Không lựa chọn học ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Trọng Đạt đã đi làm để xác định đam mê, ước mơ thực sự của mình. Biết cách tỏa sáng và nhất quán trong việc thể hiện, anh chàng đẹp trai, đa tài đã giành được học bổng Chevening danh giá.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Nguyễn Trọng Đạt
Năm sinh: 1991
Hoạt động và thành tích nổi bật:
– Giải nhất cuộc thi BSNEU Case Analysis Competition 2012 – Cuộc thi phân tích tình huống kinh doanh tổ chức bởi Viện Quản trị kinh doanh – ĐH KTQD cho các bạn sinh viên tại Hà Nội.
– Giải nhì cuộc thi hùng biện, phản biện bằng tiếng Anh – BeePro 2012.
– Giải ba cuộc thi Sinh viên thanh lịch – “Tài hoa Kinh tế” của ĐH KTQD.
– Giải nhì cuộc thi Nielsen Case Competition 2012.
– Một số giải thưởng về tài năng ở công ty.
– Giành được học bổng Chevening – chương trình Quản trị chiến lược tại trường đại học Warwick – top 6 đại học ở Anh và đứng Top 2 trong lĩnh vưc quản trị.
– Giành được học bổng Irish Aid.
Trọng Đạt vừa giành học bổng toàn phần cao học Chevening của Bộ Ngoại giao Anh.
“Nhất quán” để giành học bổng cao học Chevening danh giá
Sau khi theo học khoa Quản trị Kinh doanh bằng tiếng Anh – EBBA, Viện Quản trị Kinh doanh trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đạt đã đảm trách vị trí chuyên viên cấp cao, thuộc phòng nghiên cứu định tính của một công ty nghiên cứu thị trường trong TP. Hồ Chí Minh hơn 3 năm.
Trong thời gian đó, Đạt chuẩn bị mọi thứ cho việc “săn” học bổng, và mới đây, cậu đã giành được học bổng Chevening toàn phần – chương trình danh giá của Bộ Ngoại giao Anh với quy mô toàn cầu, dành cho những nhà lãnh đạo trong tương lai.
Với học bổng này, Đạt theo học ngành Quản trị chiến lược tại trường đại học Warwick – top 6 đại học ở Anh và đứng Top 2 trong lĩnh vực quản trị. Theo Đạt, ngoài những kinh nghiệm về lãnh đạo và tạo dựng mối quan hệ – hai trọng tâm lớn của học bổng Chevening, điều lớn nhất giúp chàng trai này nhận được học bổng là “sự nhất quán”.
Đạt cho rằng, thuyết phục một hội đồng khắt khe và cạnh tranh với hàng ngàn nhà lãnh đạo tương lai từ khắp nơi, mỗi người phải đem tới một câu chuyện có sức nặng, có tính thuyết phục cao.
“Mình tin ai cũng có rất nhiều thành tích và câu chuyện về bản thân để kể, nhưng không phải điều gì cũng nên chia sẻ, cần chọn những câu chuyện liên quan tới mục tiêu xin học và mục tiêu sự nghiệp tương lai của mình. Không chỉ vậy, mình đã sắp xếp nhất quán, liền mạch với mục tiêu của tổ chức trao học bổng để họ hiểu rõ nhất về mình và thấy mình là người phù hợp”, Đạt chia sẻ.
Không đi du học ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, Trọng Đạt quyết định đi làm để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp và định hướng tương lai.
Và Đạt cũng tiết lộ rằng, thời gian đi làm đã giúp thực hiện được điều đó, nhờ sự mài giũa kỹ năng phân tích và kỹ năng kể chuyện (cách viết báo cáo). “Ngoài ra, khi bước vào vòng phỏng vấn, “luôn là chính mình” cũng là chiếc chìa khoá để giúp mình thành công.
Khi kể câu chuyện của bản thân, mình lấy chính những trải nghiệm thực tế để chứng minh trước những người phỏng vấn đầy kinh nghiệm, chứ không phải trong sách vở, hoặc “bịa đặt” ra những thứ không phải của mình. Bởi vì những người phỏng vấn có đủ “vũ khí” để biết bạn nói thật hay nói dối.
