Khi 12 tuổi, Steve Jobs đã gọi điện cho chủ tịch HP khi đó là Hawlett và nói: “Xin chào, cháu là Steve Jobs. Ngài không biết cháu và cháu mới chỉ 12 tuổi. Tuy nhiên, hiện tại cháu đang xây dựng một bộ đếm tần số và rất cần một số phụ tùng lắp ráp nhưng lại không có”.
Steve Jobs là huyền thoại công nghệ. Tuy nhiên, dù là đại thiên tài thì cũng phải có khởi đầu giống với hầu hết mọi người. Với Jobs, tất cả bắt đầu chỉ bằng một cuộc điện thoại. “Khi 12 tuổi, tôi đã gọi cho Bill Hawlett” khi đó là chủ tịch hãng máy tính HP.
Chủ tịch Hawlett đã đích thân trả lời điện thoại và Steve Jobs nói: “Xin chào, cháu là Steve Jobs. Ngài không biết cháu và cháu mới chỉ 12 tuổi. Tuy nhiên, hiện tại cháu đang xây dựng một bộ đếm tần số và rất cần một số phụ tùng lắp ráp nhưng không có”.
Cuộc trò chuyện kéo dài vài phút và sau đó Hewlett đã đồng ý cho Jobs những bộ phận mà ông cần và mời ông tới thực tập tại HP vào mùa hè năm đó. “Tôi sẽ không bao giờ quên cho đến khi chết”. Đây là cơ hội giúp Jobs được nhìn thấy chiếc máy tính để bàn đầu tiên.
Có một thực tế là hiện tại giới trẻ tại Mỹ không thể tìm kiếm được việc làm, hay chọn lựa được công việc mà họ thực sự mong muốn. Theo Cục dự trữ New York, trên 44% sinh viên tốt nghiệp thời gian gần đây thất nghiệphoặc dù có bằng đại học nhưng họ phải làm công việc không cần tới trình độ chuyên môn. Vậy giải pháp là gì?
Nhắm thẳng tới các lãnh đạo cấp cao
Mei-Mei Tuan là một người thành công nổi tiếng tại phố Wall. Cô bắt đầu sự nghiệp tại ngân hàng Goldman Sachs và sau đó chuyển tới Bank of America tại San Francisco. Hiện tại, cô đang điều hành công ty của riêng mình có tên Notch Partners.
“Hãy tận dụng hết mạng lưới mối quan hệ mà bạn có. Bạn không mất gì khi nhắm tới một mục tiêu thật cao”. Khi còn là học sinh năm cuối trường Đại học Wellesley vào năm 1987, Mei đã viết một bức thư (đánh máy) tới Jeanet Loeb – đối tác nữ đầu tiên của Goldman Sachs – người cũng tốt nghệp trường Wellesley. Dù là một bức thư ngắn gọn nhưng nó chứa đựng sự chân thành và nhắm đến đối tượng là một vị lãnh đạo cấp cao.
Loeb đã gọi lại cho Mei và mời cô tới New York để ăn trưa. Đây chính là cột mốc lịch sử trong sự nghiệp của Mei-Mei. Tuan hiện là chủ sở hữu công ty do cô đồng sáng lập là Notch Partners. “Với mỗi vị trí tuyển dụng, chúng tôi thường xem qua 100 hồ sơ”. Những người được chọn đầu tiên thường là người có hiểu biết về công ty và cho thấy họ có thể tạo ra giá trị gia tăng cho công ty. 2 ứng viên cuối cùng thậm chí còn phải thuyết trình để xem làm thế nào họ có thể giúp Notch Partners tiến xa hơn nữa.
Đừng chỉ chờ tin tuyển dụng!
Andy McFee là một người may mắn khác khi có được sự nghiệp trong mơ. Ông hiện là trọng tài chính tại giải đấu golf European Golf Tour. Ông đã tham dự những vòng đấu golf đẳng cấp nhất thế giới cùng những tên tuổi như Tiger Woods, Phil Mickelson và Rory Mcllroy.
Với McFee – tất cả may mắn đó chỉ bắt đầu bằng bức thư được viết vào mùa hè năm 1980 tới chủ tịch Hội đồng golf Anh. Khi ấy, ông vừa tốt nghiệp từ trường đại học Leeds. “Nếu nhận ra một điều gì đó thú vị ngoài kia và muốn trở thành một phần trong đó, hãy mạnh dạn thực hiện. Đừng chỉ chờ đợi tin tuyển dụng”.
Dĩ nhiên, McFee có phần may mắn. Bức thư của ông đã tới bàn làm việc của chủ tịch hội đồng golf Anh vào ngày mà có một ai đó đã viết đơn từ chức.
Ông nhớ lại đã gửi thư vào thứ 6 và nhận được hồi âm vào thứ 2 kèm theo lời mời phỏng vấn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là McFee sẽ không bao giờ nhận được cuộc gọi phỏng vấn đó nếu như không gửi bức thư tới.
Liệu viết thư có lỗi thời?
Nhiều người sẽ nói rằng câu chuyện như của Steve Jobs, Mei-Mei Tuan và Andy McFee kể trên không thể xảy ra thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu nói chỉ vì điện thoại thông minh và email đã thay thế thư tay không có nghĩa là việc viết một bức thư thông minh hay gọi điện thoại cho lãnh đạo công ty mà bạn ao ước làm việc là điều vô nghĩa.
Mathew Ross là tác giả của bức thư xin việc “độc” nổi tiếng khắp phố Wall vào năm 2013. Khi viết thư gửi tới lãnh đạo tại công ty Duff and Phelps để xin được thực tập, ông nói: “Sẽ rất đáng để ngài xem qua những thông tin hay vị trí công việc mà tôi đã từng làm qua. Ngài chắc chắn sẽ thấy rằng, kinh nghiệm và kỹ năng mà tôi có là hoàn hảo cho việc thực tập tại một công ty như Duff and Phelps”.
Và bức thư này đã phát huy tác dụng. Ross sau đó đã nhận được lời mời phỏng vấn, một kỳ thực tập mùa hè và cuối cùng, một công việc chính thức tại công ty này.
Những câu chuyện kể trên cho thấy rằng, việc tạo nên sự khác biệt là vô cùng quan trọng. Thực tế có hàng trăm người nộp đơn ứng tuyển cho một vị trí đăng tuyển công khai dẫn đến việc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Chính vì vậy, Andy khuyên rằng: “Không cần nộp đơn xin việc vào quá nhiều công ty nhưng cần phải suy nghĩ thận trọng hơn tại sao bạn lại nộp đơn vào đây và bạn sẽ nói gì”.
Theo Trí Thức Trẻ
Xem bài gốc tại đây