Nguyễn Minh Hiền đã du học tại Singapore 4 năm và vừa tốt nghiệp ngành Computer Science trường Nanyang Technological University. Anh hiện làm việc tại Sing trong một công ty đúng với chuyên ngành của mình. Minh Hiền nhớ lại những khó khăn ngày đầu du học và trong quá trình xin việc tại đảo quốc sư tử.
Thái độ lạnh lùng của bạn học
“Mình vẫn nhớ những ngày đầu bước chân vào lớp, những câu tiếng Anh ngỡ như là căn bản nhưng các bạn đồng lứa không hiểu cách phát âm. Một số bạn còn tỏ thái độ không ưa và hạn chế giao tiếp với mình. Vì hơi ‘dày mặt’ nên sau năm đầu, mình đã có một số người bạn Singapore, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc.
Để kết bạn và thân với các bạn nước ngoài, mình nhận thấy sự hiểu biết về văn hoá giao tiếp là rất cần thiết, như các bạn Ấn Độ kiêng thịt heo hoặc bò… Nếu không hiểu cách họ giao tiếp hàng ngày, những câu chuyện họ nói, những tiếng lóng họ dùng thì cá nhân mình rất khó hội nhập và thậm chí cũng có thể bị xa lánh như mình hồi đầu vô trường.
Singapore là một môi trường giáo dục đa văn hóa nên theo lẽ thường, các bạn học sinh luôn duy trì sự cởi mở và thân thiện. Tuy nhiên, điều đó không đủ để phá vỡ khoảng cách về sự khác biệt giữa các nền văn hóa với nhau. Bản thân những bạn học sinh đến từ cùng một quốc gia sẽ thân thiết, dễ dàng kết bạn, dễ dàng chia sẻ với nhau hơn. Còn với các bạn nước ngoài thì không nhiều mối quan hệ thân, chủ yếu là ở dạng duy trì mức lịch sự khách sáo. Vì mọi người không chắc chắn về người nước khác nên họ luôn tránh gây ảnh hưởng hay có những hành động mà bị coi là không thân thiện ở nước bạn”
Khó khăn về tài chính, xin việc tại Sing
“Sau 4 năm học ở Singapore, tài chính là vấn đề khó khăn nhất của cá nhân mình và một số bạn. Đa số các sinh viên Việt Nam tại Nanyang Technological University đều được chính phủ cho vay nợ khoản tiền khoảng 40.000 SGD (635 triệu đồng) và phải trả lại cho họ sau khi tốt nghiệp. Với các cá nhân có tình hình tài chính ở mức trung bình, bọn mình cố gắng sắp xếp công việc làm thêm để trang trải chi phí.
Mình đã trải qua khá nhiều công việc part-time từ làm bồi bàn, đứng phát tờ rơi, làm thư viện tới nhiếp ảnh. Mình còn nhớ có một thời gian tài khoản ngân hàng chỉ còn 20SGD, phải chạy đi vay mượn một số bạn để có tiền ăn và đi làm rồi trả lại dần dần. Lúc đó tuy có hơi khó khăn, nhưng là những kinh nghiệm rất quý giá.
Bên cạnh tài chính, vấn đề hội nhập và văn hoá là cái khó tiếp theo. Vài năm gần đây tại Singapore, vấn đề công việc của người nước ngoài luôn nóng hổi và bị người dân địa phương đề cập khá nhiều. Rất nhiều bạn cùng lứa mình trong năm vừa qua (năm cuối đại học) bị từ chối đơn xin việc chỉ vì là người nước ngoài. Mình có một kinh nghiệm đáng nhớ khi đi phỏng vấn xin việc vòng cuối ở một công ty, người quản lý đã đề cập thẳng thắn là ‘Xin lỗi, chúng tối chỉ tuyển người Singapore cho vị trí này’ tuy rằng mình đã vượt qua 3 vòng trước đó.
Cách đây vài năm, có một trường hợp xảy ra là người bạn mình quen bị chuyển công tác ở nước khác vì có vấn đề về số lượng người nước ngoài trong công ty cao. Vấn đề trên tuy khó khăn, nhưng khả năng xin việc của sinh viên Việt Nam ở Singapore cũng khá cao với mức lương ổn định”.
Theo Ione
Xem bài gốc tại đây