Là người Việt Nam, khi đi chơi với bạn bè nước ngoài, tôi rất hay được hỏi câu: “Có phải người Việt Nam ăn chó thật không?”
Khi tôi khẳng định thông tin đó là chính xác, phản ứng của mọi người rất khác nhau: từ việc lẳng lặng ôm chó chạy thật xa ra khỏi tôi đến việc năn nỉ xin tôi bắt trộm chó người yêu cũ làm một bữa thịt cầy ăn thử. Nhưng có lẽ phổ biến nhất là ba loại phản ứng sau:
Phản ứng 1 (sợ hãi): “Eo ôi sao người Việt Nam thật là man rợ.”
Phản ứng 2 (tò mò): “Có phải người Việt Nam nghèo quá không có gì ăn mới phải ăn chó không?”
Phản ứng 3 (thích thú): “Hay thế. Hôm nào mình phải sang Việt Nam ăn thử mới được.”
Những người tôi thích nhất thường là những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 3.
Đó là những người nhận ra rằng văn hoá là khác biệt và họ luôn sẵn lòng thử những cái mới.
Những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 2 có thể không phải là những người cập nhật nhất về tình hình thế giới (họ cùng là những người đi du lịch sang châu Phi với ba lô đầy đồ ăn vì sợ ở châu Phi sẽ bị chết đói), nhưng ít nhất họ cũng cố gắng tìm hiểu lý do và cảm thông trước khi đánh giá.
Thái độ của tôi với những người thuộc nhóm đầu tiên phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của mình lúc đó. Nếu tôi đang rất vui, nhiều khả năng tôi sẽ giả vờ như không nghe không thấy họ. Nhưng nếu tôi đang chán vì không có việc gì để làm, tôi sẽ cao hứng lên cãi nhau với họ.
Tôi không có vấn đề gì với những người ăn chay hay những người không thích ăn thịt chó vì không thích vị của nó hay sợ béo, nhưng nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả. Cuộc tranh luận với những người này thường diễn ra như sau:
– Tại sao bạn ăn thịt gà mà lại không ăn thịt chó?
– Bởi vì gà không chịu đau nhiều khi ta giết nó.
– Hừ? Từ bao giờ chúng ta bắt đầu có đơn vị cân đo đong đếm cho đau đớn vậy? Vậy gà chịu đau bao nhiêu khi bị giết và chó chịu đau bao nhiêu khi bị giết? Nói như vậy, việc giết gà hay giết chó là bình thường nếu như ta cho chúng một liều thuốc tê trước khi giết để chúng không chịu đau đớn gì?
– Nhưng gà không thông minh như chó. Nó không biết nhiều như chó nên sẽ không cảm nhận được nhiều như vậy.
– Có nghĩa là nếu chúng ta giết một người trí óc không được phát triển thì tội chúng ta sẽ nhẹ hơn khi giết một người đầu óc bình thường?
– Nhưng chúng ta giữ chó ở nhà. Chó là bạn bè của chúng ta. Chúng ta không thể ăn bạn của chúng ta.
– Được rồi, em trai tôi có nuôi một con gà cưng. Nó yêu con gà đó lắm, nhưng nó không lên án ai về việc ăn gà cả.Ai yêu chó thì đó là việc của họ.Họ có thể không ăn thịt chó, nhưng họ không thể lên án những người ăn thịt chó được.
Những nền văn hoá khác nhau coi trọng những loài vật khác nhau. Người theo đạo Hindu coi trọng con bò và không ăn thịt bò. Người theo đạo Hindu không lên án người phương Tây ăn thịt bò ở trong các nước phương Tây thì cũng chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó ở Việt Nam cả.
Chúng ta tin rằng mọi động vật đều có quyền bình đẳng trước bàn nhậu. Chẹp, giờ mình nói như thể một tay đồ tể giết động vật không ghê tay ý nhỉ. Tôi không ăn thịt chó (bởi vì tôi không thích vị của nó), nhưng tôi không đánh giá người khác chỉ dựa trên việc người ta có ăn chó hay không.
Đồng ý với bạn rằng sẽ thật khó để hình dung ra cảnh những chú chó đáng yêu như thế bị mang ra dội nước sôi làm thịt. Tôi không thích việc những con chó bị giết. Tôi cũng không thích việc những con gà, con lợn hay thậm chí con tôm, con cá bị giết.
Khi tôi nhìn thấy cách người ta giết gà ở Ấn Độ, tôi đã quyết định rằng mình sẽ ăn chay.
Tôi bỏ cuộc sau đó một ngày. Con người là một loài động vật ăn tạp.
Chúng ta đã ăn thịt trong suốt 1,5 triệu năm qua, và chúng ta rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt cho đến tận khi loài người kết thúc.
Chân thành xin lỗi các chú chó, chú mèo, chú lợn, chú vịt, chú cá, chú tôm, chú tép, …
Huyền Chíp
Bài gốc có thể xem tại đây.