Mua và xây nhà ở Mỹ để an cư lạc nghiệp luôn là một tư tưởng quan trọng trong suy nghĩ của đại đa số người Việt sinh sống tại Mỹ.
Nhà không chỉ là nơi ở, còn là tổ ấm, nơi mọi người quay về nghỉ ngơi tái tạo năng lượng sau những giờ làm việc bận rộn đầy áp lực. Vì thế việc mua và xây nhà luôn được người Việt quan tâm và chú trọng, đặc biệt tại Mỹ, nơi luôn có những quy định khác biệt khác với Việt Nam.
Vậy thì việc mua nhà và xây nhà ở Mỹ có gì cần chú ý? có những điều gì cần tránh? Hôm nay bài viết này sẽ giúp bạn đọc giải quyết phần nào được những thắc mắc của mình. Bài viết được dựa trên thông tin của chị Ellie Phuong D.Nguyen, người đã sinh sống và làm việc ở Mỹ 16 năm và đã có những trải nghiệm ở cuộc sống ở nhiều tiểu bang khác nhau.
Theo chị mua nhà và xây nhà ở Mỹ rất khác với Việt Nam. Đa phần đều có quy trình tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng. Toàn bộ thông tin về lịch sử mua bán, giá cả của căn nhà đều minh bạch trên website. Theo kinh nghiệm của chị thủ tục giấy tờ mua bán nhà khá phức tạp nên thông thường cả bên mua và bên bán đều nên thuê một Realtor/Chuyên viên môi giới nhà làm đại diện mua bán, với phí khoảng 3% mỗi bên, nhưng bên mua không trả vì bên bán sẽ phải thanh toán hết 6% phí môi giới này cho cả 2 phía Realtors.
Kinh nghiệm mua nhà tại Mỹ nói chung
Đầu tiên, khi mua và xây nhà ở Mỹ các bạn có thể lên các website như Zillow, Redfin, Realtor, Trulia để tìm và lọc nhà theo các tiêu chí mình yêu thích.
Khi đi xem nhà các bạn thường phải có Realtor của mình đi cùng, hoặc bạn có thể tự đến xem vào các ngày mở cửa tự do “open house”, thường là cuối tuần. Với Realtor/Chuyên viên môi giới nhà, các bạn nên chọn người nhiệt tình, giàu kinh nghiệm về các khu nhà trong địa phương mình mua.
Thứ hai, nếu bạn muốn mua nhà dễ bán lại hoặc cho thuê nên chọn khu có những trường học tốt (xem xếp hạng trường trên greatschools.org), tọa lạc gần khu trung tâm thương mại, bệnh viện nhưng đừng quá gần để tránh ồn ào. Cùng không nên quá gần khu nhà sinh viên hay thuê, việc này để tránh không bị chó vệ sinh bừa bãi trước sân, hay tiệc tùng ồn ào thâu đêm, nhất là cuối tuần.
Tiếp theo, nếu bạn vay ngân hàng thì thương lượng lãi suất bằng cách lấy tỷ giá từ 3 ngân hàng để cạnh tranh, điểm credit/tín dụng càng cao thì càng dễ được lãi suất thấp.
Thứ 3, người mua nhà lần đầu sẽ được hưởng ưu đãi tốt hơn về lãi suất và tiền đặt cọc. Nhà chị Phương mỗi người đứng tên chính một căn để có ưu đãi cả hai. Nếu chọn trả trong 15 năm thay vì 30 năm, tiền trả lãi suất sẽ được giảm đáng kể.
Về thời gian xem nhà, đối với căn mình thích bạn nên đến xem nhà vào cả ban ngày và ban đêm nhiều lần, để xem khu dân cư thế nào, có gì đáng lưu ý không. Bạn có thể bắt chuyện với hàng xóm xung quanh để biết thêm tình hình cụ thể.
