
Bài dự thi Hành Trình Nước Mỹ 5 – Thể loại Ảnh/Video
Điều kì diệu nhất xuất phát từ con tim!
Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh
Một số bạn bè quốc tế tỏ ra ngạc nhiên khi mình hay ăn cơm buổi sáng. Mình cười bảo có thể ăn cơm bữa này qua bữa khác, tựa như các bạn ấy ăn mì hay bánh mì. Và mỗi lần như thế, mình lại giơ bức ảnh cánh đồng quê như tranh vẽ với màu vàng ruộm của lúa chín cho mọi người xem. Từ cánh đồng dọc bờ sông ấy, chỉ đi vài bước là tới ngay ngõ nhỏ rẽ vào nhà mình.
Cánh đồng lúa quê hương
Thực lòng ngày nhỏ mình rất xấu hổ khi bố bảo dắt bò ra đồng, cộng thêm nỗi lo canh cánh bò chạy mất hay ăn lúa của người khác. Lúc đó, mình chưa đủ lớn để hiểu được vẻ đẹp của bức tranh Đông Hồ em bé thổi sáo trên lưng trâu. Mình cũng không thoải mái khi phải theo mẹ đi cấy, đi gặt dưới cái nắng oi ả của miền quê Bắc Bộ ngày mùa, hay cái lạnh cắt da mùa cấy vụ đông xuân. Ai đã từng phải lội ruộng sâu ngập quá đùi, lôi từng bó lúa lên bờ, hay lội xuống ruộng cấy dưới thời tiết “chết cả cá cờ” mới thấu hiểu những vất vả đã nuôi mình khôn lớn. Ngày đó mình khóc khi mẹ mắng cấy không thẳng hàng. Sâu thẳm trong suy nghĩ của em bé lớp 5 ngày ấy là làm sao để sau này mình không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, làm sao để bố mẹ có một cuộc sống đỡ vất vả, lam lũ. Dưới cánh đồng quê yên bình, bát ngát ấy là bao mồ hôi, mưa nắng, nhọc nhằn đã nuôi lớn mình, cũng như bao thế hệ người Việt.
Ngày đầu tiên đặt chân tới Mỹ, mình vui, hạnh phúc, háo hức. Vali của cô gái đôi mươi chưa có quá nhiều trải nghiệm không có gì nhiều nhặn. Món đồ được nâng niu nhiều nhất là tấm áo dài may trước dịp qua nước ngoài. Mình chỉ cao 3 mét bẻ đôi, nhưng bất kể có dịp nào “hợp lý” một chút, một chút thôi là sẽ mang áo dài ra mặc.
“Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi!”
Món quà nhỏ mình mang tặng 2 em, lòng xốn xang trước độ dễ thương của 2 nhóc khi mặc áo dài. Các em mặc vào ngày sinh nhật mình, vào ngày Tết, mình hiểu mọi người muốn mình vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà trong những dịp ấy.
Tết tết tết tết đến rồi!
Ngày được dẫn xuống chợ Á, mình vui như bắt được vàng khi nhìn thấy lá lốt. Hạnh phúc hơn khi chả lá lốt trở thành món tủ của mình. Có một niềm vui nhỏ cứ nhảy múa trong lòng mình khi “chalalot” xuất hiện đều đều trong những trang viết của em bé tại trường khi được hỏi về món ăn yêu thích. Em ước mơ trở thành phi hành gia, em trả lời “chalalot” khi được hỏi em sẽ mang gì lên phi thuyền nếu chỉ được mang một món đồ ăn theo. Hương vị nước mắm cũng cứ vậy trở nên quen thuộc trong gia đình thứ hai, theo những món ăn mình nấu một cách tự nhiên và từ từ nhất. Mỗi khi mình nấu cơm, cả nhà sẽ tự động mang đũa ra dùng, bằng tất cả kiên nhẫn và cố gắng. Hướng dẫn mọi người cách dùng đũa, mình tự hỏi mình thành thạo việc này từ khi nào, chính mình cũng không trả lời được, vì việc ấy nó tự nhiên quá.
