Bài tham dự cuộc thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Anh
Thấm thoát 3 năm đã trôi qua từ khi tôi trở về quê hương. Buồn có, vui có, nhưng nhiều nhất phải là “nhớ có”, mà “quên” thì lại “ít có”. Hẳn ai sẽ thắc mắc, cuộc sống tại nơi gọi là quê hương, thì nhớ gì, và quên gì?
Đối với tôi, và những người đã dành trọn thời thanh niên trưởng thành của mình tại nước Mỹ, và đặc biệt được nuôi dưỡng, giáo dục, được yêu thương, được trải nghiệm, được sống với những khát khao, ước mơ không giới hạn của tuổi trẻ tại nơi đó, thì nỗi nhớ dành cho nước Mỹ mà chúng tôi mang trong trái tim mình là vô tận. Sở dĩ tôi gọi nỗi nhớ đó là vô tận bởi, 3 năm trôi qua, chưa một ngày nào, mà nỗi nhớ của tôi lại không thổn thức và nguôi ngoai.
Quay lại với câu hỏi: nhớ gì mà nhiều thế? Chắc hẳn những bạn có đồng cảnh ngộ với tôi sẽ thấy không khó để có thể trả lời câu hỏi này, nhưng đối với những ai chưa thực sự trải nghiệm và dành tình yêu cho nước Mỹ, thì khó có thể hình dung ra “nhớ gì mà nhiều thế?”. Ở đây, tôi không có ý cho rằng chúng tôi, những người đã từng biết đến mùi vị của cuộc sống xa nhà, đã trải nghiệm nhiều hơn những bạn chưa bao giờ xa quê hương. Tôi chỉ thấy rằng chúng tôi thật may mắn, khi được biết đến một thứ tình yêu và nỗi nhớ khác trong cuộc sống, đó là tình yêu và nỗi nhớ cho một đất nước mà chúng tôi tự hào gọi là quê hương thứ 2. Nghe thật trừu tượng cho cái thứ tình yêu và nỗi nhớ cao cả đó, nhưng đối với tôi, nó chứa đựng những điều thật nhỏ và giản dị.
Phương Anh cùng bố mẹ nuôi người Mỹ trong một kì nghỉ Spring Break
Nhắc tới nước Mỹ, hẳn ai cũng nghĩ đến sự phồn hoa của một đất nước phát triển bậc nhất thế giới. Còn tôi, tôi không nhớ sự xa hoa, tráng lệ của cuộc sống phát triển nơi đó mà ngược lại, thành phố của tôi là một thành phố nhỏ và thanh bình nhưng tôi nhớ da diết sự bình yên của cuộc sống, sự giản dị của những con người nơi đây. Tôi nhớ vô cùng cha mẹ nuôi người Mỹ của tôi, những người đã đón nhận tôi bằng tình cảm nồng hậu nhất khi tôi mới bước chân sang Mỹ lần đầu tiên năm 17 tuổi để học giao lưu văn hóa, và vẫn tiếp tục quan tâm, dõi theo bước đường đời của tôi cho tới tận bây giờ. Tôi nhớ những ngày tháng ở đại học, chúng tôi học tập hết mình, nhưng cũng làm việc và cống hiến hết mình bởi tôi biết rằng, tại nơi đây, tôi chỉ được sống một lần như thế. Tôi nhớ sự chân thành và lòng yêu mến xuất phát từ trái tim của những người Mỹ mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ, được làm đồng nghiệp, sinh viên, hay đơn giản là quét dọn, xé giấy tờ văn phòng cho họ. Chính sự giản đơn trong tình cảm, chân thành trong từng hành động, quan tâm và dõi theo bước đường đời mà họ dành cho tôi đã nuôi dưỡng tình yêu cho đất nước và con người nơi đó trong trái tim tôi lớn dần.
Phương Anh cùng chồng chụp trước hiên nhà tại Oregon
Tôi cũng nhớ những ngày hè oi ả, cả tôi và anh (người giờ đây đã là chồng tôi) ngày đi làm, tối đến nấu cơm ăn cùng nhau ngoài hiên nhà, ngắm trời đất nhẹ nhàng chuyển dần màu hồng tím. Rồi chúng tôi cùng nhau tản bộ trong cái khí lành lạnh của đêm hè, đôi khi vừa đi bộ vừa với tay ngắt lấy mấy trái anh đào hay dâu đen bên đường cho vào mồm ăn ngon lành, cùng nhau nằm trên cỏ ngắm những vì sao trên trời đen thăm thẳm không gợn một bóng mây, rồi cũng reo lên thích thú khi nhìn thấy sao xẹt ngang qua. Đâu đây, vẫn thấy mùi oải hương lướt qua trên cánh mũi nhè nhẹ, mùi cỏ và sương đêm hòa quyện nồng nàn trong hơi thở của đất. Hạnh phúc chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng lúc đó tôi thấy tôi là người con gái hạnh phúc nhất trên đời. Đó là tất cả những gì tôi hằng mong ước và khát khao cho một mối tình, vừa chân thành, vừa nhẹ nhàng, sâu lắng và cũng rất giản đơn. Tôi thầm cảm ơn nước Mỹ, đã cho tôi gặp được anh, đã cho tôi một mối tình thật đẹp.
