
Mã số 016 – Bài dự thi Tết Việt trên đất Mỹ 2018 chủ đề “Mâm cỗ Tết”.
Nếp Nhà
Tác giả: Mạc Đăng Huy
Tôi đã luôn nghĩ du học sinh làm gì có Tết vì linh hồn của Tết là gia đình đoàn viên. Trước Tết vài ngày, tâm trạng của tôi trở nên rất tệ, và luôn tự hỏi tại sao mình lại ở một nơi xa như vậy, để mẹ lần đầu tiên phải chuẩn bị cỗ Tết một mình mà không có con gái bên cạnh lăng xăng phụ giúp. Khi nhận thông báo về chương trình đón Tết của Hội người Việt tại St. Louis, tôi đã gọi điện hỏi mẹ rằng tôi nên làm món gì để chuẩn bị một mâm cỗ Tết đúng nghĩa. Mẹ tôi chỉ nói “Con nấu gì cũng được, miễn là con dành trọn tấm lòng vào món ăn và mong may mắn đến với người thưởng thức thì đó chính là tinh thần của Tết”.
Một chút tự hào khi lần đầu tiên tự gói bánh chưng. Tôi gọi đây là bánh chưng ”sinh viên” vì gói bánh chưng hình tam giác giúp tiết kiệm nhiều thời gian và nguyên liệu hơn bánh chưng truyền thống.
Sáng mùng một Tết, nhà chúng tôi nhộn nhịp luộc gà, cuốn nem, làm nộm, hấp bánh bèo. Tôi tự nhiên cảm thấy rất an lòng khi ở trong căn bếp thoảng hương thơm của rau mùi, nấm hương, mộc nhĩ, hành tỏi. Đó chính là mùi vị của Tết, là ký ức về nếp nhà mà mẹ luôn muốn tôi gìn giữ.
Chúng tôi mỗi người mang một món ăn tới bữa tiệc năm mới của Hội người Việt tại St. Louis, tạo thành mâm cỗ Tết lớn nhất, đa dạng nhất, và cũng rộn rang nhất mà tôi từng có.
Bữa tiệc có sự tham gia của các trường xung quanh thành phố Saint Louis như Saint Louis Community College, Washington University in Saint Louis, Fontbonne University, Webster University, Lindenwood University, Saint Louis University, Saint Louis College of Pharmacy, Missouri University of Science and Technology và University of Missouri-Saint Louis.
Mỗi người hào hứng giới thiệu về món ăn của mình và chia sẻ các công thức mới, và lên kế hoạch gặp nhau thường xuyên hơn để ngày nào cũng là Tết.
Các món ăn đặc trưng của ba miền Bắc, Trung, Nam được mọi người chia sẻ với nhau. Mỗi món ăn là nỗi nhớ, là sự mong chờ, là chút tiếc nuối, là sự cảm động, và là lòng thành mà người nấu gửi trao với mong muốn một năm an lành với những người xa xứ.
Thưởng thức các món ăn trong mâm cỗ Tết đặc biệt chính là phần được trông chờ nhất.
Tôi hiểu rằng dù ở đâu thì Tết vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, miễn là mỗi chúng tôi luôn trọn vẹn sự trông ngóng và chăm chút cho những món ăn được nấu ra để gìn giữ văn hóa và giới thiệu tinh thần dân tộc tới bạn bè quốc tế. Mâm cỗ dù khác nhau về sự bày biện, các món ăn có thể không thuần truyền thống như của bà của mẹ nữa, nhưng vẫn làm ấm lòng những người con xa nhà đang từng ngày trưởng thành, bước ra thế giới, trải nghiệm những điều mới mẻ nhưng trong tim vẫn luôn gìn giữ nếp nhà thiêng liêng.
Cái Tết xa nhà đầu tiên đã không còn cô đơn vì những người bạn tuyệt vời. Những tiếng cười và lời chúc chúng tôi dành cho nhau sẽ là khởi đầu may mắn cho một năm mới đầy hy vọng.
– Mạc Đăng Huy –
“Tết Việt trên đất Mỹ” là cuộc thi thường niên do Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức nhằm khuyến khích các du học sinh và người Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ chia sẻ các hoạt động sáng tạo (bằng hình ảnh, bài viết hoặc video clip) về Tết cổ truyền của Việt Nam trên đất Mỹ. Cuộc thi “Tết Việt trên đất Mỹ” năm 2018 có chủ đề “Mâm cỗ Tết”.