Xa lộ liên tiểu bang I-90 * kẹt cứng do xây dựng khắp nơi khiến chiếc All-Star Cab chỉ nhích được từng đoạn ngắn. Quãng đường hơn 12 dặm từ thành phố Schaumburg, Illinois ra sân bay Chicago O’Hare trôi qua thật chậm như muốn níu kéo người ra đi vẫn còn đầy lưu luyến và kỷ niệm. Sau hơn nửa tiếng chở ở quầy vé để nhân viên hãng hàng không sắp xếp được ghế trên chuyến bay, thật may mắn khi cũng kịp lên được máy bay trước giờ cất cánh 15 phút như một trong những hành khách bận rộn cuối cùng.
Chiếc Boeing 777-300ER của hàng không Qatar nhanh chóng rời đường lăn ra đường băng và cất cánh. Khu downtown Chicago và hồ Michigan trong cảnh chiều tà trôi dần qua cửa sổ máy bay như một đoạn kết phim nhiều tâm trạng. Nó làm tôi nhớ đến cảm giác lâng lâng khi máy bay vừa chạm đường băng sân bay O’Hare cách đây một năm đúng lúc nhận được tin nhắn khá bất ngờ của mobifone “Chào mừng quý khách đặt chân đến nước Mỹ” dù điện thoại di động không đăng ký roaming. Với tuyến bay về Hà nội quá cảnh Doha và Bangkok cùng chiều bay với chuyến lượt đi quá cảnh Seoul, coi như tròn một năm đã được bay đúng một vòng trái đất, một sự tình cờ đầy thú vị…
Một năm là một quãng thời gian không đủ dài để hiểu hết về nước Mỹ nhưng cũng không quá ngắn để chưa kịp hòa nhập vào cuộc sống diễn ra nơi đây. Đủ trọn vẹn 365 ngày để tận hưởng hương sắc của bốn mùa ở Chicagoland, Illinois và bóc đủ cả cuốn lịch để trải qua hết các ngày lễ lạc và các dịp mua sắm giảm giá lớn của nước Mỹ như lễ Phục sinh (tháng 4), lễ Độc Lập (ngày 4 tháng 7), chương trình Summer sales, lễ Tạ ơn với chương trình khuyến mãi kéo dài từ tuần thứ 3 của tháng 11 đến mùa Noel và Tết Dương lịch (cuối tháng 12). Một năm cũng tạm đủ để đi thăm thú được nhiều nơi ở bảy bang (Illinois, Nebraska, Iowa, California, Nevada, Wisconsin, Indiana), thăm được nhiều bà con bạn bè thân thiết. Tuy nhiên nước Mỹ thì quá rộng lớn nên vẫn thấy luyến tiếc vì nhiều nơi chưa thể đến, nhiều người chưa được gặp và một lời hẹn thăm cô giáo dạy văn cấp 3 đang sống gần Los Angeles còn chưa thực hiện được. Thôi thì hẹn lại chuyến sau có dịp sẽ ghé thăm, đặc biệt là bờ Đông náo nhiệt, miền Bắc lạnh giá với thác Niagara nổi tiếng giáp Canada và miền Nam Texas ấm áp đầy ánh nắng.
Nhớ ngày đầu lúc mới qua ở Rosemont (thành phố Hoa hồng gần sân bay O’Hare) còn rất ngạc nhiên khi hơn 9 giờ tối mà trời vẫn còn đang nắng, nhưng khi mùa Đông đến thì hơn 4 giờ trời đã mờ tối. Lần đầu không tưởng tượng ra trên đầu mình tóc đã lốm đốm bạc mà đi siêu thị mua bia rượu còn bị hỏi hộ chiếu để xem có đủ tuổi hay không, nay thì đã quen với việc xuất trình ID (bằng lái xe ở Mỹ cũng được xem là 1 loại ID) ở quầy tính tiền cho nó nhanh. Tháng đầu tiên toàn xài tiền mặt và kết quả là tồn đọng một túi xu lẻ đến gần nửa ký, nay thì đi đâu cũng dùng thẻ tín dụng Bank of America kể cả tại các cây xăng tự động. Nhớ ngày đầu cầm lái ra đường cao tốc có thầy bên cạnh mà chân còn run và tay ôm cứng vô lăng chạy đúng làn đã khó, đi đâu cũng tìm đường local cho nó dễ đi (ít xe và có thể chạy chậm), nay thì đã tự tin phóng trên cao tốc có lúc lên đến 80 miles/hr (khoảng 130 km/h) và chuyển làn thoăn thoắt, đôi khi quên cả rẽ vào chổ đóng phí cầu đường và phải trả online vì trên xe không có gắn IPass để trả tiền tự động khi qua trạm.