Trên đường cao tốc tại bang Washington trong một chuyến đi phượt
Tôi nhớ lắm những chuyến đi mà chúng tôi gọi là road trip với những người bạn thân nhất của tôi. Cứ leo lên xe và lái trên những con đường cao tốc trải dài ngút tầm mắt không thấy đích đến, để tôi được cảm nhận cái mà bao người khi nhắc đến nước Mỹ là nghĩ về nó: tự do. Đúng là như vậy, những ngày tháng đó, những chuyến đi đó đã cho tôi đã cảm nhận được thế nào là sự tự do, nhưng đi kèm với nó là sự tự lập và trách nhiệm với chính bản thân và gia đình. Tôi sao quên được mỗi dịp chúng tôi lái xe rong ruổi trên khắp các nẻo đường, khi thì nhìn thấy đại dương trải ra mênh mông vô bờ bến, êm ả vỗ về trong ánh nắng vàng rực rỡ; khi thì lái giữa hai hàng thông xanh mướt vút trời cao mà quanh năm hiếm khi ngả màu, khi thì đi giữa không gian bao la của hoang mạc, khi lại thấy núi non trập trùng hùng vĩ phủ kín thông xanh, khi lại uy nghiêm lạnh lùng phủ bởi tuyết trắng, khi lại thấy gió mang hương hoa ùa vào xe khiến tôi không thể cầm lòng mà ngó mặt ra đón gió, để nhắm chặt mắt mà hít thở cho căng lồng ngực, và để thấy gió nhẹ nhàng vuốt làn tóc tôi, khi lại thấy những cánh đồng hoa tulip, hay những ngọn đồi trồng nho trải ra ngút ngàn. Kí ức của tôi phủ bởi màu xanh của cây cỏ, của trời đất, của đại dương, và của tuổi trẻ, khiến tôi luôn nghĩ tới câu thơ của một tác giả không nhớ tên: “xanh đến nỗi làn mi tôi khép lại”. Chỉ cần khép mi lại là tôi như thấy cuộn phim kí ức quay chầm chậm, những kỉ niệm ùa về liên tiếp làm tôi choáng ngợp trong phút giây, làm tôi quên mất cả thực tại này.
Phương Anh cùng các bạn thân đến thăm Crater Lake, thắng cảnh của bang Oregon nổi tiếng với hồ nước xanh trên đỉnh núi
Trên đường cao tốc tại bang Oregon trong một chuyến đi chơi
Phương Anh cùng em gái chụp tại Woodburn Tulip Farm, Oregon trong ngày sinh nhật
Tôi cũng nhớ những người bạn đã cùng tôi chia sẻ những kí ức này, cùng sống và làm việc đầy nhiệt huyết, hoài bão và ước mơ, cùng cố gắng mỗi kì tuyển dụng, cùng phấn đấu để đạt được internship hay job offer. Chúng tôi đã cố gắng không ngừng nghỉ và sống hết mình cho những ngày tháng đó, bởi chúng tôi biết trên mảnh đất này không có gì là không thể, nếu bạn thực sự muốn nó.
Phương Anh (trong áo dài Việt Nam) cùng các bạn tại Linfield College, bố mẹ nuôi và đồng nghiệp tại trường cũng như đồng nghiệp tại cơ quan trong ngày tốt nghiệp
Tôi chắc rằng có rất nhiều bạn trẻ như tôi, đã từng trải nghiệm qua những tháng ngày sống nơi xa xứ, và cảm nhận được nỗi nhớ quê hương thứ 2 da diết khi trở về quê hương mình. Chúng ta, mỗi người một con đường, một số phận, nhưng lại cùng chung một nỗi niềm. Giờ đây, ngày ngày nhìn dòng người hối hả chen nhau trong sự chật chội và bon chen của chốn thành thị, lòng tôi không ngăn nổi ý nghĩ: liệu bao người trong số kia đang như tôi? Đang cố lao đi trong dòng đời hối hả cho cuộc sống cơm áo gạo tiền, để những lúc ngồi lại trong yên lặng và trống trải cố gắng tìm lấy câu trả lời: ý nghĩa của cuộc sống này là gì? Liệu có phải là tiền bạc, đia vị, quyền lực hay đôi khi chỉ là hạnh phúc giản đơn mà tôi đã từng có một cách trọn vẹn tại nước Mỹ? Cứ như thế, tôi tiếp tục cố gắng không ngừng nghỉ mỗi ngày, để tìm lấy câu trả lời cho câu hỏi đó của cuộc đời tôi. Tôi cũng hiểu, có những điều mà chỉ được sống một lần trong đời với nó, nhưng dư âm của nó sẽ là mãi mãi và không phai mờ. Nhưng dù chỉ một lần trong đời thôi, cũng là một niềm hạnh phúc vô bờ, một hạnh phúc vô giá mà không phải ai cũng có được.
Cảm ơn nước Mỹ, đã cho tôi một gia đình thứ hai cùng với những tháng ngày đẹp nhất trong đời và những kỉ niệm không bao giờ quên.
Phương Anh
Thật xúc động! Bài viết của Phương Anh khiến tôi cũng yêu nước Mỹ mất rồi, và thấy thật nuối tiếc cho tuổi trẻ thiếu khát vọng, hoài bão và những trải nghiệm tuyệt vời như cô ấy.
Bài viết nhẹ nhàng nhưng nỗi nhớ da diết làm sao!
Bài viết mang thật nhiều cảm xúc
Chị Phương Anh giờ đang sống ở tp nào ạ? College c học là Washington hay Oregon? Em muốn tới đó quá, có 1 cuộc sống “chậm” ở nước Mỹ thật thú vị.
Thanks bài chia sẻ của chị!