Bài dự thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Võ Thị Hồng Hảo, PhD student in Environmental Engineering, University of Arizona
—
Tôi gặp “ông già” một cách tình cờ trong chương trình gặp gỡ sinh viên quốc tế, khi ấy tôi vừa mới đặt chân lên đất Mỹ, còn đang ngơ ngác giữa xứ sở rộng lớn, còn đang cô quạnh ở nơi nhiều tiền nhưng ít tình này. Tuy vậy, như trong bùn hoa sen vẫn nở, giữa sa mạc vẫn có hoa xương rồng, ở nơi nào cũng có những người tốt, những người khiến ta ấm lòng khi cô đơn, khiến ta thêm hy vọng bằng chính sự lạc quan của họ, sự lạc quan của người Mỹ.
“Ông già”, tôi luôn gọi ông như thế, nghe thân thương và gần gũi hơn. Ông làm tình nguyện cho phòng sinh viên quốc tế ở trường Đại học tôi đang học. Ông nói tiếng Việt khá tốt cho dù đã học Tiếng Việt từ lâu lắm và ít khi dùng đến, không chỉ vậy, ông biết tất cả 11 thứ tiếng và nói lưu loát 8 thứ tiếng, đôi khi tôi tự hỏi biết bao giờ mình mới được vậy, học có mỗi Tiếng Anh mà trầy trật mãi mới ở mức tạm được. Ông già còn đọc sách rất nhiều, biết nhiều thứ, cảm giác như ông là cuốn bách khoa toàn thư mà mình có thể tham vấn bất cứ lúc nào. Và ông có thể nói là điển hình cho những người già trên đất Mỹ, không như các quốc gia châu Á, khi về hưu thì người ta không làm việc nữa mà an dưỡng tuổi già, để con cháu phục vụ, người già ở Mỹ năng động hơn nhiều, khi còn có thể họ vẫn tiếp tục làm việc. Ông già sau khi về hưu vẫn tiếp tục phiên dịch tài liệu và thông dịch viên tại nhà qua điện thoại.
Thỉnh thoảng bạn vẫn gặp những người chán thiệt là chán, nói chuyện thì nhạt phèo như nước lã, không muốn gặp lần hai, nhưng với ông già đặc biệt này, tôi luôn muốn nói chuyện với ông, tiếp xúc với ông bạn sẽ luôn thấy cuộc sống này rất ý nghĩa và đáng sống, ông rất lạc quan và có một niềm tin kiên định vào bản thân và những người xung quanh. Ngay cả khi phải đương đầu với nghịch cảnh, với căn bệnh ung thư chết người mà ông mới phát hiện sau chuyến du lịch Nam Mỹ dài ngày, không có gì là chấm hết cả, cửa chỉ đóng khi mình không muốn mở.
Tôi đã bàng hoàng khi biết được tin ông già bị bệnh, dẫu không phải là người thân ruột thịt nhưng từ lâu tôi đã coi ông như người thân của mình và ngược lại, cả ông và vợ ông, hai ông bà cũng xem tôi như con (có lẽ do hai người không có con nên dành cho tôi khá nhiều tình cảm). Điều khá buồn cười là đáng ra tôi phải là người an ủi chia sẻ lo lắng thì ngược lại, họ lại an ủi chính tôi, ông già bảo là bác sỹ nói chữa được, chữa dứt, ông nói: “một người tốt luôn xứng đáng có một cuộc sống tốt”. Nghe cứ như là mình bị ung thư chứ không phải là ổng bị vậy, haiz.
Ai cũng biết, khi mắc bệnh hiểm nghèo, tinh thần của người bệnh là rất quan trọng, nó góp phần rất lớn trong việc điều trị. Ông già này tinh thần chắc có lẽ là trên mức cần thiết. Lần nào qua gặp mặt hay email, hai ông bà già đều cười toe toét và khoe quá trình điều trị bệnh như thế nào, tiến triển ra sao, kế hoạch điều trị sắp tới… Họ tin tưởng tuyệt đối ở bác sĩ và họ tin rằng trong công cuộc chống chọi với bệnh tật, cuối cùng họ sẽ chiến thắng.
Cứ vài ngày, ông già lại email cho tôi biết bệnh tình của mình như thế nào. Tuy ông lạc quan nhưng chuyện trị bệnh không phải là đơn giản, bắt đầu từ khối u ở mắt rồi mới đến khối u ở xương đùi. Tất nhiên, khi bắt đầu xạ trị và hóa trị thì tóc sẽ rụng dần nhưng ông già vẫn tếu táo, sau khi rụng xong thì tóc sẽ mọc lại, màu đen chứ không màu trắng, có khi ông sẽ được trẻ lại như tuổi thanh niên. Tôi ngẫm nghĩ, không biết khi mình bị bệnh, liệu mình có lạc quan được như vậy hay không, hay là ngồi tự kỷ trách đời trách ông trời, hoặc nhìn rộng ra hơn khi hàng ngày trên Facebook, nhan nhản các status của các bạn trẻ than chán nản mệt mỏi, muốn chết … họ chưa buồn nhưng cứ tưởng là họ buồn, họ chưa mệt nhưng luôn nghĩ là mệt, họ đang sung sướng nhưng cứ cho rằng mình là người bất hạnh nhất thế giới, những người lạc quan tích cực rất ít, hay là họ đang giả vờ như thế nhỉ?
Ông già bắt đầu tiến hành xạ trị, giai đoạn 1 kéo dài trong 3 tháng, làm vào buổi sáng, còn buổi chiều ông vẫn làm việc như bình thường, vẫn làm thông dịch viên trên điện thoại. Ông nói khối u ở mắt bắt đầu làm ông thấy khó khăn trong việc đọc sách nhưng việc thông dịch là bằng miệng mà, có ảnh hưởng gì đâu, không việc gì phải nghỉ làm cả, và ông không muốn thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Năm nay ông già đã bước sang tuổi 77, ở Việt Nam người ta gọi là “thất thập cổ lai hy”, đã bước vào cái quy luật nghiệt ngã của tuổi tác, nhưng thể xác có thể già nhưng tinh thần ông vẫn trẻ. Ông già vẫn mong muốn sau khi chữa dứt bệnh sẽ tiếp tục đi du lịch thêm … vài chục nước nữa, cho lấp hết cái bản đồ thế giới. Tôi vẫn hay chọc ông, Cuba gần thế mà hông chịu đi, cứ đi mấy nước xa lắc xa lơ, ông tặc lưỡi: “Chắc tao cũng phải lén qua Cuba một chuyến, rồi nói mấy thằng xuất nhập cảnh đừng có đóng dấu vô passport của tao là được, ha ha”.
Tôi đi học bên này, lâu lâu mẹ cũng gọi điện sang dặn dò chuyện học hành, nhưng so với ông già thì số lần nhắc nhở của mẹ tôi chỉ bằng một phần mười. Cứ vài ngày là gởi email để hỏi thăm tình hình học tập, nghiên cứu, kế hoạch ra sao, dặn dò từng chút một. Bữa trước tôi mang giấy tờ học bổng (học bổng từ công ty dầu khí của Pháp cho chương trình PhD) sang khoe ông già, ông vừa đọc vừa khóc, ổng kêu tự dưng nước mắt ở đâu cứ trào ra, chẳng hiểu tại sao. Ổng còn gọi điện thoại đi khoe khắp nơi, mặc dù mấy người đó chẳng biết tôi là ai cả, cứ như mấy đấng sinh thành ở Việt Nam khoe xóm làng khi con mình đậu đại học vậy đó.
Khi tôi viết những dòng này thì ông già vẫn còn đang kiên trì chống chọi với căn bệnh ung thư, vẫn mang tinh thần lạc quan không sợ sệt. Tôi cũng vừa mới quay lại Mỹ sau kỳ nghỉ hè, tặng hai ông bà một hộp bánh trung thu và một gói trà, ông thích lắm, ăn tới đâu khen nức nở tới đó. Biết là văn hóa người Mỹ ít khi họ chê nhưng tôi cũng rất vui khi ông bà ăn ngon lành như vậy, cảm giác như có thêm một gia đình nữa nơi đất khách quê người. Nhìn ông khoẻ mạnh, chạy bộ tập thể dục mỗi chiều, mái đầu thưa thớt những cọng tóc con đang mọc trở lại, tôi như có thêm động lực để vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống, của sự nghiệp học hành còn gian khổ phía trước và của cả ước mơ trở về xây dựng đất nước, cứ lạc quan như thế đi nhỉ!