Bài dự thi HTNM4 – Thể loại Bài Viết
Những điều trông thấy…
Tác giả: Tuấn Đỗ
Có những việc tưởng chừng bình thường ở nước Mỹ, nhưng lại không thấy ở Việt Nam. Chúng ta có thể học hỏi những gì từ những điều bình thường như thế?
Tham quan trường (College Visit)
Thỉnh thoảng quanh khuôn viên các đại học Mỹ, chúng ta thấy xe buýt chở học sinh các trường trung học đậu thành đoàn quanh trường. Đó là ngày thăm quan trường đại học (college visit/college tour), một hình thức ngoại khóa cho các học sinh các năm cuối phổ thông trung học. Những buổi tham quan này là dịp cho các bạn trẻ sắp tới kỳ thi tuyển đại học có cơ hội tận mắt nhìn thấy cơ sở vật chất phục vụ học tập như giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, cũng như các công trình phục vụ cho cuộc sống sinh viên như ký túc xá, căng tin, phòng tập thể thao, khu giải trí… Học sinh sẽ được tiếp xúc với các nhân viên, giảng viên, sinh viên… của trường, đặt câu hỏi về cuộc sống khi là sinh viên, về chương trình học tập… trong tương lai. Sẽ có những bạn trẻ giữ cho mình ước mơ trở thành sinh viên của trường sau lần tham quan đó. Hy vọng các trường đại học ở Việt Nam sẽ sớm có hình thức gắn kết giữa cộng đồng và trường đại học như vậy.
Giành cho người tàn tật (Handicapped Sign)
Biểu tượng này rất quen thuộc ở nước Mỹ, bạn có thể gặp nó ở mọi nơi: bãi đỗ xe, siêu thị, trường học, khách sạn, công sở, bệnh viện, nơi vui chơi giải trí…Đó là biểu tượng có hình người ngồi trên chiếc xe lăn, biểu thị nơi giành riêng (ô đỗ xe, ghế ngồi…), hay chỗ mà người tàn tật có thể dùng được (lối đi cho xe lăn, phòng vệ sinh người tàn tật có thể sử dụng…).
Biểu tượng hình người trên xe lăn rất phổ biến ở Hoa Kỳ
Một sinh viên tàn tật vẫn có thể tham gia học tập bình thường, nhờ sự thuận lợi cho việc di chuyển, tiếp cận đến mọi địa điểm trong trường đại học
Các trụ sở công quyền ở Việt Nam không có lối tiếp cận cho người tàn tật
Việt Nam có nhiều người tàn tật do chiến tranh, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt…cùng với việc tuổi thọ tăng cao, số người tàn tật do tuổi cao sẽ tăng lên, nhưng các công trình công cộng không được thiết kế để người tàn tật có thể tiếp cận. Nên chăng, khi thiết kế bất kỳ công trình công cộng nào, chúng ta cũng cần nghĩ đến người tàn tật: có thể là một lối cho xe lăn, một nhà vệ sinh có thanh vịn, một nút ấn trên tường để có thể mở cửa bằng điện…Hãy giảm nhẹ nỗi đau của người tàn tật bằng cách tạo điều kiện tốt nhất có thể cho họ.
Vé chờ (Waiting Ticket)
Nếu bạn có dịp phải làm các thủ tục tại những nơi có lượng khách giao dịch lớn như trung tâm y tế, hay đăng ký ô tô…tại Mỹ, bạn sẽ thấy cách làm việc để tạo thuận lợi tối đa, công bằng cho mọi người. Bắt đầu bằng việc xếp hàng ở quầy tiếp đón, nơi bạn sẽ được hỏi mục đích của mình đến với dịch vụ ngày hôm nay, và được phát vé (ticket) có ký hiệu viết tắt mục đích và số thứ tự theo thời điểm bạn đến. Ví dụ, nếu bạn đến do có lịch hẹn khám trước (appointment), và là người thứ chín trong ngày đến vì việc này, số trên vé của bạn sẽ là A 009. Sau khi có vé, mời bạn ra khu chờ ngồi đợi. Loa phóng thanh và biển hiệu trên tường sẽ báo cho bạn biết, hiện quầy số mấy đang phục vụ khách hàng số bao nhiêu. Khi nhân viên của quầy nào phục vụ xong một khách hàng, người đó sẽ bấm vào nút báo, và loa phóng thanh cũng như biển hiệu sẽ báo cho người chờ biết quầy đó đã sẵn sàng cho người tiếp theo. Các địa điểm phục vụ số lượng người lớn như phòng khám bệnh viện, phòng công chứng, đăng ký ô tô, xe máy… Việt Nam có thế áp dụng hình thức này, giúp rút ngắn việc chờ đợi , và hạn chế việc nhầm lẫn do đọc theo tên người.
Mượn sách liên thư viện (Interlibrary Loan)
Khi bạn tìm kiếm một tài liệu mà thư viện của trường bạn không có, đừng vội nản lòng. Hãy dùng dịch vụ Interlibarary Loan, mượn sách liên thư viện. Hệ thống này cho phép một thành viên của bất kỳ thư viện nào cũng có thể mượn được sách từ thư viện khác trong hệ thống. Chỉ cần nhập tên tài liệu bạn cần, sau vài ngày bạn sẽ có tài liệu đó. Chỉ cần một phần mềm quản lý, và có chính sách liên kết, các trường đại học có thể giảm bớt rất nhiều tiền cho việc mua, lưu trữ tài liệu, đồng thời giúp sinh viên có được tài liệu cần có. Rất mong các trường đại học Việt Nam sẽ sớm áp dụng hình thức này.
Tác giả: Tuấn Đỗ