồi thường đó gọi là Khoản bồi thường Canh Tý (KBTCT), quy định bằng 450 triệu lạng bạc, tức mỗi người Trung Quốc trả 1 lạng bạc. Được bồi thường nhiều nhất là Nga (28,97%), Đức (20,02%), Pháp, Anh, Nhật, Mỹ (7,32% hoặc 24,4 triệu USD), Ý, Bỉ, đế quốc Áo-Hung, Hà Lan… Theo quy định, KBTCT được trả dần trong 39 năm, lãi suất mỗi năm 4%, tổng cộng cả vốn lẫn lãi sẽ là 982 triệu lạng bạc. Số tiền này vượt quá khả năng chi trả của Trung Quốc.
Điều ước Tân Sửu rõ ràng là bất công, là nỗi sỉ nhục của Trung Quốc. Trong 11 nước phương Tây nói trên, Mỹ là nước duy nhất có chính quyền dân cử và đang muốn đóng vai trò dẫn đầu phong trào dân chủ thế giới; vì vậy chính phủ Mỹ với đại diện là Tổng thống William McKinley và Bộ trưởng Ngoại giao John Hay có quan điểm tương đối công bằng, đã đề nghị các nước phương Tây bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và giảm khoản bồi thường.
Cuối 1904, Mỹ tuyên bố: qua điều tra thấy phí tổn và thiệt hại của Mỹ chưa đến 24,4 triệu USD và Mỹ sẽ trả lại Trung Quốc phần dôi ra. Cuối 1908, Mỹ công bố lệnh trả lại Trung Quốc 28,9 triệu USD trong tổng số tiền bồi thường 53,35 triệu USD Trung Quốc phải trả (cả vốn lẫn lãi).
Hành động của Mỹ trả lại khoản bồi thường Canh Tý cho Trung Quốc được các nước khác noi theo (Anh, Pháp: 1920; Nhật: 1923; Hà Lan: 1926; Ý: 1933) với quy mô hoàn trả khác nhau. Nhờ đó và nhờ các lý do khác, cuối cùng Trung Quốc chỉ phải trả 58% tổng số tiền quy định trong Điều ước Tân Sửu và có cơ hội đưa nhiều người sang Âu Mỹ du học.
Học bổng Khoản Bồi thường Canh Tý
Năm 1906, Edmund J. James hiệu trưởng Đại học Illinois đề nghị Tổng thống T. Roosevelt cử người sang Trung Quốc khảo sát tình hình giáo dục và tìm cách thu hút học sinh nước này sang Mỹ học nhằm đào tạo một tầng lớp trí thức có thể tác động tới các lãnh tụ Trung Quốc. Nhà truyền giáo Arthur Henderson Smith cũng thuyết phục Tổng thống Mỹ mở trường học ở Trung Quốc và đưa học sinh nước này sang Mỹ học; đây là “cách tốt nhất để Trung Quốc và Mỹ gắn bó với nhau về kinh tế và chính trị” – ông nói.
Cuối 1907, Tổng thống T. Roosevelt nói nên giúp Trung Quốc về giáo dục và khuyến khích học sinh nước này đến Mỹ học. Năm 1908, Quốc hội Mỹ thông qua đề án trả lại Trung Quốc một nửa số tiền bồi thường quy định (11,6 triệu USD) và giao cho Tổng thống tổ chức thực hiện.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố cảm ơn Mỹ. Để tỏ lòng tri ân, họ lấy tên Tổng thống Mỹ đặt cho Cung Thể thao ở Đại học Thanh Hoa (Roosevelt Memorial Gymnasium), có tạc tượng Roosevelt (sau 1949 tượng này bị phá).
Hai bên thoả thuận sẽ dùng số tiền hoàn trả này để làm học bổng cho học sinh Trung Quốc sang Mỹ du học, gọi là Học bổng Khoản Bồi thường Canh Tý. Phía Trung Quốc dự định mỗi năm cử 100 người, từ năm thứ 5 trở đi mỗi năm 50 người, cho đến khi dùng hết số tiền trả lại. Hai bên thống nhất: 80% học sinh sẽ học các ngành nông nghiệp, khoáng sản, vật lý, hoá học, công trình đường sắt, cơ khí, ngân hàng; 20% học các ngành chính trị, pháp luật, tài chính, kinh tế và sư phạm. Việc tổ chức tuyển chọn du học sinh do Trung Quốc tự làm, phía Mỹ không tham gia.