Mười hai tháng tham gia chương trình huấn luyện tại UOP Honeywell, một công ty chuyên nghiên cứu, thiết kế và cung cấp bản quyền Công nghệ Lọc Hóa dầu hàng đầu thế giới luôn là niềm mơ ước của nhiều kỹ sư Công nghệ tại Việt Nam. Những kỳ vọng ban đầu có thể không còn lung linh khi trải nghiệm thực tế nhưng những điều học hỏi được trong khóa học là rất đáng giá, ngay cả với những kỹ sư đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Ngoài kiến thức chuyên môn thì ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày và thuyết trình, kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, tinh thần làm việc, tính hiệu quả trong công việc, hiểu biết về văn hóa và trải nghiệm cuộc sống ở Mỹ… là những điều tuy khó đo lường nhưng mang đến nhiều giá trị gia tăng cho khóa học. Những hoạt động ngoại khóa như tham gia cắm trại nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Công ty, xem bóng chày ở sân Wrigley Field, tham quan thành phố Chicago, ăn tiệc nướng tại nhà sếp người Việt, tham dự các bữa tiệc Công ty nhân các ngày lễ lớn của nước Mỹ là những dịp tốt để hiểu thêm về nền văn hóa Mỹ.
May mắn được mang vợ con sang nên một năm học càng thêm phần thú vị. Tại Mỹ, trẻ em trên 5 tuổi được học miễn phí và nhiều nơi có xe school bus đưa đón tận nơi ở. Ngoài bảo hiểm du lịch đã mua thì bảo hiểm y tế cho trẻ em cũng dễ dàng xin được ở đây nên yên tâm hơn trước sự khắc nghiệt của thời tiết ở thành phố lạnh giá nổi tiếng ở miền Trung Tây nước Mỹ. Có điều lạ là cả năm trôi qua mà hai nhóc con chẳng nóng lạnh gì trong khi ở Sài gòn mỗi năm đứa nào cũng bị sốt do viêm họng hoặc nhiễm khuẩn vài lần vào những lúc chuyển mùa, chắc do môi trường ở đây sạch sẽ hơn chăng.
Ngoài hai chuyến đi chơi xa vào dịp Thanksgiving, Noel và năm mới thì các dịp cuối tuần là lúc để cả gia đình khám phá thêm thật nhiều điểm hấp dẫn của Chicago và vùng phụ cận. Các bảo tàng ở Chicago rất nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới về sự hấp dẫn, đa dạng cũng như vẻ đẹp của các công trình kiến trúc này. Bảo tàng Lịch sử tự nhiên (Field Museum), bảo tàng Hải dương học John G. Shedd (Shedd Aquarium), bảo tàng Thiên văn Adler (Adler Planetarium), bảo tàng Khoa học và Công nghiệp (Science & Industry Museum), bảo tàng Trẻ em ở Navy Pier (Children Museum), bảo tàng Lịch sử (Chicago History Museum); viện bảo tàng Nghệ thuật Chicago (Art Institute of Chicago), … là những điểm không thể bỏ qua. Giá vé tham quan khoảng 15 đến 20 USD, tuy nhiên hàng tháng các bảo tàng đều có vài ngày cuối tuần miễn phí cho cư dân Illinois (có bằng lái của bang Illinois coi như là cư dân ở đây), miễn phí cho chủ thẻ tín dụng của Bank of America, miễn phí cho trẻ em,… nên nếu biết sắp xếp thì cả gia đình có thể tham quan khắp nơi mà không tốn tiền. Nếu thích dã ngoại và ngắm hoa cỏ, cây cối, thú vật và phong cảnh thì không thể bỏ qua vườn bách thảo (Chicago Botanic Garden), sở thú Lincoln (Lincoln Park Zoo), Nhà kính Garfield (Garfield Park Conservatory), vườn ươm cây Morton (Morton Arboretum),… đảm bảo tham quan vào mùa xuân và mùa thu rất đẹp. Bên cạnh đó, các thư viện cũng là nơi lũ trẻ rất thích đến đặc biệt trong mùa Đông lạnh giá. Các lớp ESL (English as a Second Language) miễn phí đủ các trình độ là nơi các bà vợ bận rộn có thể trau dồi tiếng Anh rất hữu ích. Tóm lại, niềm vui được nhân lên nhiều lần khi vợ con đều có những trải nghiệm hết sức thú vị trong cuộc sống, học hành và giải trí suốt một năm sống ở nước Mỹ.
