
“Nếu được so sánh với tinh tú trên trời, bản thân mình chỉ là một hạt bụi trẻ – vô danh của vũ trụ đang trong hành trình kiếm tìm giá trị tồn tại của bản thân. Trên chặng đường ấy, hạt bụi luôn thầm ngưỡng mộ và không ngừng mơ ước một ngày có thể sáng lấp lánh.
Mình là Kiều Bích. Một cô gái bình thường, không quá tệ cũng không quá xuất sắc trên con đường học vấn. Sức học làng nhàng khiến mình chả bao giờ dám mơ đến học bổng du học. Ra trường, mình cũng kiếm được một công việc khá phù hợp. Sau hai tháng thử việc, mình xin nghỉ. Tuổi đầu hai mươi, thái độ có vẻ hơi bất cần. Nhưng tự sâu thẳm, bản thân đang đối mặt với khủng hoảng tuổi 20s với triệu chứng: bối rối, hoang mang, không biết làm gì cho tương lai, chả biết chọn đường nào giữa muôn vàn ngã rẽ nhưng lại khát khao được bay cao, bay xa, ước mơ có được trải nghiệm mới mẻ, khác biệt. Thế là mình chọn nước Mỹ là điểm đến đầu tiên cho chuyến bay cao-xa-trải-nghiệm ấy.
Tình yêu trẻ thơ dẫn lối đến chương trình trao đổi văn hóa Au pair Mỹ. Hai năm vừa sống, vừa học, vừa làm, vừa trải nghiệm ở một môi trường hoàn toàn mới cũng là cơ hội tốt để tìm kiếm một lối đi riêng đúng nghĩa. Để kể về những khó khăn của bản thân nơi xứ người thì nhiều vô kể, song chỉ vụn vặt, không đáng kể. Có những con người mình may mắn được gặp ở nơi đây, họ viết nên câu chuyện cuộc đời họ với vô vàn những thử thách LỚN họ đã vượt qua, mới thực sự khiến mình khâm phục, và dạy mình biết khiêm tốn.
Câu chuyện đầu tiên nói về một người phụ nữ. Bà lấy chồng và có đứa con trai đầu tiên lúc 17 tuổi. Quá trẻ để xây dựng và giữ gìn một mái ấm, nhất là khi ở xứ Mĩ này áp lực đồng tiền còn nặng gấp mấy lần ở Việt Nam, cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ và may mắn bà dành được quyền nuôi con. Con lớn một chút, bà bắt đầu lại từ đầu. Khi ấy, lực lượng y tá bác sĩ ở Mĩ thiếu hụt trầm trọng, họ phải thuê từ nước ngoài. Chính phủ mở ra nhiều học bổng khuyến khích học sinh theo ngành y. Bà đăng ký và dễ dàng nhận được một suất ở một trường có tiếng ở New York. Bà vừa học, vừa làm, cần mẫn như một cô ong thợ. Có lẽ những khó khăn hiện tại là động lực bà phấn đấu nhiều hơn, bà tốt nghiệp loại ưu. Vài năm sau đó, bà bước thêm bước nữa. Người đến sau hoàn hảo vạn lần người đến trước. Tất nhiên, gia đình nhà trai phản đối kịch liệt. Trai chưa vợ, học vị tiến sĩ. Gái một đời chồng và một đứa con trai. Dù ở đâu, các bậc cha mẹ cũng có những nét tương đồng như nhau nhưng có bao giờ thắng nổi ý con cái. 40 tuổi, bà mang thai đứa thứ hai, cùng lúc đó bà được đề cử lên vị trí giám đốc bộ phận, và chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ. Cùng một lúc xử lý ba chuyện đại sự khiến bà dường như kiệt quệ sức lực. Và cuối cùng, bao cố gắng của bà được trả công xứng đáng. Trước lúc bà hạ sinh vài tuần, bà chính thức là giám đốc bộ phận với học vị tiến sĩ. Mọi thứ diễn ra đều vừa kịp lúc. Ngày sinh nhật 24 tuổi của mình, bà chia sẻ bà rất biết ơn và mãn nguyện vì những mục tiêu đời bà đã hoàn thành trước 40 tuổi. Bà hi vọng mình cũng sẽ kiên trì thực hiện được những mục tiêu cuộc đời và thành công thật sớm. Qua đó, mình hiểu ra rằng để tìm được một người tốt, bản thân mình phải tự hoàn thiện từng ngày. Và chưa bao giờ là muộn để bắt đầu một hành trình mới, hãy cứ lì theo đuổi những mục tiêu. Đặc biệt, trong hôn nhân, đổ vỡ chưa hẳn là cái kết thảm. Nó mở lối tươi sáng hơn cho những người luôn mưu cầu được hạnh phúc.
Câu chuyện thứ hai nói về một người anh. Lúc anh bắt đầu định cư ở Mỹ cũng là lúc anh bắt đầu cuộc sống đại học ở đất nước này . Cuộc sống sang trang mới không mấy dễ dàng. Nếu là người Mỹ, họ chỉ cần cố gắng một phần để thành công, còn anh phải nổ lực gấp mười lần họ. Để san sẻ một phần học phí và các chi phí sinh hoạt đắt đỏ, ngoài giờ học anh phải lao động cật lực. Anh không ngại làm nail, bồi bàn, dealer (người chia bài). Một ngày anh chỉ có thể được ngủ 4-5 tiếng đồng hồ. Vất vả quá, anh có thể lựa chọn việc từ bỏ giấc mơ đại học để không phải chịu áp lực mỗi ngày. Nhưng không, anh lại biết ơn những vất vã ấy vô bờ vì chúng giúp anh vươn lên và đạt được những thành công nhất định sau này. Nếu như Mị, nhân vật trong chuyện “Vợ chồng A Phủ” có câu nói nổi tiếng: Sống trong cái khổ, Mị đã quen khổ rồi. Anh có câu nói khác hay hơn: Sống trong cái khổ, anh ghét cái khổ nên phải nổ lực thôi.
Những câu chuyện quy về một mối. Ai cũng có xuất phát điểm đầy khó khăn, thử thách trước khi cán đích thành công. Ai có đủ bản lĩnh, kiên trì vượt qua, trái ngọt ắt trĩu cành.
Hi vọng những câu chuyện mình tích góp được trong suốt chặng đường sẽ giúp mình, giúp bạn sớm xuất bản câu chuyện của chính mình. Mình là Kiều Bích, một sinh viên trong những năm tuổi 20 luôn được truyền cảm hứng và nỗ lực khnôg ngừng nghỉ để vượt qua giới hạn của chính mình.
Còn các bạn thì sao?”
Võ Kiều Bích, sinh viên chương trình trao đổi văn hóa Au Pair 2 năm tại Mỹ.
———————————————————————————————————————-
Cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 7 với chủ để “Thách Thức Giới Hạn” thuộc chuỗi sự kiện Vòng Tay Nước Mỹ 7.
Để nộp bài tham dự cuộc thi (bài viết, hình ảnh, video, tranh vẽ), vui lòng gửi đến vongtaynuocmy7@gmail.com
Chi tiết về cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 7, vui lòng truy cập: vtnm7.info