Năm 1909, chính quyền lập Vụ Du học Mỹ để tổ chức thực thi việc nói trên. Các tỉnh được chọn người đưa lên Bắc Kinh dự thi. Khoá thi đầu tiên (8/1909) có 630 người ghi tên; 68 người lọt qua vòng sơ tuyển (thi quốc văn và Anh văn), rồi thi tiếp các môn toán, lý, hoá, lịch sử Anh, Mỹ, Hy Lạp, La Mã. Sau 5 đợt thi, kết quả chọn được 47 người. Tháng 10/1909 tốp học sinh đầu tiên đi Mỹ du học. Việc thi cử tiến hành nghiêm chỉnh chặt chẽ, thí sinh phải giỏi quốc văn, Anh văn, và phải đạt yêu cầu “khoẻ mạnh, đứng đắn, tướng mạo không có khiếm khuyết, lý lịch trong sạch”. Khoá thi năm 1910 có 400 thí sinh, chọn được 70. Khoá thi năm 1911 chọn được 63 người
Chính quyền còn cấp đất và kinh phí lấy trong KBTCT để xây dựng Trường Dự bị du học Mỹ, năm 1911 đổi tên là Thanh Hoa Học đường (năm 1924 đổi tên là Đại học Thanh Hoa), chia 2 khoa Trung học và Cao đẳng, mỗi khoa học 4 năm, chuyên đào tạo học sinh đi Mỹ du học. Tháng 3/1911 Thanh Hoa Học đường khai giảng, gồm hơn 400 học sinh 12-20 tuổi đã được tuyển chọn nghiêm ngặt từ các địa phương. Nhờ có kinh phí lớn nên trường này có cơ sở vật chất tốt nhất trong các trường ở Trung Quốc. Học sinh tốt nghiệp khoa Cao đẳng của Thanh Hoa Học đường có thể vào thẳng năm thứ 3 đại học Mỹ.
Ngoài ra từ năm 1917, Mỹ còn dùng KBTCT để xây dựng Y viện Hiệp Hoà hiện đại nhất Trung Quốc và Học viện Y khoa Hiệp Hoà.
Năm 1924, Quốc hội Mỹ thông qua luật dùng KBTCT còn lại (12,54 triệu USD) lập Quỹ Xúc tiến Trung Quốc. Quỹ này đã dùng một phần kinh phí cho học sinh ĐH Thanh Hoa du học Mỹ.
Trong thời gian về sau, do tình hình chính trị trong nước không ổn định, việc thi tuyển lưu học sinh đi Mỹ không tiến hành liên tục. Từ năm 1932 bắt đầu tăng trở lại, năm 1935 số lưu học sinh lên tới 1.033 người. Thời kỳ kháng chiến chống Nhật (1937-1945) việc đưa người đi du học bị ngừng. Năm 1946 tiếp tục tổ chức chiêu sinh dự thi toàn quốc đi du học nước ngoài, có 4.463 thí sinh. Sau đó do có cuộc chiến tranh giải phóng nên việc tổ chức du học nói trên chấm dứt. Quỹ Xúc tiến Trung Quốc chuyển sang Đài Loan và dùng số tiền còn lại thành lập trường ĐH Thanh Hoa tại khu Tân Trúc ở Đài Loan.
Kết quả của Chương trình du học bằng học bổng KBTCT
Thời gian 1909-1928, Trung Quốc đưa được hơn 1.000 người sang Mỹ du học; sau đó vẫn cử người đi tiếp, nhưng không có số liệu thống kê. Số người du học Mỹ chưa nhiều lắm, nhưng điều quan trọng nhất là nước Mỹ đã đào tạo cho Trung Quốc nhiều nhà khoa học giỏi, thậm chí hàng đầu thế giới, về sau có đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phát triển khoa học nhân văn và khoa học kỹ thuật của Trung Quốc (hơn hẳn số hàng chục nghìn lưu học sinh sau này đào tạo tại Liên Xô và Đông Âu). Chẳng hạn nhờ đó chương trình làm bom nguyên tử và làm tên lửa, vệ tinh nhân tạo của Trung Quốc hoàn thành sớm được ít nhất 20 năm. Các nhà khoa học chủ yếu trong chương trình này như Đặng Gia Tiên, Tiền Học Sâm … đều học ở Mỹ về.
Dưới đây xin giới thiệu hai gương mặt điển hình của số học sinh đi Mỹ theo chương trình học bổng khoản bồi thường năm Canh Tý.
