Không chỉ giành được suất học bổng 220.000 USD (4,6 tỷ đồng) từ một trong những trường đại học có học phí đắt nhất thế giới, bạn ấy còn đang đảm nhiệm vị trí quan trọng trong các dự án lớn.
Với những thành tích học tập khủng cùng các hoạt động ngoại khóa nổi bật, chàng sinh viên 20 tuổi Nguyễn Siêu hẳn sẽ khiến người đọc liên tưởng đến khái niệm “con nhà người ta”. Bởi lẽ, Nguyễn Siêu không chỉ giành được suất học bổng 220.000 USD (tương đương 4,6 tỷ đồng) từ một trong những trường đại học có học phí đắt nhất thế giới mà bạn còn đang đảm nhiệm vị trí quan trọng trong các dự án lớn. Cùng tìm hiểu về chàng trai này nhé!
Họ và tên: Nguyễn Siêu
Ngày sinh: 2/9/1995
Trường đang học: Vassar University, New York
Chuyên ngành: Điện ảnh và Truyền thông
Hoạt động nổi bật:
- Đồng Trưởng Ban tổ chức Trại hè YOFO 2015 của VietAbroader.
- Cộng tác viên các trang báo Việt Nam.
- Trợ lý thiết kế đoàn làm phim SONA – phim ngắn đầu tay của nhà văn Hoàng Nhật.
Đạo diễn và sản xuất các phim: Alternative, 2014, Sing Me A Song In The Dark…
Xin chào Nguyễn Siêu, trước hết bạn có thể giới thiệu về bản thân được không?
Mình tốt nghiệp trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam và hiện đang theo học 2 ngành song song là Điện ảnh và Truyền thông ở Đại học Vassar, New York. Mình có đam mê và hứng thú trong lĩnh vực phim ảnh. Vì vậy mình luôn muốn làm những bộ phim pha lẫn các nét mới, trẻ, văn minh với các yếu tố văn hoá Việt Nam, từ đó tạo nên một cái gì đấy “riêng”.
Ngoài ra, mình cũng thích tham gia các hoạt động cộng đồng về giới trẻ nữa. Hiện mình đang phụ trách mảng Tài nguyên Du học của Ban điều hành Tổ chức VietAbroader, trong năm thì đảm nhiệm chương trình Giao lưu trực tuyến với các bạn sinh viên Mỹ, còn mùa hè này là Đồng Trưởng Ban tổ chức Trại hè YOFO – trại hè cho các bạn tân sinh viên sắp sang Mỹ.
Bên cạnh đam mê phim ảnh, mình còn có sở thích viết. Mình từng làm cộng tác viên cho một số báo ở Việt Nam nữa.
Nguyễn Siêu này, điều gì đặc biệt ở trường Vassar khiến bạn muốn nộp đơn giành học bổng đến vậy?
(Cười) Thực ra mình chọn Vassar là vì trường xếp thứ 1 về việc trao tặng học bổng cho sinh viên không có điều kiện tài chính. Vassar có ngành Điện ảnh khá nổi, có nhiều cựu sinh viên đang thành danh trong lĩnh vực này. Vassar cũng có ngành Truyền thông nữa, một ngành khác mà mình thích. Vassar là một môi trường mở, tôn trọng sự đa dạng văn hoá, nên dù là một trường đại học Mỹ nhưng các thầy cô và bạn bè không bắt du học sinh phải “hoà nhập” và “Mỹ hoá”. Thay vào đó, mỗi cá nhân càng phát huy và bộc lộ được những nét văn hoá truyền thống của quốc gia mình thì càng được trân trọng.
Vậy sau khi đã là sinh viên của trường, bạn thấy môi trường học tập và văn hóa của trường như thế nào?
Ngành Điện ảnh của trường mình rất tuyệt. Ba diễn viên điện ảnh nổi tiếng từng học tại trường mình là bà Meryl Streep, cô Anne Hathaway và cô Lisa Kudrow (diễn viên của phim Friends.) Thầy giáo của mình cũng là một người khá nổi, thầy từng giảng dạy đạo diễn Robert Zemeckis, đạo diễn phim Chuyến tàu Bắc cực, Back to the Future, Forrest Gump… Một người nữa trong ngành Điện ảnh cũng là cựu học sinh trường mình là chú Jason Blum, nhà sản xuất loạt phim kinh dị Paranormal Activity và bộ phim Whiplash vừa giành 3 giải Oscars.