Em muốn ăn “chalalot”
Mình tin, rất tin, bất kì người Việt yêu nước nào cũng tự hào về dòng máu chảy trong tim mình và sẵn sàng chia sẻ, đưa hình ảnh đất nước đi xa hơn. Mình đã rất buồn, trăn trở khi nghe tin, đọc báo về khúc ruột miền Trung. Mình không giấu khi được hỏi về vấn đề an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và thực trạng cuộc sống của người dân Việt Nam. Mình nhớ mãi khi mình và một cô bạn đồng thanh “Không!” khi một bác người Mỹ hỏi có nên lái xe khi tới Việt Nam. Rồi cười rung xe khi bác bảo “Thế thì phải đội 2 mũ bảo hiểm” khi mình bảo mình sẽ chở bác chu du khắp Hà Nội trên xe máy. Đã từ lâu mình không còn trốn tránh khi phải nhắc tới những hạn chế của đất nước mình. Có đôi khi không giấu được cảm giác bất lực, nghẹn ngào vì thấy mình quá bé nhỏ. Tự hỏi mình đã làm được gì, sẽ làm được gì để xóa bớt đi cảm giác bất lực ấy.
Ngày học đại học, mình cùng với các thành viên khác của đội tuyển ENACTUS NEU (SIFE NEU), với châm ngôn “Pay it forward, never give up” luôn mong ước sẽ thay đổi được phần nào những vấn đề đang tồn tại. Tụi mình đã rất vui khi thấy nụ cười của các bác nông dân trong dự án xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ. Vui hơn khi những sản phẩm hữu cơ sạch được đưa tới tay người tiêu dùng. Mình cũng sẽ không bao giờ quên ánh mắt thơ ngây của em bé vùng cao Lào Cai, Yên Bái khi được anh chị trao tặng cặp sách, đồ dùng học tập, khi được cùng anh chị hát, múa, chơi trò chơi. Đó đây vẫn còn những câu chuyện đáng buồn về chất lượng cuộc sống hay điều kiện học tập của các em học sinh vùng khó khăn. Nhưng những nỗ lực âm thầm, bền bỉ sẽ góp phần đưa tới hình ảnh một Việt Nam đẹp hơn, đáng tin hơn.
Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ tại Lương Sơn, Hòa Bình-
vì một Việt Nam sạch và an toàn hơn
The Schoolbag Vietnam- bắt nguồn từ ý tưởng của đội tuyển ENACTUS Griffith Úc- mỗi chiếc túi trao đi là một ước mơ được thắp!
Sau này, mình muốn tiếp tục là cô giáo dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ngay trên quê hương mình. Ngôn ngữ ấy đã mở ra cánh cửa để mình bước đi xa hơn, để mình có thể mang hình ảnh đất nước theo từng mảnh đất mình đặt chân tới. Đó cũng là lí do mình quyết định tạm gác lại công việc, tham gia chương trình trao đổi văn hóa, với mong ước gom thêm trải nghiệm để có thể sẻ chia với các lớp em sau này. Các em là những mầm non sẽ bước tiếp hành trình quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt với bạn bè quốc tế. Mình không phải là người đầu tiên, đã có biết bao cô giáo ngày đêm say mê truyền lửa, nhưng mình sẽ là người tiếp thêm lửa vào ngọn đuốc đang cháy đó. Sẽ có khó khăn, thử thách nhưng mình tin là hình ảnh cô bé lớp 5 năm nào sẽ cho mình động lực để vượt qua.
Mình từng ước có thể vẽ bức tranh đất nước đẹp lung linh trên cát như một nghệ sĩ nào đó, hay sáng tác một ca khúc thay cho lời chào Việt Nam. Nhưng rồi nhận ra, ai cũng có thể tạo nên tác phẩm yêu nước theo cách độc đáo của riêng mình, chỉ cần không quay lưng đi, không buông ánh mắt vô cảm. Chỉ cần trong tim có hai chữ Đất Nước, bởi điều kì diệu nhất xuất phát từ con tim!