PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo là một trong những chuyên gia hàng đầu về công nghệ sinh học phân tử trên đối tượng thực vật tại Việt Nam. Sau 15 năm nghiên cứu, chị đã xuất bản được hơn một khá nhiều công trình trên các tạp chí của Việt Nam và hơn 20 công trình trên các tạp chí uy tín quốc tế; trong đó bao gồm hai tạp chí Sinh lý Thực vật (Plant Physiology) và Tế bào Thực vật (The Plant Cell) với chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) cao nhất trong khối tạp chí về thực vật.
Hiện chị đang công tác tại Đại học Quốc tế (ĐHQT), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Trong một ngày cuối thu tháng 11, tạp chí Vietnam Journal of Science đã có dịp trò chuyện với PGS Thảo về con đường khoa học của chị, và những suy nghĩ của chị về mối quan hệ thầy cô – học trò trong môi trường nghiên cứu.
Chào chị Thảo, em thực sự rất vinh dự khi có cơ hội trò chuyện và học hỏi từ chị. Em được biết chị đang nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Chị có thể chia sẻ điều gì đã khiến chị lựa chọn con đường này?
PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo: Khi tôi học cấp 3 tại trường Amsterdam Hà Nội, tôi may mắn được truyền cảm hứng từ thầy giáo dạy môn Sinh. Những bài giảng của thầy khiến cho tôi thấy Sinh học là môn học thú vị nhất trên đời. Từ đó tôi quyết định thi tuyển vào ngành Sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Do ở trong trường lúc bấy giờ chưa có nhiều cơ sở vật chất để làm thí nghiệm, tôi chủ động xin thực tập ở Viện Công nghệ Sinh học từ năm thứ 2 đại học. Tôi bắt đầu ở một phòng thí nghiệm thực vật, và bén duyên luôn với lĩnh vực này từ lúc ấy. Tính đến nay cũng đã hơn 10 năm tôi làm nghiên cứu về thực vật, từ những ngày học tiến sĩ về ngành Di truyền Phân tử Thực vật tại viện Khoa học và Công nghệ NARA ở Nhật cho đến khi về công tác tại ĐHQT, lúc nào tôi cũng cảm thấy rất yêu thích công việc của mình. Ngoài gia đình thì nghiên cứu khoa học là tình yêu lớn nhất của tôi. Mỗi buổi tối sau khi cho các cháu đi ngủ, tôi lại tranh thủ đọc tài liệu và viết bài.
Vậy là chị trở về nước công tác ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ. Sau 7 năm nhìn lại, chị có suy nghĩ gì về quyết định này? Điều gì giúp chị trụ lại và thành công trong chặng đường mới này?
PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo: Lúc tốt nghiệp tiến sĩ, tôi muốn về Việt Nam cống hiến và một phần nữa là để ở gần gia đình. Quá trình học tập ở Nhật của tôi khá thành công với nhiều bài báo xuất bản trên các tạp chí nghiên cứu uy tín hàng đầu về nghiên cứu thực vật (Plant Cell, Plant Physiology và Cell Press). Do vậy, vào thời điểm đó tôi rất tin vào khả năng nghiên cứu khoa học của mình và nghĩ rằng tôi có thể bắt đầu xây dựng một nhóm nghiên cứu tương tự ở ĐHQT. Lúc bắt tay vào thực hiện rồi tôi mới nhận thức được rõ ràng để vận hành một nhóm nghiên cứu, kĩ năng làm thí nghiệm chỉ là một phần nhỏ. Khi còn là nghiên cứu sinh, tôi được nâng đỡ trên vai những người khổng lồ nên mọi chuyện thuận lợi và đơn giản hơn rất nhiều. Công việc của một trưởng nhóm nghiên cứu đòi hỏi cả sự quyết đoán khi theo đuổi các đề tài khoa học, kĩ năng viết bài, sự độc lập, và nhất là cần có cơ sở vật chất tốt. Vào thời điểm tôi bắt đầu thì các dụng cụ thí nghiệm tại ĐHQT còn rất sơ khai và quỹ nghiên cứu dành cho những nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam cũng khan hiếm.