Trường mình là một trường Liberal Arts, tức là không thiên về việc dạy các kỹ năng gì, làm thế nào để sau này có việc, mà sẽ dạy cách suy nghĩ nhiều hơn. Bọn mình không coi 04 năm đại học như một công cụ để đi tìm việc mà coi đó như 04 năm khám phá.
Ở Vassar, khi mình học về phim và chụp ảnh thì mình học từ phim nhựa và chụp ảnh bằng phim chứ không phải kỹ thuật số. Tức là chụp xong rồi phải đem vào phòng tối, lăn qua hoá chất và phơi. Nó là một cái khá lạ so với các trường khác, vì các trường khác thường chỉ dùng máy kỹ thuật số.
Những điều đó làm mình yêu Vassar hơn mỗi ngày!
Bạn có thể chia sẻ thêm về đam mê của mình không? Vassar đã giúp bạn đến gần với mong muốn của mình như thế nào?
Sau mỗi giờ học trên lớp mình đều được truyền cảm hứng để theo đuổi đam mê. Còn nhớ, đầu năm vừa rồi, mình được giao thực hiện dự án kể chuyện bằng âm thanh (audio narrative), đề tài là “Các âm thanh quen thuộc ở Việt Nam” như tiếng kẻng rác, tiếng ru của bà, tiếng của cô bán xô chậu lồng bàn… Bài tập này giúp mình hiểu rõ hơn về con đường truyền thông âm thanh, về cách tạo ra các âm thanh đặc trưng để quảng bá sản phẩm như thế nào.
Còn trong lớp Lý thuyết và Phê bình phim, mình cũng được hướng dẫn để viết hai bài luận cuối khoá về phim Việt Nam. Trong đó bài phân tích hình tượng áo dài truyền thống trong “Áo Lụa Hà Đông” sẽ được thuyết trình ở hội nghị New York Conference on Asian Studies tháng 8 tới ở New York. Bài luận còn lại là bài phân tích mối quan hệ giữa không gian và giới tính trong phim Đập cánh giữa không trung của chị Hoàng Điệp. Tóm lại, Vassar đã giúp mình phát huy cái phần “Việt Nam” để các tác phẩm của mình vừa mang dấu ấn cá nhân vừa chứa đựng lòng tự hào dân tộc.
Được biết, bài luận của bạn khi nộp đơn vào trường đã gây ấn tượng lớn với hội đồng chấm thi. Bạn có thể chia sẻ một chút về nội dung bài luận của mình?
Bài luận lúc đó mình viết về 6 dấu thanh của tiếng Việt, so sánh với việc nhảy tango. Bạn cứ thử tưởng tượng dấu sắc là âm cao, dấu huyền là âm trầm, rồi mỗi âm có thể vươn người và tiến mạnh, lùi lùi cho bạn biến tấu mà xem, thú vị đến nhường nào.
Cơ mà quá trình nộp đơn của mình khá gian nan. Mình nộp đơn vào thời gian Early Decision của Vassar, lúc ấy chuẩn bị bộ hồ sơ rất bay bổng, theo cách viết văn mà mình hay viết tiếng Việt thông thường, trường thông báo chuyển đơn của mình xuống tháng 03. Mình quyết định viết lại một bộ hồ sơ đơn giản hơn, kiểu bộc lộ những gì mộc mạc nhất về con người mình, về việc mình thích làm báo và thích viết lách thế nào, rồi gửi kèm sang cho trường một vài câu chuyện, bài thơ, bài báo mình đã viết ở VIệt Nam.
Dự định trong tương lai của bạn là gì?
Mình đang chuẩn bị làm một bộ phim cá nhân kinh dị về món bún thang Hà Nội.
Theo Trí Thức Trẻ
Xem bài gốc tại đây.