Tâm sự của một cựu du học sinh nước ngoài: “Khoảng thời gian một năm tại Tây Ban Nha là trải nghiệm cô đơn và đầy khó khăn…”
Quyết định và bỏ cuộc
Du học đến một đất nước xinh đẹp, thú vị là lựa chọn đầy hấp dẫn cho bất cứ sinh viên nào đang trong độ tuổi 20. Rất nhiều sinh viên chọn một năm học tập và làm việc ở nước ngoài thông qua Eramus (chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của Liên minh châu Âu). Hai năm trước, Annie cũng tham gia chương trình này.
Viễn cảnh được trải nghiệm ở một vùng đất mới thật tuyệt nhưng bạn biết không, trên thực tế nó khủng khiếp vô cùng. Có lẽ vì thế mà tất cả bạn bè cô khi trở lại đều nói rằng họ đã có một khoảng thời gian “cực kỳ” tuyệt vời. Annie không biết liệu họ có giả vờ hay không, chỉ biết rằng một năm sống ở nước ngoài của cô không hề diễn ra như trong tưởng tượng.
Annie không kịp thích nghi với cuộc sống mới, không biết cách truyền cảm hứng cho mọi người. Cô không học được cách pha trò, không có thời gian dành cho bản thân và chắc chắn không được là chính mình.
Ở Tây Ban Nha, Annie dạy học với mức lương chưa đầy 1 Euro/giờ (khoảng 26.000 VNĐ). Mặc dù vô cùng cố gắng nhưng cô chỉ nói được một chút tiếng Tây Ban Nha và chơi với duy nhất một người bạn. Cuối cùng, cô đã không thể đi hết hành trình này. Tới tháng 06 năm sau đó, sau 09 tháng, cô lên máy bay trở về nhà trong những giọt nước mắt của hạnh phúc.
Học cách “sống sót”
Nghĩ lại lúc ấy, Annie chẳng còn cách nào khác. Cô sẽ không “xa nhà” thêm lần nào nữa, nhưng nếu thời gian quay trở lại, chắc chắn cô vẫn sẽ lựa chọn “được trải nghiệm”. Nó thật khó khăn, nhưng cô đã học được nhiều bài học sâu sắc trong cuộc sống.
Annie trưởng thành hơn và học cách sống tự lập. Cô nhận ra rằng mọi thứ không luôn luôn đi theo cách mà bạn mong đợi. Cô có thời gian để suy nghĩ về những gì đã làm và những gì vượt quá giới hạn của bản thân.
Đối với nhiều người khác cũng vậy, một năm khủng khiếp ở nước ngoài có thể là một trải nghiệm khiến tính cách của họ thay đổi theo hướng tích cực.
Annie có một người bạn, đã dành trọn một năm ở Pháp để dạy một nhóm trẻ em chuyên đi gây rối. Công việc chỉ bó hẹp quanh bốn bức tường. Cô bạn ấy đã cùng người trợ giảng (khác quốc tịch) đối mặt với sự xa lạ và cô đơn tại ngôi trường này. Trải qua một năm, bạn của Annie nói rằng cô ấy đã học được cách đồng cảm với người khác và nhất định sẽ vẫn làm tốt nếu được thử một lần nữa.
Một người bạn khác, đến từ Ả Rập, cùng một lúc đã gặp phải cú sốc văn hóa và rào cản ngôn ngữ khi mới ra nước ngoài. “Tôi cảm thấy cô đơn tột độ, cô đơn đến trầm cảm. Đó là trải nghiệm đen tối nhất mà tôi từng có!”, cô bạn chia sẻ. Cô ấy đã phải tìm đến sự giúp đỡ từ các trung tâm trực tuyến, tập thói quen ăn ngủ như bình thường.
Sự cô lập và cảm giác cô đơn khi ở nước ngoài có thể làm cho bạn nhận ra khả năng và thế mạnh của riêng mình. Đối với cô, đó là điều lớn nhất Annie đã học được.
Theo Trí Thức Trẻ
Xem bài gốc tại đây