Để vượt qua được những thử thách kể trên, tôi học cách sử dụng và quản lý nguồn kinh phí cũng như quỹ thời gian một cách hiệu quả hơn. Với vai trò là giảng viên, tôi dành rất nhiều thời gian cho việc giảng dạy và tư vấn cho sinh viên sau giờ học. Do đó tôi không thể tự mình làm hết tất cả thí nghiệm nữa, thay vào đó tôi tập trung đào tạo các bạn sinh viên cho thật giỏi và phân công thí nghiệm cho các bạn ấy. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các bạn trong nhóm tôi đã dần quen với việc nghiên cứu và bắt đầu xuất bản nhiều bài báo trên các tạp chí uy tín của thế giới. Tiêu biểu nhất trong số các học viên cao học là bạn Nguyễn Bình Anh Thư. Hiện nay Thư đã có trong tay hơn 10 bài báo cũng như chương sách trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó có một công trình được đăng trên tạp chí Plant Physiology (tạp chí uy tín thứ hai trong các tạp chí quốc tế trong khối ngành thực vật). Các bạn sinh viên thực sự là niềm tự hào và động lực của tôi.
Với các kết quả nghiên cứu sơ khởi, tôi cũng đã xin được dự án từ các quỹ đầu tư như NAFOSTED và các hỗ trợ từ ĐH Quốc gia, và sắp tới là hướng đến xin tài trợ từ các Bộ, Ngành, Sở Nông nghiệp. Một điểm đặc trưng, đồng thời cũng là thử thách khi xin kinh phí từ các Bộ, Ngành hay Sở, đó là họ đánh giá cao sản phẩm thực sự, thay vì các bài báo. Trong khi để duy trì các mối hợp tác cùng các nhà khoa học ở nước ngoài và đáp ứng yêu cầu của ĐHQT, tôi phải xuất bản các bài báo quốc tế thường xuyên. Nhưng một ngày chỉ có 24 giờ, và nhóm nghiên cứu của tôi thì cũng không có nhiều thành viên, cách duy nhất giúp tôi thoả mãn yêu cầu của hai nhóm đầu tư kể trên đó là tìm cách thiết kế các dự án với hai dạng thí nghiệm, một dạng nhằm tạo ra sản phẩm, và một dạng tạo ra kết quả công bố được trên tạp chí khoa học.
Bên cạnh đó, trường ĐHQT đã có nhiều bước chuyển mình và đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước đây nhóm của tôi chủ yếu sử dụng chung các máy móc thiết bị của phòng thí nghiệm trung tâm (Core lab). Những thí nghiệm nào quá phức tạp thì tôi kết hợp với các nhóm nghiên cứu ở những nước khác hoặc qua nước bạn một vài tuần để thực hiện. Trong năm nay trường đã đầu tư mở thêm phòng Công nghệ Sinh học Thực vật. Máy móc cũng còn ít nhưng tôi hi vọng sẽ sớm được trang bị đầy đủ hơn.
Theo như chị nói thì các bạn sinh viên đóng một phần rất quan trọng trong sự thành công của một nhóm nghiên cứu. Vậy khi quyết định nhận hướng dẫn một sinh viên, chị dựa trên những tiêu chí nào?
PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo: Cách đây vài năm tôi cũng có dịp trao đổi với một đồng nghiệp về chủ đề này. Anh bạn của tôi thích chọn những sinh viên thông minh. Còn tôi thì rất đề cao niềm yêu thích công việc và tinh thần trách nhiệm cũng như tính chăm chỉ. Do công việc giảng dạy của tôi khá bận nên chỉ có sau giờ hành chính tôi mới có thời gian hướng dẫn các bạn làm thí nghiệm. Chỉ khi các bạn thật sự thích việc mình làm và dành thời gian, tâm trí cho công việc thì mới có thể chịu khó ở lại sau giờ hành chính và thực hiện thí nghiệm thành công được. Nếu chỉ làm việc theo kiểu đối phó thì rất khó để tiến xa trên con đường khoa học. Tôi may mắn tập hợp được một nhóm nghiên cứu nhỏ, chưa đến 5 thành viên, nhưng bạn nào cũng rất đam mê khoa học. Nhờ vậy mà mặc dù điều kiện ở Việt Nam không thuận lợi như ở Nhật, chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu công việc của mình hơn lúc này.
Khi nhận các bạn sinh viên vào nhóm, chị sẽ chú trọng đào tạo cho các bạn những kĩ năng gì?
PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo: Đối với tôi, mỗi sinh viên là một cá thể độc lập, có những lựa chọn nghề nghiệp khác biệt. Tôi dành rất nhiều thời gian để trò chuyện và kết nối với các bạn sinh viên, qua đó tìm hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của từng bạn để có thể đưa ra cách khắc phục. Tuỳ thuộc vào những yếu tố này mà tôi sẽ cùng với sinh viên phát triển các kĩ năng cần thiết cho hướng đi trong tương lai của bạn ấy. Chẳng hạn như, đối với các bạn muốn theo nghiệp nghiên cứu lâu dài thì sẽ cần kĩ năng viết, còn các bạn dự định đi làm ở các công ty thì sẽ có một nhóm kĩ năng riêng biệt. Dù theo hướng đi nào thì tôi cũng muốn giúp các bạn phát triển khả năng tư duy và tự học thông qua đọc sách vở hay thông qua thí nghiệm. Riêng với các bạn muốn trở thành nhà khoa học, tôi rất muốn có thể thường xuyên gửi các bạn đi các hội thảo hay khoá học ở các nước có ngành thực vật phát triển. Đây là cơ hội rất tốt để trao đổi với các nhà khoa học lớn, mở mang thêm tầm nhìn và tiếp thu thêm cách thức nghiên cứu sao cho hiệu quả hơn.
Nhắc đến việc nghiên cứu, hiện nay nhóm của chị đang tập trung vào những chủ đề nào?
PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo: Hiện nay chúng tôi đang triển khai hai hướng nghiên cứu chính. Đầu tiên là hướng nghiên cứu ứng dụng, với mục tiêu là tạo ra những giống cây trồng chuyển gen có khả năng chống chịu được các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ví dụ như đất ngập mặn. Việc đất biển xâm lấn ở vùng Tây và Nam Trung Bộ đang là mối đe doạ rất lớn cho nông nghiệp ở Việt Nam; tôi hi vọng có thể giúp được cho người nông dân trong tương lai gần. Cây trồng chủ lực trong nghiên cứu của chúng tôi là cây đậu tương. Đây là một đề tài trong khuôn khổ hợp tác với viện RIKEN ở Nhật. Bên cạnh hướng này, chúng tôi cũng tiến hành các nghiên cứu khoa học căn bản trên cây Arabidopsis, một mô hình được sử dụng rộng rãi trong ngành di truyền phân tử thực vật. Chúng tôi dùng loại cây này để tìm hiểu chức năng của các gen trong thực vật. Trong điều kiện hiện tại ở nước ta, nghiên cứu căn bản thực sự không phải là hướng đi tối ưu nhất, nhưng để phát triển khoa học một cách bền vững, ngoài việc ứng dụng kiến thức, tôi nghĩ cần thiết phải sản sinh ra kiến thức.
Bàn chuyện cây trồng chuyển gen (GMO – Genetically Modified Organism), hiện nay ở trong nước có rất nhiều nguồn dư luận trái chiều nhau. Trong đó không ít người tiêu dùng cho rằng thực phẩm GMO có hại cho sức khoẻ. Chị nghĩ sao về các ý kiến này?
PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo: Theo tôi, không thể đánh đồng và gộp chung các loại cây GMO khác nhau. Người tiêu dùng có quyền phản đối và không chọn sử dụng GMO, nhưng nên hiểu rõ họ đang phản đối điều gì và giống cây nào. Trước đây, có một số ý kiến không nên trồng GMO ra tự nhiên vì lo ngại các gen kháng kháng sinh sẽ lan ra môi trường và chuyển sang những loại cỏ dại, tuy nhiên những thế hệ GMO sau này đã có nhiều cải biến và chuyển sang dùng các loại gen khác trong quá trình lai tạo GMO. Riêng bản thân tôi ủng hộ việc nghiên cứu và sử dụng GMO một cách có chọn lọc. Với những biến đổi khí hậu toàn cầu, các loại cây trồng trước đây sẽ không còn thích nghi được nữa, và sản lượng của các loại cây truyền thống cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực của một quần thể loài người ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta từ chối nghiên cứu hay sản xuất cây GMO thì sẽ dễ trở nên phụ thuộc vào nguồn lương thực từ nước láng giềng Trung Quốc vì họ sử dụng GMO ở khắp mọi nơi, hoặc một tình huống không tốt khác, đó là chúng ta có thể trở nên phụ thuộc vào các công ty giống lớn trên thế giới.
Ngoài việc nghiên cứu, chị vừa kể là chị cũng dành nhiều thời gian cho việc dạy học. Chị có ưa thích công việc này không? Theo chị yếu tố nào giúp giảng viên truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất đến sinh viên?
PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo: Trước đây khi ở Nhật, tôi nghĩ tôi chỉ thích duy nhất công việc trong phòng thí nghiệm. Nhưng dĩ nhiên khi công tác ở ĐHQT, tất cả giảng viên đều phải dạy khoảng 200 tiết/ năm. Vậy mà sau 7 năm đi dạy, tôi nhận ra được nhiều giá trị đáng quý của công việc này, và rất yêu thích những giờ phút được tiếp xúc và truyền cảm hứng, truyền niềm yêu thích đến các bạn sinh viên. Sự trẻ trung và vui vẻ của các em cũng lan truyền qua tôi. Đã không ít lần, tôi được ngạc nhiên vì sự sắc sảo và thông mình của các bạn sinh viên.
Hiện nay tôi đang dạy một môn ở bậc cao học và ba môn ở bậc đại học. Các môn học này được phát triển dựa trên giáo án có từ trước hoặc do tôi tự soạn ra. Hàng năm tôi đều đề xuất với khoa về các thay đổi trên giáo án. Tôi dành thời gian để cập nhật các kiến thức mới, và chỉnh sửa lại giáo án sao cho phù hợp với sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp của sinh viên. Đối với những lớp ít người, việc này có thể được thực hiện dễ dàng bằng cách trao đổi trực tiếp với các bạn. Chẳng hạn, hiện nay tôi đang dạy môn Kĩ thuật Di truyền, nếu trong lớp học có các bạn làm luận văn thạc sĩ về di truyền động vật thì tôi sẽ chú trọng hơn về mảng đó trong các bài giảng của mình. Đối với các lớp nhập môn, có hơn 100 sinh viên thì khá khó để thay đổi giáo trình cho phù hợp với từng bạn. Để truyền đạt kiến thức hiệu quả hơn, tôi thường thiết kế các bài kiểm tra ngắn trước mỗi bài giảng nhằm đánh giá mức độ hiểu bài của từng bạn. Khi phát hiện ra các bạn nào chưa hiểu rõ bài thì tôi sẽ tìm cách tiếp cận và trò chuyện với các bạn. Sinh viên Việt Nam cũng còn khá nhát nên chưa dám chủ động nói ra các điểm mà bạn chưa hiểu, làm bài kiểm tra là hình thức hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, cuối mỗi khoá học, sinh viên sẽ tham gia đánh gía về môn học đó, giúp giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ tìm cách ứng dụng thêm các công nghệ vào việc giảng dạy. May mắn là ở ĐHQT, việc giảng dạy được đề cao và đầu tư rất tốt nên tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ cần thiết.
Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khi đang đắn đo lựa chọn, chưa biết có nên theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học hay không?
PGS. T.S. Nguyễn Phương Thảo: Trong xã hội có rất nhiều ngành nghề quan trọng. Bạn hãy tìm hiểu xem mình thực sự yêu thích công việc gì, mong muốn mang lại sự thay đổi hay giá trị nào cho những người quanh mình và cho đất nước. Một khi đã tìm được đam mê, hãy cứ mạnh dạn theo đuổi nó. Không có con đường nào bằng phẳng và dẫn bạn đến với thành công trong chớp mắt, vì vậy một khi đã lựa chọn thì cần vững tâm, đừng lăn tăn và quá phân phân về những yếu tố ngoại cảnh, đừng vội đắn đo. Miễn là bạn yêu thích việc bạn đang làm và đồn hết tâm huyết thì thành công sẽ đến với bạn.
Cảm ơn chị Thảo vì những chia sẻ rất chân thành và hữu ích cho cả các bạn sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ. Thay mặt tạp chí Viet Nam Journal of Science, em chúc chị tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong nghiên cứu, trong ước nguyện muốn giúp ích cho người nông dân, và hơn hết là trong sự nghiệp trồng người.
Theo Vjsonline
Xem bài gốc tại đây