Tâm lý bạn đi phỏng vấn để giải quyết cái hồi hộp, sợ hãi đã đủ mệt rồi, giờ phải căng não để cố gắng bảo vệ những cái mình nói không đúng, thì chắc chắn kết quả sẽ không thể nào tốt”.
Tích cực trong suy nghĩ
Tự nhận mình là người tích cực trong suy nghĩ, thái độ, Đạt luôn nhìn mọi thứ bằng con mắt lạc quan, vui vẻ. Chính điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách cảm nhận về hạnh phúc trong cuộc sống của Đạt.
“Với mình, luôn suy nghĩ tích cực, bản thân sẽ là người hạnh phúc nhất”, Đạt chia sẻ.
Đạt chia sẻ: “Hạnh phúc cũng từ những điểm số bạn chấm cho mình mà ra. Giống như câu nói: Happiness is an attitude. Thái độ của bạn về bản thân mới là yếu tố then chốt cho mọi hạnh phúc bạn có trong cuộc sống. Với mình, luôn suy nghĩ tích cực, bản thân sẽ là người hạnh phúc nhất”.
Đạt cho biết, cậu cũng từng thất bại và gặp nhiều điều tiêu cực. “Nhưng mỗi lần như thế, mình lại tự điều chỉnh bản thân để chuyển suy nghĩ theo một hướng khác: Thất bại là cơ hội để học hỏi – Tìm ra lý do thất bại, nhược điểm của bản thân và cách khắc phục. Con người chỉ có thể đi lên sau khi thất bại chứ khó mà đi xuống, vì mình đã có kinh nghiệm rồi. Và từ đó mình nghĩ: Gặp thất bại là cơ hội để bản thân đi lên”.
Sếp cũ thỉnh thoảng gặp mình còn trêu: Khách hàng mắng, sếp mắng, mà mặt mình vẫn tỉnh bơ, vẫn cứ cười. Chắc tại mình tập quen cái suy nghĩ đó nên đã “trơ” với những lời nói, suy nghĩ của người khác”.
Lựa chọn đi học sau một thời gian đi làm
Ý định du học nước ngoài của Đạt được ấp ủ từ những năm cuối đại học nhưng không đăng ký học bổng luôn, mà đi làm một thời gian, để tìm ra con đường thực sự muốn gắn bó, phát triển.
Trong thời gian ấy, Đạt đã xác định được đam mê của bản thân là tạo cảm hứng cho người khác. “Mình dự định sau khi trở về nước sẽ có cơ hội làm việc tại công ty hàng đầu về tư vấn quản trị và chiến lược, nhằm thỏa mãn đam mê tạo cảm hứng cho khách hàng bằng những hiểu biết, thông tin quan trọng, phục vụ cho mục đích hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam”.
Nụ cười thường trực nơi chàng trai 9X này.
Đạt cho rằng, lựa chọn của mình tốt hơn việc bắt đầu luôn chương trình cao học, ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Theo Đạt, hạn chế của giáo dục của Việt Nam là còn nặng về lý thuyết và chưa có tính thực hành cao, mới chỉ cho người ta ở đâu có cá chứ chưa cho người ta biết cách làm thể nào để câu cá thực sự.
“Do đó, nhiều sinh viên còn thiếu định hướng, ra trường phân vân chưa biết làm gì hoặc tưởng rằng những môn mình thích trên trường cũng chính là công việc bản thân muốn làm sau này. Song khi đi làm, mình mới biết bản thân phù hợp và đam mê với công việc gì, từ đó có học lên, cũng sẽ là đầu tư đúng đắn”, Đạt bày tỏ.
Như chứng kiến của Đạt, không ít sinh viên chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế, sau khi ra trường đã học thạc sĩ luôn. Khi hoàn tất chương trình, các bạn ấy lại làm một công việc không liên quan tới những thứ đã học, sẽ vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí tiền bạc của bố mẹ, lại vừa hạn chế cơ hội của mình trong mắt nhà tuyển dụng.
“Bởi không ai muốn thuê một người học cao (đa số sẽ hi vọng được mức lương sẽ cao hơn những người học cử nhân) nhưng kinh nghiệm làm việc lại không có. Vậy nên mình nghĩ, hãy tìm đam mê đích thực trước rồi mới nên đầu tư cho đam mê đó”, Đạt chia sẻ.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây