Steve Jobs không bắt đầu Apple bởi tình yêu công nghệ. Trích dẫn dưới đây từ cuốn sách “So Good They Can’t Ignore You” thuật lại câu chuyện rối rắm hơn nhiều đằng sau câu nói quen thuộc, “Hãy làm những gì bạn thích.”
Tháng sáu năm 2005, Steve Jobs đứng trước bục vòng ở sân vận động Stanford để nói chuyện trong lễ phát bằng cho khóa sinh viên tốt nghiệp. Mặc đồ jeans và đi xăng đan dưới lớp áo choàng trang trọng, Jobs diễn thuyết trước một đám đông với khoảng 23.000 người với một bài diễn văn ngắn về bài học rút ra từ cuộc đời ông. Khoảng một phần ba cuối bài diễn văn, Jobs đưa ra lời khuyên sau đây:
“Các bạn phải tìm ra cái mà mình yêu thích. Cách duy nhất để làm những việc vĩ đại là yêu những gì bạn làm. Nếu bạn chưa tìm được điều đó, hãy tiếp tục tìm kiếm, đừng dừng lại.”
Khi kết thúc, ông được toàn hội trường đứng lên hoan hô.
Steve Jobs – một bậc thầy về suy nghĩ phê phán những niềm tin và ý tưởng phổ biến – đã đóng dấu phê chuẩn của mình lên một trong những lời khuyên phổ biến rất lôi cuốn về sự nghiệp, mà tôi gọi là giả thuyết về sự đam mê.
Chìa khóa đầu tiên của niềm hạnh phúc trong công việc là phải tìm ra cái mà bạn đam mê và rồi tìm được công việc phù hợp với niềm đam mê đó.
Giả thuyết này là một trong những chủ đề được nhắc đi nhắc lại mòn mỏi nhất trong xã hội Hoa Kỳ đương đại. Những người trong chúng ta đủ may mắn có cơ hội lựa chọn trong cuộc sống của mình bị oanh tạc bởi thông điệp này, ngay từ khi còn nhỏ. Chúng ta được bảo phải ca ngợi những người dũng cảm theo đuổi ước mơ của họ, và thương hại những kẻ lười biếng tuân thủ trung thành với con đường an toàn. Một cố vấn nghề nghiệp lỗi lạc đã nói với tôi, “hãy làm những gì bạn thích, và tiền bạc sẽ đến” đã trở thành khẩu hiệu không chính thức trong lĩnh vực tư vấn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, có một vấn đề ẩn giấu ở đây: Khi bạn nhìn lại những khẩu hiệu có vẻ hay ho kia và đi sâu vào chi tiết làm thế nào những người nhiệt huyết như Steve Jobs thực sự bắt đầu sự nghiệp, hay hỏi những nhà khoa học cái gì thực sự tiên lượng được niềm hạnh phúc trong công việc, vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều. Bạn bắt đầu phát hiện ra những sợi chỉ dấu vết mà khi được kéo ra, sẽ tháo tung sự chắc chắn của giả thuyết về sự đam mê, cuối cùng dẫn tới một nhận thức bị lung lay: “Theo đuổi đam mê” có thể là một lời khuyên thậm tệ.
Làm như những gì Steve Jobs làm, đừng làm như những gì ông ấy nói
Nếu bạn gặp một Steve Jobs trẻ tuổi vào những năm trước khi thành lập Apple Computer, bạn sẽ không thể tìm ra một điểm chung nào giữa ông với một người đam mê kiến tạo một công ty công nghệ. Jobs đã theo học tại trường Reed College, một trường uy tín về khoa học xã hội nằm giữa bang Oregon, nơi ông để tóc dài và đi chân đất. Không như những người mơ mộng hão huyền về công nghệ ở thời đại của mình, Jobs không phải là một sinh viên đặc biệt thích kinh doanh hay điện tử. Thay vì thế ông học lịch sử phương Tây, khiêu vũ, và một chút về thuyết thần bí phương Đông.
Jobs bỏ trường đại học sau năm đầu tiên, nhưng tiếp tục ở lại ký túc xá trong một thời gian, ngủ trên sàn và xin những bữa ăn từ thiện ở đền Hare Krishna. Như Jeffrey S. Young ghi chú trong cuốn tiểu sử được nghiên cứu toàn diện của ông năm 1988, Steve Jobs: Hành Trình Là Phần Thưởng, cuối cùng Jobs cũng phát chán với việc trở thành một người được cứu tế, trong những năm đầu thập kỷ 1970, ông trở lại quê hương California, nơi ông quay về sống với cha mẹ và thuyết phục bản thân làm một công việc ca đêm ở Atari. (Công ty này đã thu hút sự chú ý của ông với một quảng cáo trong tờ San Jose Mecury với tiêu đề, “Vừa vui chơi vừa kiếm tiền.”)
Trong thời gian đó, Jobs chia thời gian của mình giữa Atari và All-One Farm, một công xã nông thôn nằm ở phía bắc San Francisco. Sau một thời gian, ông bỏ việc ở Atari trong nhiều tháng để hành hương khất thực dọc Ấn Độ, và trên đường trở về ông bắt đầu luyện tập nghiêm túc tại trung tâm thiền Los Altos gần đó.