Về chuyện vĩ mô, một năm đã qua với nhiều biến động về kinh tế xã hội và chính trị. Bên cạnh những lạc quan do kinh tế Mỹ hồi phục (GDP quý 3/2014 của Mỹ tăng trưởng 5,1% cao nhất trong hơn 11 năm qua), tỷ lệ thất nghiệp và giá xăng giảm kích thích chi tiêu tiêu dùng, việc cải thiện quan hệ với Cuba mang lại nhiều phấn khởi cho người dân hai nước, chính sách nhập cư và hợp thức hóa cho người nhập cư trái phép của chính quyền Obama có phần cởi mở hơn trước,… thì nước Mỹ cũng trải những thời khắc khó khăn của đại dịch Ebola với nhiều ca nhiễm bệnh ở Texas, giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng đến việc làm trong ngành khai thác và dịch vụ dầu khí, những đe dọa khủng bố các thành phố lớn (trong đó có cả Chicago) và những bất ổn do bạo động ở các khu da đen do các hành động cứng rắn của cảnh sát… Tất cả làm nên một nước Mỹ đa sắc màu như nó đã và sẽ luôn như vậy. Khá ấn tượng với tài diễn thuyết của Tổng thống Barack Obama qua vài lần xem trực tiếp trên truyền hình Mỹ cùng các hành động khá nhân văn và đúng lúc của ông (như lần tiếp cô y tá gốc Việt Nina Phạm bị nhiễm Ebola chẳng hạn)…
Chuyến bay từ Bangkok về Hà nội vừa hạ cánh xuống sân bay Nội bài cắt đứt dòng suy nghĩ miên man về một năm vừa trôi qua. Tạm biệt nước Mỹ, Xin chào Việt Nam.
Nhiều người ở Việt Nam thường nói nước Mỹ là thiên đường, nhiều người khác lại xem nước Mỹ là Tư bản giãy chết. Theo suy nghĩ của tôi, Mỹ đúng là Thiên đường mua sắm và đúng là Tư bản nhưng giãy chắc còn lâu mới chết, ngược lại ngày càng trở nên hùng mạnh hơn. Còn Thiên đường thật sự chắc chỉ có ở trên cao, như tên một tiểu thuyết của nhà văn Võ Hồng vừa chợt nhớ ra (Thiên Đường ở trên cao). Uống cạn một cốc rượu ân tình để chia tay và cám ơn những người Thầy, những người bạn và những đồng nghiệp đã có duyên được gặp và gắn bó trong một năm đáng nhớ trong cuộc đời!
Goodbye America, See you again!
Hà Nội, 23/05/2015
Ngoc D Nguyen
(*) Xa lộ Liên tiểu bang 90 (tiếng Anh: Interstate 90 hay viết tắc là I-90) là một xa lộ liên tiểu bang dài nhất tại Hoa Kỳ với chiều dài là 3.101,77 miles (4.991,81 km). Nó là một xa lộ liên tiểu bang nằm ở cực bắc nhất chạy từ bờ biển này sang bờ biển kia và đi song song với Quốc lộ Hoa Kỳ 20 trong phần lớn chiều dài của nó … (Wikipedia)
Vài nét về người viết:
Tên: Nguyễn Đức Ngọc
Bút danh: Ngoc D Nguyen
One thought on “Hành Trình Nước Mỹ- Thư Gửi Một Người:Goodbye America”
Comments are closed.