Cuối cùng là xem kỹ bản điều lệ HOA (Homeowner Association) yêu cầu những điều kiện nào cho nhà ở trong khu vực đó. Các điều khoản này hầu như rất khó thay đổi sau khi các bạn vào ở, do đó phải thương lượng ngay từ ban đầu. Điều này cũng áp dụng khi bạn mua và xây nhà ở Mỹ bao gồm cho cả nhà mới xây.
Kinh nghiệm xây nhà mới trong khu dự án
Tùy theo tiêu chí cá nhân mà các bạn chọn khu đất có phương hướng hợp phong thủy, nhưng nên tránh chỗ đường cái đâm thẳng vào nhà, hay tránh chỗ có cống rãnh nằm trực tiếp trước nhà vì sau này sẽ khó bán. Tuỳ theo builder/chủ xây mà bạn có thể sẽ trả thêm tiền nếu chọn khu đất có hướng đẹp, như nhà nằm bên hồ hay ở cạnh công viên.
Đối với kiểu nhà, mỗi builder/chủ xây sẽ có nhiều mẫu thiết kế với diện tích nhà & cách bố trí các phòng khác nhau để khách hàng lựa chọn. Nếu tự thiết kế toàn bộ ngôi nhà bạn cần làm việc thêm với bên đồ hoạ để lên bản vẽ và tự thuê builder xây theo ý mình.
Chọn vật liệu xây dựng. Tùy theo nhà đã khởi công đến đâu mà chủ nhà có thể được chọn loại gạch/đá, vật liệu lót sàn, kiểu dáng, màu sắc và các chi tiết trong nhà. Còn nhà dạng pre-selection/đã chọn trước theo mẫu nhà để chủ thầu tiết kiệm giá thành, người mua sẽ có rất ít lựa chọn về màu sắc và kiểu dáng.
Kiểm tra tiến độ xây dựng, theo từng giai đoạn chủ thầu sẽ báo chủ nhà, sẽ có người của thành phố đến kiểm tra xem các yêu cầu kỹ thuật và độ an toàn có đạt chuẩn hay không. Bạn nên nói chuyện với builder/agent thường xuyên để cập nhật tình hình.
Chúng ta cũng cần đến và kiểm tra sau mỗi giai đoạn xem việc công trình có sai thiết kế ban đầu, nếu có bạn cần phải báo lại ngay và yêu cầu sửa chữa nhanh chóng. Trong quá trình xây dạng này chị Phương rất nhàn, thỉnh thoảng mới tạt qua kiểm tra với thời gian hoàn tất khoảng 9 tháng.
Về việc thương lượng các điều khoản khi mua nhà, nhất là HOA cần được thực hiện trước khi closing day, vì sau đó rất khó để thay đổi. Vào ngày nhận nhà các bạn cần quay phim lại lúc được hướng dẫn sử dụng các thiết bị điện, các đường ống thoát nước, thay đổi giữa gas và điện, bảng điều khiển.
Trong thời gian bảo hành nhà các bạn cần để ý thường xuyên xem ngôi nhà có gì cần chỉnh sửa hay không, cũng cần xin số liên lạc các chỗ sửa tốt, uy tín. Cuối cùng, đừng quên thuê người xịt mối, côn trùng mỗi quý. Kiểm tra máy nóng/lạnh mỗi năm để bảo trì máy móc cho tốt.
Trên đây là một vài kinh nghiệm mua và xây nhà tại Mỹ được chị Ellie Phuong D.Nguyen chia sẻ. Nếu chúng ta có thêm những kinh nghiệm khác, đừng ngại ngần chia sẻ thêm cho chúng tôi với nhé. Hy vọng các thông tin hữu ích trên sẽ giúp các bạn chọn được cho mình một mái ấm hạnh phúc và vui vẻ ở Mỹ!.
Bạn có thể đọc thêm kinh nghiệm về Làm gì khi gặp rắc rối ở Mỹ