Về khoa học nhân văn có Hồ Thích (1891-1962), năm 1910 đi Mỹ du học tại Đại học Cornell, về nước 1917. Ông là nhà thơ, sử gia, triết gia, nhà giáo dục, luân lý học, nhà tư tưởng…, một đại học giả của Trung Quốc, từng được tặng 36 bằng tiến sĩ danh dự (chủ yếu ở Mỹ), nổi tiếng có nhiều cống hiến trên nhiều lĩnh vực. Sau khi về nước đã đề xướng cách mạng văn học, trở thành một trong các lãnh tụ Phong trào Tân Văn hoá. Từng là đại sứ Trung Hoa Dân quốc tại Mỹ (1938), hiệu trưởng ĐH Bắc Kinh (1946), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung ương (Đài Loan, 1957, tức Viện Khoa học). Từ 1949 ở Mỹ và Đài Loan. Hồ Thích là nhà tiên phong chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc, đề xuất thuyết điều hoà giai cấp, cho rằng chủ nghĩa Marx và thuyết đấu tranh giai cấp không thích hợp với Trung Quốc. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc triết học thực dụng của J. Dewey. Hồ Thích có ảnh hưởng rất lớn đối với văn hoá Trung Quốc; một thời gian ông từng bị phê phán, phủ định, nhưng về sau được đánh giá cao. Ông là người đầu tiên đề xuất dùng văn Bạch thoại, lật đổ hình thức văn Văn ngôn từng thống trị nước này hơn 2.000 năm. Ông cũng có những ý kiến cực đoan như chủ trương Trung Quốc nên phương Tây hoá toàn bộ, bỏ chữ Hán, dùng ký hiệu phiên âm La Tinh…
Về KHKT có Tiền Học Sâm (1911-2009, tên La Tinh là Qian Xue-sen hoặc H.S.Tsien), người được gọi là Cha đẻ tên lửa và du hành vũ trụ Trung Quốc. 1934 tốt nghiệp ĐH Giao thông Thượng Hải, thi đỗ vào Lớp học sinh du học Mỹ của ĐH Thanh Hoa. 1935 sang Mỹ học tại Học viện Công nghệ Massachusetts, lấy bằng thạc sĩ, 1936 đến Học viện Công nghệ bang California (Caltech) làm nghiên cứu sinh ngành cơ khí hàng không dưới sự hướng dẫn của chuyên gia cơ học nổi tiếng Von Karman. Năm 1939 nhận bằng tiến sĩ, ở lại trường giảng dạy và tham gia nhóm nghiên cứu thiết kế tên lửa. Cuối 1942 được Karman đề cử làm công tác nghiên cứu khoa học cho quân đội Mỹ. Từng tham gia Dự án Manhattan (làm bom nguyên tử) và chương trình chế tạo tên lửa, được phong hàm đại tá. Là người nước ngoài duy nhất được Karman đề cử vào Nhóm Cố vấn khoa học cho Không quân Mỹ (Karman làm Trưởng nhóm). 1947 được Caltech đặc cách phong hàm giáo sư suốt đời, và được cử làm Giám đốc Phòng Thí nghiệm Phản lực của Caltech và trở thành chuyên gia kỹ thuật tên lửa nổi tiếng.
Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập, Tiền Học Sâm xin về nước nhưng bị chính quyền Mỹ từ chối vì sợ tiết lộ bí mật quân sự. Chính phủ Trung Quốc qua thương lượng với Mỹ, đã xin được Tiền Học Sâm về nước bằng cách trao trả cho Mỹ một số phi công Mỹ bị Trung Quốc bắt giữ. Sau 5 năm bị giam lỏng, năm 1955 Tiền Học Sâm được trở về Trung Quốc. Ông đề xuất nhiều ý kiến xây dựng ngành tên lửa – hàng không và thám hiểm vũ trụ. Từ 1958 trở đi lãnh đạo công tác nghiên cứu chế tạo tên lửa và tàu vũ trụ. Ông còn được cử làm Phó Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc, Chủ tịch Hội Phổ biến KHKT toàn quốc.
Do có cống hiến kiệt xuất trong lãnh đạo nghiên cứu thiết kế chế tạo tên lửa và vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ, ông được chính phủ tặng nhiều vinh dự như giải nhất thành tựu khoa học tự nhiên (1957), giải đặc biệt tiến bộ KHKT nhà nước (1985), danh hiệu Nhà khoa học có cống hiến kiệt xuất cấp nhà nước và huy chương anh hùng lao động hạng nhất (1991), huy chương công huân “Lưỡng đạn nhất tinh” (bom nguyên tử, tên lửa và vệ tinh) (1999), giải thưởng danh dự cao nhất 50 năm sự nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (2006), cùng nhiều vinh dự khác, tiêu biểu hơn cả là danh hiệu Cha đẻ tên lửa và du hành vũ trụ Trung Quốc mà dư luận nước này dành cho ông.
Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và là nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế
Xem bài gốc tại đây