
Ngay từ ngày đầu đặt chân đến Mĩ, không ít người đã dọa tôi rằng ở đây mà không biết lái xe hơi thì sẽ chẳng đi được đâu. Và bây giờ, tôi đang ở Oklahoma, tiểu bang thứ 12 có dấu chân của tôi trong chưa đầy 3 năm sống tại Mĩ mà không có một tấm bằng lái nào.
Được trời phú cho đôi chân không bao giờ chịu đứng im và bộ não chứa đầy sự tò mò, tôi đã khiến bố mẹ mình lo lắng rất nhiều vì lúc nào cũng không muốn ở nhà. Những năm cấp một của tôi đầy ắp kỉ niệm về những lần phá tổ ong ở nhà thờ, ăn trưa ké ở nhà bạn, và chạy nhảy trên những cánh đồng bạt ngàn của đồng bằng sông Cửu Long. Lên cấp hai, thứ mà tôi không thể sống thiếu không phải là chiếc smartphone mà là chiếc xe đạp. Tôi đạp xe đến các thị trấn lân cận, đến nhà những đứa bạn mà tôi đã không thể đi bộ đến, hay đến tận cùng những con kênh đào dài đằng đẵng nơi mà bên phải là dòng nước chở đầy lục bình xanh ngắt và bên trái là đồng lúa đang dập dìu dưới ánh nắng vàng ươm. Những năm tháng bướng bỉnh trốn bố mẹ đi chơi ấy là tuổi thơ tôi, là những thứ làm nên con người tôi mặc dù chúng mang đến cho tôi những lần phải vào viện vì gãy tay, gãy răng hay biết bao nhiều lần phải đội nắng cõng mưa để về nhà cho kịp giờ cơm.
Năm 16 tuổi, tuổi mà chúng ta không cần phải bàn đến độ cứng đầu nữa, tôi nhất quyết đòi bố mẹ cho đi học ở Sài Gòn chỉ để thỏa mãn sự tò mò và cái tôi của một cậu bé ưa phiêu lưu. Cuộc sống ở một thành phố tấp nập như Sài Gòn của cậu bé đến từ nông thôn là những chuỗi ngày pha trộn nhiều cảm xúc: đó là sự thích thú vì được trải nghiệm những thứ mới; đó là sự lo lắng vì những lần phạm sai lầm mà không thể kể với ai; đó là cảm giác tự do khi được tự mình đưa ra những quyết định; đó là sự ấm áp khi nhận được cuộc gọi từ người thân; đó cũng là sự tiếc nuối vì đã bỏ lại tuổi thơ bên gia đình, bạn bè, và những câu chuyện về vùng đất bình yên nơi tôi lớn lên. Sự rối bời về cảm xúc trong tôi cũng như sự ồn ào của Sài Gòn có thể đã thay đổi nhiều thứ, nhưng cái ý chí mê khám phá và dám nghĩ dám làm nơi tôi vẫn còn đấy. Tôi đi bộ hơn mười cây số để khám phá trung tâm thành phố, hay cùng ba đứng bạn thân đạp xe dưới ánh nắng chói chang gần hai tiếng đồng hồ đến một ngôi chùa lớn chỉ để cầu duyên cho chúng nó. Những cuộc khám phá của tôi có thể thật điên rồ với nhiều người. Đối với họ, khoảng cách về địa lí là một trở ngại, một giới hạn khiến không ít người chùn bước hay thậm chí còn không dám đặt hy vọng. Tôi cũng tin rằng đó là một giới hạn. Nhưng một giới hạn thì được đặt ra bởi chính bản thân mình chứ không bởi người khác. Vậy nên để làm được những điều mà ít người làm được, giới hạn của bản thân phải luôn xa hơn giới hạn của số đông. Chính suy nghĩ ấy đã đưa một cậu bé nhỏ con của miền nông thôn Tây Nam bộ đến những vùng đất kì vĩ mà cậu từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ đi đến được.
Đặt chân đến Mĩ khi còn chưa định hình được California nằm ở đâu trên bản đồ, tôi còn nghĩ rằng, mình sẽ đạp xe từ thành phố này đến thành phố khác. Ấy thế là mọi người cứ nhìn vào cậu nhóc vô tội và dọa, ở đây mà không biết lái xe hơi thì sẽ chẳng đi được đến đâu. Tất nhiên tôi trân trọng tất cả mọi lời khuyên, nhưng sự bướng bỉnh trong tôi lại cứ hét lên rằng, tôi phải làm những thứ mà không phải ai cũng dám làm. Dần dần, tôi cũng nhìn thấy những giới hạn thật sự không những khiến những năm tháng học tập tại Mĩ trở nên khó khăn mà còn ngăn cản ý định khám phá các vùng đất xa xôi của tôi. Cách mà tôi từ từ vượt qua các trở ngại ấy không chỉ đơn giản là đối mặt với chúng; tôi luôn tự nhủ, nếu bất kì lĩnh vực nào cản trở con đường đi đến thành công của tôi, tôi phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực ấy.
Cùng với việc học, tôi đảm nhận 4 công việc cùng một lúc. Tôi được nhận vào làm phụ đạo toán, dạy đàn piano, làm đại sứ cho học sinh quốc tế tại trường. Công việc cuối cùng và mang tính thách thức nhất mà tôi nộp đơn xin việc chính là gia sư văn. Viết luôn là kĩ năng tiếng Anh yếu nhất của tôi khi còn học phổ thông. Thế nhưng, tôi phải trở thành một chuyên gia trong những lĩnh vực mà tôi gặp khó khăn. Tôi may mắn vượt qua được vòng phỏng vấn cho công việc này bằng sự niềm nở và gan dạ của mình vì không nhiều du học sinh dám đảm nhận việc phải sửa lỗi chính tả tiếng anh cho người Mĩ. Sau hàng tuần đào tạo trôi, tôi cũng chính thức vào làm gia sư dạy văn. Thời gian làm việc ở vị trí này không những cải thiện khả năng viết tiếng Anh của tôi một cách đáng kể mà còn biến tôi trở thành một con người tự tin, dám đưa ra ý kiến bản thân và bảo vệ những ý kiến ấy. Gần một năm thách thức bản thân với 4 việc làm và phải duy trì điểm số tốt còn khiến tôi nhận ra được khả năng của bản thân, vì nếu tôi không thử, thì tôi sẽ không bao giờ biết được mình có thể làm được những gì. Và nếu không đi thì tôi cũng sẽ không bao giờ biết được mình có thể đi đến đâu.
Những cuộc hành trình của tôi bắt đầu hơi thất vọng bởi không ai trong đám bạn của tôi đủ can đảm để đồng hành cùng những chuyến đi có phần mông lung và mạo hiểm của tôi. Nhưng tôi vẫn đi, bởi tôi không muốn từ bỏ điều mình muốn làm chỉ vì những người xung quanh tôi không muốn làm. Trong các chuyến đi, tôi đều dành ít nhất một ngày để đi bộ vòng quanh downtown thành phố lớn nhất tiểu bang vì tôi tin rằng downtown là nơi hội tụ đủ nhiều điều đặc sắc nhất tiểu bang ấy. Và nếu có bao giờ bạn gặp một cậu bé với chiếc balo to trên lưng dạo quanh các con phố từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, thì rất có thể bạn đã nhìn thấy tôi.

Từ 20 cây số tại San Antonio đến 10 cây số tại Austin.
Vừa bước xuống từ chiếc xe khách hai tầng, tôi được ngày hè tại Texas chào đón bằng cái nắng kinh khủng. Ngoài những ngày hè oi bức, Texas còn nổi tiếng với sự hiếu khách, và không quá lâu để tôi nhận ra điều này khi một người đi cùng chuyến xe khách với tôi ngỏ ý cho tôi đi nhờ vào trung tâm thành phố San Antonio sau khi ông ấy nghe về những câu chuyện du lịch độc tấu của tôi. San Antonio nổi tiếng với một dòng sông thơ mộng chảy xuyên qua trung tâm thành phố, nơi mà tất cả những thứ tinh túy nhất của tiểu bang Texas hội tụ. Các dấu tích lịch sử dọc bờ sông đã cho tôi biết thêm nhiều về sự đa dạng văn hóa của tiểu bang này bởi Texas đã trải qua một thời gian dài dưới sự ảnh hưởng của người Mexico, Tây Ban Nha và Pháp. Tôi còn được thưởng thức những món ăn tuyệt vời tại đây mà đặc biệt nhất là trải nghiệm món strip-steak nấu cùng pho mát gorgonzola bên ly cocktail vị đào tại ban công của một nhà nhà hàng kiểu châu Âu cạnh bờ sông và ngắm nhìn những du khách trên chiếc thuyền du lịch sặc sỡ. Tại km thứ 15, tôi được đến tòa tháp Tower of America