Hôm nay, ngày 20-11 theo giờ Mỹ, mình gửi email chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam tới các thầy cô giáo hiện tại của mình và một số thầy cô giáo cũ ở Boston College.
Đại để mình giải thích ngày này ở Việt Nam có ý nghĩa gì và mình muốn giữ truyền thống đó của Việt Nam. Mình viết một vài câu thể hiện sự biết ơn của mình với những gì mình học được từ các thầy cô giáo và những gì họ đã góp phần làm nên con người mình ngày nay.
Trong các bức thư điện tử, mình gửi kèm một đường dẫn tới một trang mạng tiếng Anh mô tả ngày này và có một số bức ảnh minh họa các hoạt động của học sinh, sinh viên Việt Nam để tri ân các thầy cô giáo. Bức ảnh trên mình cũng đính kèm cùng với thư với lời giải thích là đây là một cái thiệp thông dụng mà học sinh, sinh viên sẽ gửi tới thầy cô trong ngày này.
Các bạn biết sao không? Trong số 9 thầy cô mình gửi lời chúc, thì có tới 7 người gửi phản hồi ngay trong ngày hôm nay. Có ông thầy đang bay qua bay lại giữa Toronto ở Canada và Olso ở Na-uy cũng gửi đôi lời cảm ơn và xin lỗi là không thể có thời gian để giãi bày nhiều hơn.
Đa số các bức thư phản hồi bày tỏ lời cảm ơn vì đã giữ và giới thiệu truyền thống này tới họ. Có ít nhất 4 thầy cô bảo rằng nước Mỹ nên có một ngày như thế này.
Có ít nhất 3 thầy cô bảo rằng đây là một truyền thống tuyệt vời ( What a great/nice tradition !). Có một thầy còn nói rằng đây là một điểm mà Việt Nam hơn Mỹ 🙂 (Vietnam has one up on the USA).
Có một cô giáo, người trước đây đã từng dạy học phổ thông ở bang New Orleans nơi có cộng đồng người gốc Việt nhập cư đông đảo còn nói rằng bà biết truyền thống này từ trước. Khi bà còn đi dạy phổ thông, những gia đình gốc Việt ở dưới đó vẫn duy trì truyền thống gửi thiệp, tặng hoa và tri ân các thầy cô giáo của con cái họ cho dù họ đang sống ở Mỹ.
Phải chăng đây là một dấu hiệu tốt cho giáo dục Việt Nam? Phải chăng giáo dục Việt Nam cũng có cái gì đó có thể chia sẻ với thế giới?
Những cô cậu học sinh, sinh viên Việt Nam tới thăm và chúc mừng các thầy cô giáo Việt Nam vì điều gì? Nếu mục đích là tốt đẹp, liệu ta có nên áp dụng nó với mọi thầy cô giáo mà mình có trong đời không phân biệt sắc tộc, quốc tịch?
Thôi thì vui được chút nào hay chút đó. Nhỉ?
Phạm Ngọc Duy