Hôm nay lại đang ôn bài, và mình nổi hứng muốn chia sẻ với các bạn 3 kỷ niệm nhỏ nhưng vui của mình đối với media literacy.
1. Bài học đầu tiên:
Hồi Mỹ đem quân đánh Iraq, tờ Tuổi trẻ hay đưa tin đại khái “3000 người Mỹ tuần hành phản đối chính phủ.” Mình kể tin ấy với ba xong, ba mình hỏi, “Vậy những người Mỹ còn lại làm gì?”
Vâng, lúc đó (và kể cả bây giờ), vẫn có một bộ phân người Mỹ không hề nhỏ ủng hộ việc này. Khoan hãy bàn họ sai hay đúng, chỉ muốn nói rằng có những con số không được báo chí đưa lên.
2. Một cuộc tranh cãi chả đâu và đâu:
Mình ít khi gây chiến trên facebook người khác, nhất là khi họ nói đúng. Nhưng đây là 1 lần đặc biệt:
Hẳn nhiều người ở đây biến đến thực phẩm GMO – thực phẩm biến đổi gene. Đại khái nó là con bò được biến đổi gene để cho nhiều sữa hơn, cây bắp nhiều trái hơn, lúa nhiều gạo hơn, v.v… Thế giới vẫn đang tranh cãi liệu GMO có hại không? Và nếu hại thì là ở mức nào, có cần thiết phải cấm không (bởi nếu không có GMO thì sản lượng nông sản sẽ sụt giảm, giá cả tăng lên, những người nghèo thay vì chết bởi bệnh tật trong 20 năm thì sẽ chết vì đói trong 1 tháng, v.v…)
Lúc đó có một bạn share tin và để caption “ở Mỹ cấm GMO, tại sao Việt Nam còn chưa làm gì?” Mình hoảng cả hồn, ngơ ngác sao một quyết định quan trọng thế mà mình đọc báo hàng ngày không thấy. Vào đọc nguồn tin bạn share thì hóa ra nó là như sau:
a. Chỉ có bang Oregon cấm thôi (nước Mỹ có 50 bang và một số vùng lãnh thổ nhé)
b. Và bang Oregon chỉ cấm trồng trọt chăn nuôi những cây trồng con vật áp dụng GMO, chứ không cấm nhập khẩu, buôn bán những mặt hàng này.
Mình để lại comment lịch sự cho ban ấy, nhắc nhở về lỗi sai này, tránh gây hiểu nhầm và hoang mang. Bạn ấy cảm ơn và bảo sẽ sửa. Sau đó mình (rảnh quá) check lại thì thấy caption vẫn như cũ.
3. Nên tin bên nào?
Một bạn khác share tin rằng uống sữa rất nguy hiểm, bởi trong sữa có chất gì đó (mình quên tên khoa học rồi).
Sau khi đọc kỹ bài báo ấy, mình thấy những điểm như sau:
a. Nguồn tin không đảm bảo tính khoa học (sau này lúc mình nói thế thì bạn ấy có mỉa mai rằng thời buổi này mà còn tin các tạp chí khoa học, người ta lừa độc giả cả thôi. Mình có hỏi lại, vậy vì sao bạn lại có thể tin 1 nguồn tin như thế? Không sợ nó lừa à?)
b. Chính nguồn tin cũng nói rõ: đây là chuyện vẫn còn đang tranh luận, chưa có kết quả cuối cùng
c. Và nó cũng nói luôn: chất này có trong sữa do tác động của con người (đại khái cũng vì muốn ép sản lượng). Nước nào người nông dân không dùng công nghệ như thế thì sữa không có chất đó (cụ thể là các nước châu Âu). Việt Nam mình thì chưa nghe nói gì.
Vì không có kiến thức gì ở lĩnh vực này, mình chỉ dùng những thông tin được chính bài báo đó cung cấp. Và cũng chỉ cần những thông tin đó (chưa biết đúng hay sai), đã thấy người share tin với caption như thế không quan tâm lắm đến tính chính xác trong câu chữ của họ.
Có thể là mình sân si quá đà, rỗi hơi quá sức; nhưng cái gì đụng tới media literacy thì mình thường “làm quá” lên, bởi đó là ngành học của mình. Trong những chuyện này, mình thường cãi nhau xong rồi làm mất lòng người ta, bởi lẽ mình luôn đòi hỏi bằng chứng, sự thật, con số,…và khi không cung cấp được thì họ cho rằng mình phiền nhiễu hoặc ngớ ngẩn khi tin vào những nguồn đã được kiểm chứng. Họ khăng khăng với quan điểm, “Thời này ai mà chả lừa đảo. Có ngây thơ mới đi tin những thứ đã được kiểm chứng.”
Mình thật ra không tin bên nào hoàn toàn, mình chỉ ghét việc họ quá tự phụ về những nguồn tin kiểu suthatkhoahoc.com, chungtagioiqua.net (mà những nguồn này lại hay có kiểu trích từ fckinggreatnature.info); cho rằng họ thật sáng suốt khi tin chúng thay vì những nguồn đã kiểm chứng và đảm bảo. Such a hipster!
Thôi tóm lại 1 câu: bài học đặt ra là luôn đặt câu hỏi, đặt câu hỏi, và đặt câu hỏi. Bài học thứ hai là cẩn thân với những caption trên mạng
Theo Rio Lâm
Xem bài gốc tại đây