Nếu được hỏi ước mơ lớn nhất của mình trong cuộc sống là gì, tôi cam đoan rằng phần lớn học sinh sinh viên Việt Nam đều có câu trả lời là được đi du học. Đi du học để được nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng sống, kỹ năng học tập và nghiên cứu, được khám phá một nền văn hóa mới và được mở rộng tầm hiểu biết của mình; tuy nhiên, con đường để đạt được những mục tiêu này đầy chông gai, thử thách và những trải nghiệm trên con đường này là những hành trang quý báu để chúng ta có thể vững vàng bước vào cuộc sống.
Cũng như các bạn học sinh và sinh viên Việt nam, ước mơ cháy bỏng của tôi là được đi du học, đặc biệt là du học ở Mỹ – một đất nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới và đây là một quốc gia đa sắc tộc – một môi trường để tôi có thể tiếp xúc và hiểu các nền văn minh trên thế giới và tôi tin rằng chuyến đi sẽ hứa hẹn nhiều thú vị. Chuyến bay của tôi từ Việt nam sang Mỹ kéo dài 36 tiếng và đã làm cho tôi trải qua những cảm xúc trái ngược nhau. Đầu tiên đó là cảm xúc rất vui sướng và xen lẫn với niềm tự hào khi tôi bay từ Nội Bài sang sân bay Narita – Nhật Bản. Mặc dù tôi phải ngồi đợi để chyển máy bay sang San Francisco ở Narita hơn 8 tiếng đồng hồ nhưng tôi vẫn không có một cảm giác gì gọi là buồn vì tôi đang mải ngắm sân bay, xem các hoạt động của sân bay cũng như những người xung quanh một cách đầy tò mò và thú vị. Tuy nhiên, chuyến bay 20 tiếng từ Narita sang San Francisco đã làm cho tâm trạng tôi chùng xuống khi tôi nghĩ đến việc khi nào mình có thể quay trở về Việt Nam, được gặp lại bố mẹ và những người thân, được ăn những bữa cơm gia đình sum vầy. 13000 cây số, một khoảng cách tương đương với nửa vòng trái đất và đó là con đường bắt đầu một cuộc sống mới của tôi. Khi đến sân bay San Francisco, tâm trạng tôi lại càng buồn hơn vì những người đi cùng chuyến bay với tôi đều có người thân ra đón với những cái ôm thật chặt và những câu chuyện của những người lâu ngày không gặp nhau. Những hình ảnh này làm cho sống mũi tôi tự nhiên cay cay. Sau 4 tiếng đợi máy bay và 2 tiếng bay từ San Francisco đến sân bay quốc tế Dulles tại thủ đô Washington DC, hành trình 13000 cây số đã đưa tôi đến vùng đất hứa, vùng đất tự do, và “thiên đường của tôi” với hành trang là những vali đầy quần áo, thức ăn Việt Nam và nỗi nhớ gia đình da diết. Đón tôi ở sân bay là một người bạn Trung Quốc trong hội sinh viên của trường và ông bạn đã rất nhiệt tình đưa tôi ra sân bay và trò chuyện để tôi bớt đi nỗi buồn. Trên đường từ sân bay về trường, những hình ảnh về một nước Mỹ với đường cao tốc, với các loại ô tô và những hàng cây xanh dọc hai bên đường đã dần hiện lên và đã làm tôi choáng ngợp. Chốc chốc ông bạn nói chuyện với tôi về những kinh nghiệm sống cũng như việc học tập ở Mỹ và hướng dẫn đường đi lối lại nhưng dường như tôi không nghe thấy vì những hình ảnh đầy màu sắc ở đất nước được xem là thiên đường của nhân loại đã lôi cuốn tôi một cách ma mị. Trước khi sang Mỹ học, tôi đã liên hệ với trường và trường đã bố trí cho tôi một phòng off-campus với 2 người bạn Kenya và 1 bạn người Eritrea và nhà tôi cách trường khoảng 2 miles. Tôi về đến nhà lúc 10h tối và các bạn đã bố trí cho tôi một phòng với đầy đủ các vật dụng cần thiết cho cuộc sống.
Tôi bắt đầu cuộc sống tự lập của mình bằng việc tập nấu ăn và tự sắp xếp các cuộc sống cho bản thân. Trong những tuần đầu, bữa ăn của tôi chỉ là mì tôm đưa từ Việt Nam sang và trứng gà do mấy ông bạn trong phòng đưa cho. Sau vài tuần, mấy ông bạn cùng phòng đã đưa tôi đi đến chợ châu Á ở gần nhà, Walmart… và tôi có thể nấu các món ăn châu Á một phần là hợp khẩu vị, một phần khác là tiết kiệm được tiền vì nếu bạn đi ăn McDonald hoặc gà rán Kentucky (KFC) thì mỗi bữa bạn sẽ phải trả hơn $5, một khoản tiền khá lớn so với cuộc sống sinh viên. Với kinh nghiệm nấu nướng là zero cùng với cẩm nang nấu ăn Google, tôi đã có những tình huống dở khóc dở cười trong những tháng đầu tiên. Những hôm ngồi ăn cơm sống hoặc nhão do quên bật sang chế độ nấu của nồi cơm điện hoặc phải nấu nồi cơm trên bếp gas do mất điện là chuyện không hiếm ở “cường quốc số một thế giới”. Thỉnh thoảng tôi thưởng thức những món ăn có đầy đủ các vị khê, mặn, cay, ngọt do quên công thức chế biến mà vẫn cảm thấy ngon lành. Những khó khăn và thử thách này làm cho tôi thêm có ý chí và quyết tâm để cố gắng đạt được mục tiêu của mình.