và được ngắm nhìn sự đa dạng kiến trúc của San Antonio tại điểm cao nhất của thành phố này. 20 km và một ngày dài cho đôi chân tôi kết thúc bằng một cốc margarita cùng những câu chuyện thú vị từ những người bạn tôi vừa quen được tại một quán bar bận rộn trong trung tâm thành phố. Để tiếp tục cuộc hành trình vòng quanh Texas của mình, tôi đi xe bus đến Austin, một thành phố nổi tiếng không kém gì San Antonio. Nếu như bạn không biết lái xe, thì bạn phải biết cách kết bạn với những người biết lái xe. Và tại đây, cặp đôi Charlie và Macy mà tôi làm quen được qua mạng xã hội đã nồng nhiệt tiếp đón và đưa tôi đến những địa điểm nổi tiếng nhất của thành phố. Họ nhiệt tình đến mức tôi không thể rời khỏi nhà nếu tôi không để họ chở tôi bằng chiếc xe Volkswagen Beetle dễ thương. Để thực hiện chuyến đi bộ vòng quanh downtown, tôi đã phải lén ra khỏi nhà vào 6 giờ sáng khi họ còn đang say sưa sau một đêm đàn hát cùng tôi. Austin mang đậm tính hiện đại, nhộn nhịp và độc đáo của một thành phố trẻ. Tôi dạo quanh con phố số 6 nổi tiếng là một trong những con phố náo nhiệt về đêm bậc nhất nước Mĩ. Tôi đi đến thủ phủ của Texas khi mà mặt trời còn chưa leo lên được một nửa mái vòm của tòa nhà mang phong cách Phục Hưng này. Mặc dù tôi chỉ có thể dành ra ít thời gian cho từng địa điểm bởi tôi phải về trước khi Charlie và Macy thức giấc, thế nhưng hơn 2 tiếng đồng hồ vòng quanh Austin cũng đã mang đến một cái nhìn khác của tôi về tiểu bang Texas.

Bình mình tại Chicago và hoàng hôn tại Atlanta.
Đáp cánh xuống sân bay O’Hare của Chicago, tôi được một gia đình bạn của bố mẹ tôi đón và tiếp đãi bằng một buổi sáng thịnh soạn. Thế nhưng tôi không muốn nán lại quá lâu bởi một Chicago với biết bao nhiêu điều thú vị đang chờ đón tôi. Tôi đón chiếc xe lửa cồng kềnh để đi vào trung tâm thành phố vào 8 giờ sáng. Bước chân xuống trạm dừng downtown, cuộc hành trình bắt đầu. Sau khoảng gần hai giờ đồng hồ lơ đãng với vẻ cổ kính và hiện đại pha lẫn của Chicago, tôi gọi một chiếc Uber share đi đến viện bảo tàng thành phố để xem một trong những bộ xương khủng long hoàn chỉnh lớn nhất thê giới. Trên chiếc Uber ấy, tôi làm quen được hai người bạn người Nga và cùng đồng hành với họ trong suốt buổi tham quan bảo tàng. Từ bảo tàng thành phố, tôi đi bộ băng qua cung đường tuyệt đẹp dọc bờ hồ để đến thủy cung và đài thiên văn Alder Planetarium nổi tiếng của Chicago. Khi những ánh đèn của Chicago còn chưa kịp sáng lên, tôi đã phải chia tay thành phố kì diệu này bởi tôi phải bay đến Atlanta trong cùng ngày hôm ấy. Thay vì mệt mỏi, tội lại cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm một cách kì lạ vì được đón bình minh và hoàng hôn của một ngày tại hai thành phố lớn khác nhau. Tội dành buổi tối đầu tiên ở Atlanta suy nghĩ về những cuộc hành trình của mình tại một nhà thờ trong trung tâm thành phố trước khi về khách sạn để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho cuộc hành trình vào sáng hôm sau.