Năm 1974, sau khi Jobs trở về từ Ấn Độ, một kỹ sư và doanh nhân ở địa phương là Alex Kamradt đã mở một công ty máy tính phân chia thời gian (Time-sharing) tên là Call-in Computer. Kamradt tiếp cận với Steve Wozniak để thiết kế một thiết bị cuối (terminal) mà ông có thể bán cho khách hàng dùng thâm nhập vào máy tính trung tâm. Không như Jobs, Wozniak là một bậc thầy điện tử thực sự, người luôn bị ám ảnh bởi công nghệ thông tin và đã theo học ngành này chính thức ở trường đại học.
Tuy nhiên, mặt khác Wozniak không thể tiêu hóa được việc kinh doanh, nên ông đã để người bạn lâu năm Jobs, quản lý việc này. Tất cả mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho đến mùa thu năm 1975, khi Jobs rời công ty để dành thời gian ở công xã All-One. Thật không may, ông đã không báo lại chuyện này với Kamradt. Khi trở lại, ông đã bị sa thải.
Tôi kể lại câu chuyện này bởi vì hầu như không có chút hoạt động nào của một người đam mê công nghệ và kinh doanh, mà đó chỉ là một năm trước khi Jobs thành lập Apple Computer. Nói cách khác, trong những tháng trước khi khởi động một công ty có tầm nhìn chiến lược, Steve Jobs chỉ là một chàng trai trẻ đầy mâu thuẫn, tìm kiếm sự khai sáng trong tâm hồn và học điện tử chỉ khi nó hứa hẹn đem lại lợi nhuận nhanh chóng.
Vẫn giữ suy nghĩ đó, vào khoảng cuối năm 1975 Jobs tình cờ gặp được thay đổi lớn trong cuộc đời mình. Ông nhận ra rằng những người say mê công nghệ tại địa phương rất thích thú với mô hình máy tính bộ kit được giới thiệu và họ có thể dùng chúng để lắp ráp tại nhà. Jobs nói với Wozniak về ý tưởng thiết kế một trong những bộ kit bảng mạch vi tính để bán cho những người yêu thích công nghệ tại địa phương. Kế hoạch ban đầu là làm bảng mạch với giá 25 đô và bán ra với giá 50 đô. Jobs muốn bán tổng cộng 100 bảng mạch, mà sau khi trừ chi phí chế tạo và 1500 đô phí thiết kế ban đầu, họ sẽ còn khoảng 1000 đô lợi nhuận. Cả Wozniak và Jobs đã không rời bỏ công việc lúc đó của họ. Việc bán bản mạch hoàn toàn chỉ là một nguồn đầu tư ít rủi ro trong thời gian rảnh rỗi của họ.
Tuy vậy, từ đây câu chuyện nhanh chóng chuyển thành huyền thoại. Steve xuất hiện với đôi chân trần ở Byte Shop, cửa hàng máy tính Mountain View tiên phong của Paul Terrell, đề nghị Terrell bán các bảng mạch này. Terrell không muốn bán bảng mạch đơn giản, nhưng ông hứa sẽ mua những chiếc máy tính được lắp ráp hoàn chỉnh. Ông sẽ trả giá 500 đô mỗi chiếc, và muốn lấy trước 50 chiếc ngay khi chúng làm xong. Jobs chớp lấy cơ hội kiếm được một món tiền thậm chí còn lớn hơn và bắt đầu huy động vốn ban đầu. Chính trong dịp may bất ngờ này mà Apple Computer ra đời. Như Young nhấn mạnh, “Kế hoạch của họ vốn dĩ thận trọng và ngắn hạn. Họ đã không hề mơ mộng đến việc tiếp quản cả thế giới.”
Những bài học lộn xộn từ Jobs
Tôi chia sẻ những chi tiết trong câu chuyện của Steve Jobs vì khi nói đến việc tìm được công việc mong ước, chi tiết trở nên quan trọng. Nếu một Steve Jobs trẻ tuổi nghe theo lời khuyên của chính ông và quyết định theo đuổi công việc mà ông yêu thích, chắc hẳn ngày nay chúng ta sẽ biết đến ông như một giáo viên nổi tiếng ở trung tâm thiền Los Altos. Nhưng ông đã không nghe theo lời khuyên đơn giản đó. Công ty máy tính Apple rõ ràng không được sinh ra trong niềm đam mê, mà thực ra là kết quả của một cơ hội may mắn – một kế hoạch “ngắn hạn” đã bất ngờ cất cánh.
Tôi không nghi ngờ rằng cuối cùng Jobs đã dần trở nên đam mê với công việc của mình. Nếu bạn đã từng xem một trong những bài diễn thuyết chủ đạo nổi tiếng của ông, bạn sẽ thấy một người đàn ông rất yêu những gì ông ấy đang làm. Nhưng vậy thì sao? Tất cả chỉ là thật tốt khi bạn thích những gì bạn làm. Lời khuyên này cho dù đúng, lại khá thừa và không giúp gì chúng ta với những câu hỏi cấp bách: Làm thế nào để tìm được công việc mà cuối cùng chúng ta sẽ yêu thích?
Giống như Jobs, chúng ta có nên từ chối việc yên ổn trong một công việc cứng nhắc và thử hàng loạt những kế hoạch ngắn hạn, đợi chờ một trong số chúng sẽ cất cánh? Lĩnh vực chúng ta khám phá có quan trọng không? Làm sao để biết lúc nào nên bám lấy một dự án và khi nào thì rời bỏ nó? Nói cách khác, câu chuyện của Jobs nảy sinh ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Có lẽ điều duy nhất rõ ràng là, ít nhất đối với Jobs, “theo đuổi đam mê” không phải là một lời khuyên đặc biệt hữu ích.
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây