Hầu hết tất cả mọi sinh viên khi đi du học đều phải đối mặt với tình trạng khác biệt về văn hoá, phải sống trong một môi trường hoàn toàn mới, gặp những con người mới và không ít khó khăn trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Người ta gọi đó là tình trạng ‘sốc văn hoá’.
Hoàn cảnh phổ biến nhất của tình trạng ‘’sốc văn hoá’’ đó là không biết phải làm gì, làm như thế nào trong môi trường mới hoặc là không biết cái gì là thích hợp hay là không thích hợp.
Nhưng nguy hiểm nhất chính là bản thân các du học sinh không nhận thức được họ đang bị ảnh hưởng như thế nào. Họ cảm thấy buồn phiền, cô đơn và lạc lõng khi mọi thứ đều diễn ra không như ý họ. Và những cú sốc văn hoá sẽ diễn ra trong vòng vài tuần đầu tiên khi mà sinh viên đặt chân đến một quốc gia mới.
Biểu hiện của sốc văn hoá
Một vài những biểu hiện của tình trạng sốc văn hoá:
-Bận tâm quá mức tới sự thay đổi thể chất nhỏ
-Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
-Mong muốn trở về nhà tha thiết
-Thay đổi tâm trạng thất thường: giận dữ, khó chịu, thích ở một mình
-Thiếu tự tin
-Không thể giải quyết các vấn đề cơ bản
Hầu hết các sinh viên khi mới đi du học đều phải trải qua những tình trạng trên, một số người bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác. Tuy nhiên có thể vững vàng vượt qua, thì những cú ‘’sốc văn hoá’’ thường sẽ không còn là vấn đề với họ, ngược lại có thể giúp họ hiểu rõ vượt qua được những giới hạn của bản thân.
Một vài lời khuyên
Để sớm vượt qua “Sốc văn hoá” khi đến sống và học tập ở nước ngoài, những du học sinh cần tìm hiểu trước thật kỹ về văn hoá của đất nước mà mình sắp đến. Các tổ chức đưa học sinh du học hay tổ chức nhận nhập cư thường tổ chức các khoá học định hướng văn hoá nhằm giúp những du học sinh tìm hiểu về đất nước, con người và tập quán của người bản xứ. Dù vậy, những điều thu nhận từ các khoá học định hướng văn hoá vẫn chưa đủ, du học sinh cần tìm hiểu thêm qua những người đã từng sinh sống và học tập ở đất nước đó. Một nguồn thông tin khác là từ Internet hay sách báo khác. Càng hiểu kỹ về văn hoá nước sở tại thì mức độ và thời gian “sốc văn hoá” sẽ giảm đi rất nhiều và khả năng thích nghi sẽ nhanh hơn.
“Bất đồng ngôn ngữ” cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến “sốc văn hoá”. Do đó, chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ để có thể giao tiếp tốt với người bản ngữ để tránh sự hiểu lầm do diễn đạt sai hay sự bực tức do không thể diễn đạt đúng ý nghĩ của mình bằng tiếng bản xứ.
Du học sinh cần chuẩn bị về mặt tâm sinh lý để đón nhận “sốc văn hoá” nơi xứ người. Cần tự hào về nền văn hoá gốc của mình nhưng cũng phải biết cách chấp nhận và tôn trọng nền văn hoá bản xứ hay các nền văn hoá khác đang tồn tại song hành với nền văn hoá bản xứ.
Theo Tri thức trẻ