Việc học tập ở nước Mỹ thực sự là một thử thách đầy gian nan và khó khăn. Khác với giáo dục Việt nam và các nước khác, nền giáo dục Mỹ tập trung vào việc đào tạo tính tự tìm tòi khám phá và nghiên cứu, và đề cao tính độc lập, tính khác biệt của từng cá nhân, đặc biệt đối với cấp học tiến sĩ. Mỗi buổi học ở trường là những buổi tranh luận gay gắt và căng thẳng giữa thầy và trò và đó là những cuộc chiến thực sự về kiến thức cũng như về trình độ. Nếu sinh viên hoặc giáo viên không tự trang bị, bổ sung, và cập nhật kiến thức thường xuyên thì sinh viên sẽ bị đào thải và không thể theo kịp những buổi học trên lớp. Nguồn tài liệu ở Mỹ là vô cùng và cách tiếp cận nguồn tài nguyên này là một việc làm không khó khăn; tuy nhiên, để có thể tận dụng được nguồn tài nguyên này, sinh viên phải tự trang bị các kỹ năng đọc, viết và đặc biệt là kỹ năng critical thinking để có thể đưa ra được những cái riêng của mình. Một việc làm mà hệ thống giáo dục của Mỹ cấm đó là việc đạo ý tưởng của người khác vào nghiên cứu của mình, thậm chí viết nguyên văn một câu từ một nghiên cứu khác mặc dù các sinh viên đã trích các nguồn dẫn một cách rõ ràng, điều này bắt buộc sinh viên phải biết vận dụng các kết quả của các nghiên cứu khác một cách linh hoạt để kiến thức đó thực sự là của bản thân mình. Một điểm khác biệt làm cho các nghiên cứu ở Mỹ có tính ứng dụng thực tế cao là các giáo sư sẽ định hướng các sinh viên gắn các nghiên cứu của mình với thực tế của cuộc sống đang diễn ra. Để bắt đầu một nghiên cứu, sinh viên phải xuất phát từ câu hỏi nghiên cứu và đây là một cách tiếp cận rất thực tế và thú vị. Bắt nguồn từ việc sinh viên thấy trong thực tế có những vấn đề gì còn tồn tại để đặt ra những câu hỏi và vấn đề nghiên cứu, sau đó dựa vào những kiến thức cũng như các kỹ năng được trang bị để đưa ra câu trả lời cho những vấn đề thực tế đó. Chính điều này đã không những làm cho các nghiên cứu có tính ứng dụng cao mà còn mở rộng các khái niệm mang tính học thuật sang nhiều khía cạnh khác nhau; kết quả là, vấn đề học thuật được nhìn nhận một cách rõ ràng hơn, sâu sắc hơn. Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, một lời khuyên của 1 giáo sư mà tôi sẽ không bao giờ quên được đó là: “Nghiên cứu khoa học là không phải là con đường trải hoa hồng và con đường này không có điểm đầu cũng như điểm kết thúc.” Điều này đã thúc đẩy tôi luôn sáng tạo, nỗ lực không ngừng cho các nghiên cứu của mình và giúp tôi nhận thức ra rằng công việc nghiên cứu đòi hỏi người làm nghiên cứu phải có niềm say mê, sự khát khao chinh phục những đỉnh cao về học thuật để tự hoàn thiện bản thân mình.
Việc tham gia các tổ chức Hội, đặc biệt là các Hội thanh niên sinh viên Việt nam ở các vùng của nước Mỹ là một việc làm rất cần thiết đối với các lưu học sinh Việt nam. Tôi cảm thấy rất may mắn vì đã được sinh hoạt trong Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam ở Washington DC ngay từ những ngày đầu tôi mới sang Mỹ. Được sinh hoạt trong Hội, tôi đã có nhiều cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn tốt – những người sẵn sàng chia sẻ với chúng ta những kinh nghiệm sống và học tập của họ. Ngoài ra, vào những dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Đại sứ quán luôn tổ chức các hoạt động đón Xuân với đầy đủ bánh chưng, cành đào, các tiết mục văn nghệ truyền thống văn hóa đã giúp cho những đồng bào Việt nam xa quê hương bớt đi phần nào nỗi nhớ gia đình – một tâm lý chung của những người con xa Tổ quốc mỗi khi Tết về.
Cuộc sống của lưu học sinh tại đất khách quê người không phải là một cuộc sống dễ dàng như những gì họ đã nghĩ trước khi đi học, mà đó là một cuộc đấu tranh thực sự cho sự sinh tồn của mình trên mặt trận giành kiến thức. Những khó khăn, vất vả, gian nan sẽ được vượt qua bằng ý chí, nghị lực, và đức tin theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình đề ra. Tuy nhiên, chính những khó khăn, vất vả, và gian nan này là những kinh nghiệm sống rất bổ ích để các lưu học sinh phát hiện được những tiềm năng cũng như khả năng của bản thân; từ đó định hướng đúng cho sự thành công của mình trong tương lai.
Nguyễn Thế Anh
Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Washington DC
Nguồn: sinhvienboston.org
Đọc xong muốn khăn gói đi liền ngoặc nổi “tuổi đời mênh mông” ( mid-40s) cũng đã có MA ( Curtin-Úc) học tại VN. Hiện tại là GV Anh ngữ. Bạn nào biết chương trình nào liên quan vì mình muốn học thêm nữa. Hope to hear you all. Thanks.
T Hanh