Học bổng là thứ mà mọi du học sinh đều mong muốn giành được trước ngưỡng cửa du học. Tuy vậy, không phải học bổng nào cũng tốt đẹp như những gì bạn được nghe nói.
Tìm kiếm học bổng có lẽ là cụm từ mà ta hay được nghe tới nhất khi nói tới du học. Học bổng là một phương án hữu hiệu và phổ biến nhất để tiết kiệm chi phí cho những chuyến đi du học đắt đỏ. Nếu có học lực giỏi, khả năng PR bản thân tốt và là một “thợ săn” học bổng lành nghề, bạn hoàn toàn có thể tìm được cho mình những cơ hội học bổng lớn lên tới 50 – 75%, thậm chí cả 100%.
Hàng năm nhiều tổ chức quốc tế, các trường đại học, các tổ chức từ thiện và các cơ quan tài trợ khác cung cấp các nguồn hỗ trợ tài chính cho những sinh viên, học sinh xuất sắc nhưng không có đủ điều kiện về tài chính. Điều này mở rộng cơ hội tiếp cận học bổng cho sinh viên nhưng đồng thời cũng tăng thêm những nguy cơ, hiểm họa không đáng có.
Cụ thể, tại Mỹ, đã có những báo cáo về những kẻ lừa đảo tạo ra các trang web như là nhà cung cấp học bổng. Mỗi năm khoảng 1 triệu USD bị mất do những người bị những trang web này lừa. Tờ US News & World Report cảnh báo sinh viên quốc tế khi nộp đơn xin học bổng tại Mỹ không bao giờ đồng ý các yêu cầu trả tiền cho việc đăng ký hay tìm kiếm những thông tin học bổng.
Vậy, làm thế nào để lường trước những nguy cơ và tránh xa những chiêu trò lừa đảo đang ngày càng trở nên phổ biến? Hãy cùng nhận biết những dấu hiệu sau bạn nhé!
Bạn phải trả phí?
Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng: “Không có bất kỳ một tổ chức quốc tế, trường đại học, nhà cung cấp học bổng nào thu phí từ sinh viên đăng ký xét học bổng”. Nếu bạn bắt gặp những cụm từ như ‘chi phí’, ‘mua’, ‘mua lại’, ‘phí’ và ‘thanh toán’ trong điều kiện đăng ký học bổng hay tìm hiểu các thông tin chi tiết, bạn hãy cảnh giác vì đây rất có thể là những chiêu trò lừa đảo từ các tổ chức không chính quy. Những kẻ lừa đảo này chủ yếu đánh vào tâm lý mong chờ và “khát” học bổng của các bạn sinh viên.
Bạn có thể nghĩ đơn giản rằng một khoản thu nho nhỏ nhưng đổi lấy một phần học bổng lớn giúp tiết kiệm chi phí là hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều sinh viên sau khi nộp tiền vào những tài khoản được yêu cầu đã phải nếm trải cái kết “tiền mất tật mang” khi học bổng mãi không thấy đâu và thời gian apply vào trường cũng bị lỡ dở. Ngoài ra, bạn cũng đừng bao giờ tin vào những email thông báo nhận được học bổng nhưng bạn phải trả một khoản đặt cọc hay một khoản tiền nhất định trước khi nhận học bổng.
Bạn được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân không hợp lý?
Đối với nhiều sinh viên quốc tế, một vấn đề rất phổ biến khi bạn tìm kiếm học bổng đó là bạn thường được yêu cầu các thông tin cá nhân như những yêu cầu bắt buộc để sử dụng các ứng dụng của trang web. Tuy nhiên thông tin nào “nên” và thông tin nào “không nên” cung cấp?