Trong hơn 2 năm sống tại tiểu bang Washington, tôi đến Seattle hầu như mỗi tuần mặc dù tôi ở cách thành phố xinh đẹp ấy gần 60 km. Không dưới mười lần tôi dạo quanh các con phố tại trung tâm Seattle, hay cùng bạn bè tung hoành các nhà hàng, buffet, trà sữa tại phố người Trung, hay tham quan những địa điểm nổi tiếng như Space Needle, Pike Place Market, hay ngồi trên chiếc xe-thuyền vịt có thể vừa chạy trên những con đường vây quanh bởi những quán cà phê sáng tạo vừa đi được trên những hồ nước thơ mộng xanh ngắt nằm rải rác khắp thành phố. Thế nhưng hôm ấy, một buổi tối mát mẻ của một ngày xuân tháng tư tại Seattle, tôi và cô bạn thân đã có một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Chúng tôi được xem trận đấu quần vợt của Roger Federer, tay vợt mà tôi thần tượng khi còn là một cậu nhóc chạy nhảy trên những cánh đồng bạt ngàn của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày ấy, cậu không bao giờ dám ước mơ rằng một ngày cậu có thể nhìn thấy tận mắt những đường bóng điệu nghệ từ Roger Federer mà cậu đôi khi phải thức trắng đêm để theo dõi. Trận đấu diễn ra trong sự phấn khích của tôi và tôi như đang được sống trong một giác mơ thật sự. Trận đấu kết thúc như bất kì những trận đấu khác và một ngày cũ cũng sắp tàn. Tôi tạm biệt cô bạn thân. Tôi đã có thể đón uber về nhà hoặc ngủ tại nhà người thân tại Seattle, thế nhưng, ngay tại khoảnh khắc ấy, một ý nghĩ điên rồ lại nảy lên trong đầu tôi. Tôi quyết định sẽ thức trắng đêm và đi bộ vòng quanh tất cả các con phố của Seattle. Dạo quanh downtown vào giữa đêm là một cuộc đấu trí đầy thú vị giữa đâu là ranh giới giữa an toàn và nguy hiểm, giữa phấn khích và lo sợ. Tôi đi đến những địa điểm nổi tiếng nơi mà sẽ luôn đông nghẹt người vào buối sáng. Khu chợ truyền thống Pike Place market lúc này trông không khác gì một trại tị nạn vì người vô gia cư tụ tập đến đây ngủ. Space Needle với ánh đèn trắng hơn ánh trăng giờ đây đứng trơ chọi giữa một bầu trời sương khói. Và tôi, một con người sôi động và hòa đồng luôn muốn vui vẻ ở cạnh bạn bè thế nhưng cũng có lúc phải đối mặt với sự cô đơn, cái mà chỉ có bản thân tôi mới có thể biết cách thoát ra được. Tôi gặp một nhóm khách du lịch từ miền Nam nước Mĩ tại một quán burger lúc 2 giờ sáng. Sau gần 30 phút trò chuyện, họ ngỏ ý cho tôi một chỗ nghỉ qua đêm nhưng tôi từ chối vì muốn tiếp tục cuộc hành trình của mình. May thay, hai người trong số họ muốn đồng hành cùng tôi trong vài giờ đồng hồ tới. Cùng Mike và Jason, cuộc đi bộ xuyên đêm của tôi tại Seattle trở nên an toàn và thú vị hơn nhiều. Tôi về đến nhà trọ lúc 5 giờ sáng với một sự thỏa mãn thú vị trước khi dành cả một ngày hôm sau để ngủ.

8 giờ sáng, Oklahoma City, Jorge – cậu bạn kiêm tài xế đánh thức tôi bằng bằng một tin giật gân rằng hai cơn lốc xoáy sẽ tràn vào thành phố trong vòng 24 giờ tới. Trong đầu tôi lúc bấy giờ, việc những cơn lốc xoáy càn quét Oklahoma không khiến tôi bất ngờ vì tiểu bang này mỗi năm nhận đến hơn 50 trận lốc xoáy; điều làm tôi thực sự tức giận là cơn lốc xoáy này cũng sẽ đập tan kế hoạch khám phá một tiểu bang độc đáo của nước Mĩ với sự pha trộn giữa nền văn hóa thổ dân da đỏ và người Mĩ gốc Đức.
“Lốc xoáy đang ở đâu?” – Tôi hỏi.
“Hướng tây bắc” – Jorge.
“Vậy ở đông nam có mưa bão gì không?”
“Theo Google thì không”.
“Hm, vậy ăn sáng xong chúng ta đi đông nam Oklahoma”
Dừng chân tại Keota, một thành phố cạnh hồ nước Arkansas mà chả ai biết đến, tôi lại gặp một cơn lốc xoáy khác. Cơn lốc xoáy đã ồ ạt đến tim tôi một cách mãnh liệt và ra đi một cách nhẹ nhàng. Có lẽ khoảng cách về địa lí không đánh bại được ý chí của tôi, nhưng tình cảm của tôi thì lại không mạnh mẽ bằng ý chí. Và có lẽ rất lấu nữa tôi mới có cơ hội đươc gặp một cơn bão ngọt ngào như vậy. Và tất nhiên không vì cơn bão ấy mà cuộc hành trình của tôi phải dừng lại. Bởi tôi luôn tin rằng những cuộc hành trình trong tương lai sẽ còn mang đến nhiều điều thú vị mà tôi không thể ngờ trước.
Nguyễn Anh Hào, Undergraduate Chemistry, Texas A&M University, Texas
———————————————————————————————————————-
Cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 7 với chủ để “Thách Thức Giới Hạn” thuộc chuỗi sự kiện Vòng Tay Nước Mỹ 7.
Để nộp bài tham dự cuộc thi (bài viết, hình ảnh, video, tranh vẽ), vui lòng gửi đến vongtaynuocmy7@gmail.com
Chi tiết về cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 7, vui lòng truy cập: vtnm7.info