Tờ US News & World Report đưa ra cảnh báo khẳng định: “Nếu một công cụ tìm kiếm học bổng yêu cầu bạn cung cấp thông tin thẻ tín dụng hoặc thông tin tài chính khác trước khi bạn có thể sử dụng nó thì đừng bao giờ làm theo”. Những yêu cầu thông tin cá nhân bất hợp lý phổ biến có thể kể đến như: chi tiết thẻ ngân hàng, hộ chiếu, thẻ tín dụng hoặc số PIN thẻ ngân hàng,… Bạn có thể không lường trước được nhưng những thông tin này lại hoàn toàn có thể trở thành những trợ thủ đắc lực giúp kẻ xấu xâm nhập vào thông tin tài chính của bạn, thậm chí rút và chuyển tiền từ chính tài khoản cá nhân của bạn.
Bạn bị kích động bởi những lời mời không tưởng?
Những kẻ lừa đảo thường gửi mail cho bạn có đi kèm với những logo của chính phủ, các ngân hàng hay các tổ chức giáo dục. Vì thế ngay khi bạn nhìn thấy những logo như vậy hãy vào các trang chủ của những tổ chức này hay liên hệ trực tiếp với các tổ chức tài trợ có trên logo để xác minh thông tin. Bạn nên kiểm tra các thông tin cụ thể như chi tiết học bổng và ngày hết hạn. Nếu một tổ chức cung cấp học bổng hợp pháp sẽ cung cấp rất đầy đủ các thông tin cho bạn. Đừng quá mơ mộng vào những cơ hội không tưởng mà bị lừa bởi những kẻ hoàn toàn không mang danh “chính phủ”, “trường đại học danh tiếng” như trong lời mời chào!
Bạn là người may mắn duy nhất?
Trường hợp này cũng tương tự như khi bạn nhận được các mẫu quảng cáo “Bạn là khách hàng thứ 100 may mắn nhận được phần quà”. Những nhà cung cấp học bổng hợp pháp luôn cung cấp các chương trình học bổng rộng rãi để tất cả các sinh viên có được cơ hội như nhau. Vì vậy, cái gọi là cơ hội duy nhất chỉ dành cho bạn gần như là điều không tưởng, trừ phi bạn là một sinh viên vô cùng xuất sắc và vô cùng nổi tiếng.
Những ngôn từ “kích động” này là một chiêu trò marketing phổ biến đánh vào tâm lý của người đọc. Khi nhận được những email như vậy, phần lớn người đọc chỉ chú tâm vào nội dung và gần như bị thuyết phục hoàn toàn vì “những khả năng bạn không có” hay “những may mắn không tưởng” mà quên cảnh giác rằng có thể có hàng ngàn, hàng vạn người cũng nhận được những email tương tự như vậy. Những email này sẽ dẫn bạn theo một đường link đăng ký và phần lớn đều kết thúc ở việc bạn nộp một số tiền lớn gọi là lệ phí học bổng. Một điều tất nhiên rằng bạn sẽ hoàn toàn chẳng có cơ hội chờ được phần học bổng may mắn này vị thực tế, nó chưa bao giờ tồn tại.
Ngày nay, khi ngày càng có nhiều các bạn học sinh muốn tham gia học tập tại nước ngoài trong khi mức chi phí cho việc du học ngày càng tăng thì các chiêu lừa bịp, gian lận cũng tăng lên. Điều này xuất phát chủ yếu từ những rủi ro thông tin khi tìm kiếm chương trình và học bổng thông qua mạng Internet. Bạn thường được yêu cầu cung cấp một số thông tin chung hay chi tiết đăng ký, tài khoản cá nhân… khi tham gia vào các website trên mạng, đây chính là điểm mà rất nhiều kẻ xấu muốn lợi dụng để đánh cắp các thông tin hoặc thậm chí là tiền bạc.
Điều bạn nên làm là tìm hiểu các nguốn tin chính thống và có sự cảnh giác trước những email mời chào học bổng. Hãy “Vào website trường” hoặc “Yêu cầu thông tin” từ nhà trường để kiểm tra lại chi tiết học bổng, hạn nộp, yêu cầu và các cơ hội học bổng khác phù hợp. Nhớ rằng, luôn phải cảnh giác bạn nhé!
theo Trí Thức Trẻ
Xem bài gốc tại đây